Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thanh Hóa tăng cường công tác quản lý, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh

09/12/2022 | 11:21

Thanh Hóa - miền đất địa linh, nhân kiệt là nơi lưu giữ những truyền thống lịch sử và văn hóa, cách mạng lâu đời của dân tộc, với nhiều di sản quý như: Thành nhà Hồ, Khu Di tích Lam Kinh, đền Bà Triệu,…

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 1 di sản văn hóa thế giới, 5 di tích quốc gia đặc biệt, 139 di tích quốc gia và 709 di tích cấp tỉnh. Cùng với đó, Thanh Hóa còn có 08 hiện vật được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia gồm: 3 hiện vật đang bảo quản, phát huy giá trị tại Bảo tàng tỉnh (Kiếm ngắn Núi Nưa, Trống đồng Cẩm Giang, Vạc đồng Cẩm Thuỷ); 5 hiện vật tại Di tích lịch sử - kiến trúc nghê thuật quốc gia đặc biệt Lam Kinh: Đại Việt lam Sơn Vĩnh Lăng Bi (Bia ghi thân thế sự nghiệp Vua Lê Lợi); Đại Việt Không nguyên Chí đức chi lăng (Bia Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao); Lam Sơn Chiêu lăng bi (Bia Vua Lê Thánh Tông); Đại Việt Lam Sơn Dụ lăng bi (Bia Vua Lê Hiến Tông); Đại Việt Lam Sơn Kính lăng bi (bia Vua Lê Túc Tông). 11 di sản được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Trò Xuân Phả, Trò diễn Pôồn Pôông, Lễ hội Trò Chiềng, Lễ hội Kin chiêng Boọc Mạy, Trò diễn dân gian Ngũ trò Viên Khê, Lễ hội Cầu Ngư, Nghề đúc đồng làng Chè (Trà Đông), Lễ hội đền Độc Cước, thành phố Sầm Sơn; Lễ hội Mường Ca Da, huyện Quan Hóa; Lễ hội đền Mưng, xã Trung Thành, huyện Nông Cống; Xường Dao Duyên, huyện Ngọc Lặc.

Thanh Hóa tăng cường công tác quản lý, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh - Ảnh 1.

Di sản Thành nhà Hồ

Trong những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng; nhiều di tích được đầu tư tu bổ, phục hồi, tôn tạo gắn với phát triển du lịch, góp phần bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc và giáo dục truyền thống, quảng bá về hình ảnh, vùng đất, con người Thanh Hóa, thu hút đông đảo du khách tham quan, nghiên cứu, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trong các tầng lớp Nhân dân.

Tuy nhiên, thời gian gần đây ở một số địa phương, công tác quản lý, tổ chức các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tại di tích thiếu chặt chẽ, làm nảy sinh tình trạng lộn xộn, phức tạp; công tác quy hoạch, xây dựng, tôn tạo các công trình có ảnh hưởng đến di tích và bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích khi chưa được cơ quan chức năng, cấp có thẩm quyền cho phép còn xảy ra; tình trạng lấn chiếm đất đai, đưa các hiện vật, đồ thờ, nội thất không phù hợp vào di tích và tình trạng mất cắp di vật, cổ vật tại một số di tích còn diễn ra, đã gây ảnh hưởng tới giá trị và việc gìn giữ yếu tố gốc, giá trị lịch sử - văn hoá của di tích; công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trong và ngoài khuôn viên di tích, công tác phòng chống cháy nổ tại di tích vẫn chưa được chính quyền và Nhân dân quan tâm đúng mức. Theo đó, trước thực trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 19/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị yêu cầu Giám đốc các Sở: VHTTDL, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường; Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Nội vụ; Giáo dục và Đào tạo căn cứ trên chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về Luật Di sản văn hóa và giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao ý thức gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị của các di tích.

Đồng thời phối hợp với các địa phương thường xuyên tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, sử dụng đất của di tích; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tự ý thực hiện bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; nghiên cứu, sưu tầm, bổ sung tư liệu, cứ liệu lịch sử - văn hóa vào hồ sơ di tích, kết nối tour tuyến du lịch để giới thiệu, quảng bá về di tích, lịch sử - văn hóa, truyền thống đến du khách trong nước và quốc tế; bố trí nguồn vốn thực hiện tu bổ, chống xuống cấp di tích; kiểm tra, giám sát các hoạt động của cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo là di tích; xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm, sử dụng đất di tích không đúng mục đích, sử dụng trái pháp luật theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Đối với các công trình xây dựng nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích nhưng có khả năng ảnh hưởng xấu đến di tích thì phải lấy ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan quản lý văn hóa, thể thao và du lịch theo quy định của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa.

Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, ngày 8.4, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký ban hành công văn số 4730 yêu cầu người đứng đầu phải chịu trách nhiệm người đứng đầu cơ quan chức năng, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, nếu để xảy ra sai phạm trong quản lý, bảo vệ và bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn. Công văn cũng yêu cầu cơ quan chức năng thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích để kịp thời phát hiện, điều chỉnh các sai sót có thể xảy ra trong quá trình triển khai các dự án, không để xảy ra sai phạm rồi mới xử lý; tuyệt đối không để xảy ra việc các địa phương, đơn vị tự ý thực hiện bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích hoặc bổ sung tượng thờ, đồ thờ vào di tích khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép theo quy định,... để bảo vệ, giữ gìn được yếu tố gốc tạo nên giá trị di tích.

Hằng năm tổng hợp và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn theo quy định. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, đơn vị chức năng và Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa, quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng có liên quan và văn bản chỉ đạo, thẩm định, hướng dẫn của Bộ VHTTDL…

Trong thời gian qua, sau khi UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Chỉ thị và công văn tăng cường công tác quản lý, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, tình trạng sai phạm tại các di tích phần nào đã được kịp thời chấn chỉnh, các tồn tại, hạn chế cũng được khắc phục, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý, bảo tồn, bảo quản, tu bổ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo Báo Vắn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×