Thanh Hóa: Nâng cao hiệu quả hợp tác đào tạo nhân lực du lịch trong tình hình mới
30/06/2022 | 13:21Trong bối cảnh phục hồi ngành du lịch như hiện nay, thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch đang là vấn đề đặt ra cho nhiều địa phương trong cả nước. Để giải quyết vấn đề này, việc đào tạo nguồn nhân lực với sự tham gia của cả “3 nhà”: nhà trường - nhà tuyển dụng - Nhà nước đang là hướng đi được tỉnh Thanh Hóa chú trọng triển khai nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo nhân lực trong tình hình mới.
Trong những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm đẩy mạnh việc thực hiện công tác xã hội hóa và hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực phát triển nguồn nhân lực du lịch. Đồng thời, chú trọng đa dạng hóa các hình thức đào tạo du lịch và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Trong tình hình hiện nay, việc chú trọng nâng cao kỹ năng nghề, ngoại ngữ và đạo đức nghề nghiệp cho lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch lại càng trở nên quan trọng.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong năm 2021, tổng số tuyển sinh của các cơ sở đào tạo du lịch trên địa bàn tỉnh là trên 1.000 người; trong đó đại học 109 người, trung cấp trên 600 người, sơ cấp gần 300 người. Tổng số học viên, sinh viên chuyên ngành du lịch đã tốt nghiệp là 738 người; trong đó trình độ đại học 175 người, trung cấp 376 người, sơ cấp 187 người. Cùng với đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ tại khu, điểm và doanh nghiệp du lịch. Song, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trong suốt hơn 2 năm qua, một bộ phận lao động lĩnh vực du lịch đã chuyển hoàn toàn sang lĩnh vực khác, do đó việc thiếu hụt lao động trong giai đoạn hiện nay là điều không thể tránh khỏi.
Theo đại diện một số trường đào tạo nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh, trong tình hình hiện nay, việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch cần hướng đến việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu và đủ sức cạnh tranh. Trong đó, cơ sở để nâng cao chất lượng đào tạo chính là các bộ tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam VTOS và 7 tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia theo tiếp cận năng lực của các nghề trong lĩnh vực du lịch, đã được ban hành trong thời gian qua.
Theo Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22-6-2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy định chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học có quy định: “Phải có sự tham gia tích cực và đóng góp hiệu quả của các bên liên quan, trong đó có đại diện các cơ sở đào tạo, giới sử dụng lao động và hiệp hội nghề nghiệp, các chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn”. Yêu cầu này không chỉ dừng lại ở quy định mà còn nhấn mạnh đến việc đào tạo gắn liền với thực tiễn, rất phù hợp trong đào tạo chuyên ngành du lịch.
Trong thời gian qua, các trường đào tạo nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh đã rất quan tâm trong việc đào tạo gắn với kết nối các doanh nghiệp, như: tham vấn về nội dung đào tạo, mời chuyên gia về hướng dẫn cho sinh viên trong thực hành, thực tập, kết nối tuyển dụng, tạo việc làm cho sinh viên ngay khi ra trường.
Là một trong những cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch quy mô lớn, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã chuyển đổi chương trình và nội dung đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực, chú trọng kỹ năng thực tế, thực hành cho sinh viên. Vì vậy, đơn vị tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn hoạt động trong lĩnh vực du lịch để gửi sinh viên đi thực tế, thực tập. Bên cạnh đó, nhà trường còn ký kết xây dựng hệ thống doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo, bảo đảm 100% sinh viên trong quá trình học tập tại nhà trường đều được tham gia thực hành tại các doanh nghiệp theo ngành học của mình. Ngoài ra, hệ thống chương trình dạy học cho sinh viên các chuyên ngành du lịch được nhà trường thiết kế trên cơ sở được tích hợp đầy đủ kiến thức, kỹ năng, trình độ theo yêu cầu chuẩn đầu ra của ngành du lịch Việt Nam.
Từ góc nhìn của người làm công tác đào tạo, PGS.TS Nguyễn Thị Thục, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo (Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch là yêu cầu cấp bách trong tình hình hiện nay, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề nghiệp. Do đó, rất cần có sự vào cuộc tích cực giữa Nhà nước - nhà tuyển dụng - nhà trường. Đồng thời, các yếu tố này phải được vận hành và chuyển động một cách hài hòa, xuyên suốt nhất quán và hiệu quả. Có như vậy, nguồn nhân lực mới bảo đảm cả về lượng và chất, đáp ứng nhu cầu phát triển ngành du lịch tỉnh nhà trong bối cảnh hiện nay.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh hiện có trên 900 cơ sở lưu trú, trong đó gần 200 khách sạn được xếp hạng từ 1 - 5 sao, gần 150 hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay cùng hệ thống các trung tâm thương mại lớn. Ngoài ra, việc khởi công một số dự án du lịch quy mô lớn trong thời gian qua như: Dự án khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng tại xã Quảng Yên (Quảng Xương); Dự án Flamingo Hải Tiến (Hoằng Hóa); Dự án Khu Du lịch sinh thái Tân Dân (Nghi Sơn); Dự án Resort Sao Mai Thanh Hóa (Thọ Xuân)... đã, đang mở ra cơ hội việc làm rất lớn cho lao động lĩnh vực du lịch, đồng thời đặt ra yêu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trong thời gian tới.