Thanh Hóa: Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa
21/12/2022 | 10:15Việc lựa chọn phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng đang được nhiều huyện miền núi trong tỉnh quan tâm nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc được xác định vừa là giải pháp, vừa là mục tiêu nhằm xây dựng thương hiệu điểm đến giàu bản sắc.
Được biết đến là một trong những điểm sáng của du lịch cộng đồng, bản Mạ (Thường Xuân) không chỉ hấp dẫn du khách bởi cảnh quan thiên nhiên xanh mát quanh năm, sự thân thiện, hiếu khách của người dân bản địa, mà ở đây còn sở hữu những nếp nhà sàn nép bên sườn núi, những nét sinh hoạt cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Đặc biệt, từ khi có cây cầu treo vắt qua dòng sông Chu, kết nối bản Mạ với trung tâm huyện Thường Xuân và Khu Di tích đền Cửa Đạt, bản làng xinh xắn này càng trở nên thu hút sự chú ý của khách thập phương. Nắm bắt cơ hội, chính quyền và người dân địa phương đã tập trung tạo dựng cảnh quan môi trường, tổ chức các trò chơi dân gian, thành lập đội văn nghệ, cải tạo cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ ăn, nghỉ... Đến nay, bản Mạ đã có 20 gia đình đủ các điều kiện phục vụ khách du lịch, bình quân mỗi năm bản đón được từ 5 - 7 nghìn lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Cùng với bản Mạ, trên địa bàn huyện Thường Xuân còn có nhiều địa điểm có khả năng phát triển loại hình du lịch sinh thái cộng đồng, như các bản làng thuộc khu vực vùng đệm và vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, khu vực Hồ Cửa Đạt...
Để khai thác, phát huy tiềm năng du lịch, huyện Thường Xuân đã xây dựng Đề án Phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, nhằm cụ thể hóa đề án và quảng bá du lịch địa phương, đến nay huyện đã tổ chức thành công Tuần lễ văn hóa, thể thao và du lịch huyện Thường Xuân vào các năm 2019 và 2022 (đây là hoạt động thường niên, song do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các năm 2020, 2021 không tổ chức) với các hoạt động như: lễ mừng cơm mới; đua thuyền rồng, bắn nỏ, kéo co, tung còn nam - nữ... Đến với lễ hội, du khách sẽ được khám phá, trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của vùng đất quế ngọc Châu Thường.
Cùng với các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh, huyện Như Xuân được đánh giá là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng. Đây là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Thái, Mường và Thổ với nhiều phong tục, truyền thống văn hóa, ẩm thực, lễ hội dân gian như: Lễ hội Đình Thi của dân tộc Thổ; lễ hội dâng trâu tế trời tại đền Chín Gian của dân tộc Thái... Đặc biệt, nhiều bản làng còn giữ được nếp nhà sàn theo kiến trúc truyền thống và nghề dệt thổ cẩm.
Những năm qua, để khai thác phát triển du lịch cộng đồng, huyện Như Xuân đã tiến hành khảo sát, lập hồ sơ khôi phục lễ hội dâng trâu tế trời tại đền Chín Gian; khai trương công bố khu di tích danh lam thắng cảnh thác Đồng Quan; khôi phục nghề dệt thổ cẩm... Trong năm 2021 và 2022, huyện Như Xuân đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh mời các đoàn chuyên gia, doanh nghiệp lữ hành đến tìm hiểu, khảo sát, đánh giá, tư vấn xây dựng điểm đến và sản phẩm du lịch đặc trưng. Qua nhiều lần khảo sát, huyện đã hình thành kế hoạch xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng như: hang Kẽm, “làng cổ” Tân Hùng (nơi lưu giữ tới 79 ngôi nhà sàn cổ của đồng bào dân tộc Thái), bến thuyền Tân Bình...
Qua khảo sát, các chuyên gia và đơn vị lữ hành đánh giá cao tiềm năng, thế mạnh trong phát triển du lịch của huyện Như Xuân, đặc biệt là hướng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Tuy nhiên, để tránh sự trùng lặp trong việc phát triển loại hình du lịch cộng đồng, mỗi điểm đến cần tạo ra những sản phẩm đặc trưng, khác biệt và tạo nên thương hiệu, thế mạnh cạnh tranh từ chính tiềm năng, bản sắc văn hóa của cộng đồng.
Được biết, cùng với các điểm đến khác trên địa bàn như: đền Chín Gian (xã Thanh Quân); thác Cổng Trời, thác Đồng Quan (xã Hóa Quỳ)... “Làng cổ” Tân Hùng đã và đang được huyện Như Xuân định hướng xây dựng trở thành điểm đến du lịch cộng đồng trong thời gian tới. Cùng với đó, thực hiện Đề án Phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, huyện Như Xuân sẽ tập trung phát triển tại 3 khu vực: Về phía Tây của huyện, sản phẩm du lịch nổi bật với các hoạt động khám phá, trải nghiệm “thung lũng người Thái vùng 6 Thanh”, với điểm nhấn là đền Chín Gian và lễ hội dâng trâu tế trời. Về phía Đông của huyện, bao gồm các thôn thuộc vùng lõi Vườn Quốc gia Bến En phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng mang bản sắc vùng sông nước tạo nên những trải nghiệm độc đáo. Về khu vực trung tâm, bao gồm các thôn thuộc phạm vi thác Đồng Quan, thác Cổng Trời với sản phẩm khám phá thác và các hoạt động vui chơi, giải trí.
Qua các đợt khảo sát một số khu, điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đại diện các đơn vị lữ hành, chuyên gia du lịch cho rằng, để tạo nên bản sắc riêng, không trùng lắp, bên cạnh ưu thế tài nguyên thiên nhiên đa dạng, các khu, điểm du lịch sinh thái cộng đồng xứ Thanh cần chú trọng hơn nữa giải pháp phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa bản địa độc đáo. Cụ thể từ chính nét sinh hoạt văn hóa, ẩm thực, lễ hội truyền thống cho đến các trò chơi, trò diễn dân gian... Bởi theo đánh giá, các sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thực sự hoàn thiện, chưa tạo được dấu ấn riêng và các hoạt động, cách tổ chức có phần giống nhau ở tất cả các điểm đến.