Thanh Hóa: Khai thác và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch
22/11/2021 | 14:17Giá trị của Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ không chỉ góp phần làm dày hơn, phong phú, đa dạng hơn kho tàng văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc; mà còn phải trở thành một động lực, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa. Muốn vậy, việc khai thác giá trị di sản phục vụ phát triển du lịch là yêu cầu tất yếu.
Sau quá trình xây dựng và đề cử thành công hồ sơ khoa học lên UNESCO, Thành Nhà Hồ từ một di tích tương đối “trầm mặc” đã tỏa rạng “hào quang” của di sản văn hóa thế giới. Đồng thời, di sản đã nhận được sự quan tâm đầu tư của tỉnh Thanh Hóa trong việc nghiên cứu, bảo tồn thông qua các dự án: quy hoạch tổng thể và chi tiết Di sản Thành Nhà Hồ; nghiên cứu khai quật vùng đề cử di sản; tu bổ tôn tạo cấp thiết Đàn Nam Giao; tu bổ tôn tạo di tích Giếng Vua; khai quật và xây dựng nhà trưng bày ngoài trời công trường khai thác đá cổ An Tôn; xây dựng nhà trưng bày bảo quản hiện vật bổ sung Di sản Thành Nhà Hồ; xây dựng khu tưởng niệm các vua Hồ tại Đàn Nam Giao; đầu tư xây dựng và nâng cấp các tuyến đường giao thông dẫn vào các di tích và phục vụ khách tham quan Thành Nhà Hồ; xây dựng các biển quảng bá tấm lớn của di sản trên các tuyến quốc lộ... Đây là cơ sở quan trọng để khai thác và phát huy giá trị di tích.
Đặc biệt, ngày 12-8-2015 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1316/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Thành Nhà Hồ và các di tích phụ cận gắn với phát triển du lịch. Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch được xác định theo ranh giới được UNESCO công nhận, bao gồm khu vực Di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận, với quy mô 5.078,5 ha, gồm vùng lõi và vùng đệm. Trong đó, vùng lõi rộng 155,5 ha, gồm 3 hợp phần là Thành Nội, La Thành và Đàn tế Nam Giao; vùng đệm rộng 4.923 ha. Mục tiêu của quy hoạch là bảo tồn, tôn tạo Thành Nhà Hồ nhằm bảo tồn vững chắc và tôn vinh giá trị nổi bật toàn cầu của di sản. Đồng thời, xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử nổi bật của cả khu vực Bắc Trung bộ... Đây có thể xem là một quy hoạch đầy tham vọng và có ý nghĩa quyết định đối với công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị toàn bộ khu vực đã khoanh vùng của di sản.
Du lịch di sản văn hóa thế giới vốn không còn xa lạ, khi Việt Nam có những đại diện nổi bật như Cố đô Huế hay Phố cổ Hội An. Đây là những “nam châm” thu hút khách du lịch của Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, cũng đồng thời là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. Còn rộng hơn, có thể nhắc đến di sản thế giới nằm ở Tây Nam nước Pháp: tòa thành đá Carcassonne (được UNESCO công nhận năm 1997). Bởi ý thức được giá trị đặc biệt của nó mà từ sớm, người Pháp đã tiến hành trùng tu, tôn tạo lại diện mạo cho tòa thành đá cổ đại, với những con phố hẹp quanh co lát đá, những giếng nước công cộng, quảng trường, những dãy nhà cổ san sát. Nhờ đó, di sản này đã đón hàng triệu du khách trên khắp thế giới mỗi năm... Còn đối với Thành Nhà Hồ, để biến di sản thành động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội, thì trước hết cần nhanh chóng khởi động thực hiện quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch. Trong đó, tỉnh cần sớm đầu tư xây dựng sản phẩm văn hóa – di sản đặc trưng gắn với di tích khảo cổ học, làng cổ, nghề truyền thống và các dịch vụ đi kèm.
Để khai thác giá trị di sản cho phát triển du lịch ở Thành Nhà Hồ, thiết nghĩ không thể tách rời môi trường văn hóa cộng đồng địa phương nằm ngay cạnh di sản. Nói cách khác, cần coi trọng vai trò của người dân, gắn với việc hài hòa lợi ích bằng cách tạo điều kiện để người dân tham gia làm du lịch. Ví như việc tạo ra các sản phẩm bổ trợ để du khách trải nghiệm đời sống văn hóa, sản xuất, sinh hoạt văn hóa làng cổ Đông Môn, Phương Nhai, Giang Biểu, Mỹ Xuyên...; khôi phục và tổ chức trình diễn các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian và các nghề truyền thống; trưng bày và bán quà lưu niệm là các đặc sản dân dã địa phương như dưa Don, cà Giáng, bánh tráng chợ Bồng, chè lam Phủ Quảng, khoai sáp Vĩnh An, sâm báo Vĩnh Hùng... Bên cạnh đó phải xây dựng được môi trường thiên nhiên xanh, sạch, đẹp và môi trường văn hóa trong đó con người thân thiện, có lối ứng xử lịch sự, tôn trọng du khách... nhằm tạo ấn tượng đẹp cho du khách khi về với di sản.
Để làm nổi bật giá trị của Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, trong định hướng bảo tồn, phát triển, hướng đến khai thác tiềm năng du lịch, thiết nghĩ không thể không lưu tâm đến các di tích, thắng cảnh phụ cận. Bởi lẽ đây là khu vực chứa đựng tất cả các yếu tố văn hóa, góp phần tạo nên tính hoàn chỉnh cho một kinh thành, với các công trình tín ngưỡng, đình miếu, các ngôi làng truyền thống, những con đường cổ, khu chợ, bến sông, các thắng tích gắn liền với những câu chuyện lịch sử, dã sử, các thắng cảnh thiên nhiên nước lạc non bồng... Trong lịch sử hình thành và phát triển, mảnh đất Vĩnh Lộc là nơi hội tụ của nhiều vỉa tầng văn hóa. Nơi đây đã tìm thấy dấu vết nơi cư trú và mộ táng của chủ nhân nền văn hóa Đa Bút (xã Vĩnh Tân) có niên đại chừng 7.000 năm, hay các di tích Bản Thủy (Vĩnh Thịnh), Phà Công (Vĩnh Hòa), Núi Sen (Vĩnh An)... cho thấy con người đã sớm chọn vùng đất này làm nơi định cư, từ đó hoàn thiện dần các kỹ thuật canh tác và đời sống sinh hoạt thông qua các công cụ sản xuất, vật dụng hằng ngày được tìm thấy. Chưa hết, Thành Nhà Hồ được bao quanh bởi một vùng thắng cảnh đẹp, ví như động Kim Sơn (xã Vĩnh An) nằm trong dãy núi Kim Sơn chạy dọc sông Mã, có tất thảy 29 ngọn “xa trông có chỗ như tàn như lọng, như lâu đài như cờ quạt, như gấm như thêu, khi tạnh khi mưa khác vẻ, buổi sáng buổi chiều khác màu”. Cũng thuộc hệ danh thắng ấy là động Hồ Công (xã Vĩnh Ninh), nằm trong lòng dãy núi Xuân Đài vốn được mệnh danh là “Nam thiên tam thập lục động, Hồ Công đệ nhất” (36 động của nước Nam, động Hồ Công là nhất)...
Với những cơ sở hết sức thuận lợi cho khai thác, phát triển du lịch như vậy, song khách quan nhìn nhận, tham quan Di sản Thành Nhà Hồ vẫn chưa thể trở thành sản phẩm nổi bật, hấp dẫn của du lịch Thanh Hóa. Tính trong giai đoạn 2010-2021, di sản này đón được gần 823 nghìn lượt khách (trong đó khách trong nước trên 794 nghìn lượt; khách quốc tế trên 28,4 nghìn lượt). Đây vẫn là con số hết sức khiêm tốn nếu so sánh với các di sản văn hóa thế giới khác; cũng là con số cho thấy việc khai thác tiềm năng, giá trị của Di sản Thành Nhà Hồ cần thêm nhiều “cú hích” trong đầu tư xây dựng sản phẩm, dịch vụ, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực... Đồng thời, tích cực triển khai các dự án thành phần nằm trong quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Thành Nhà Hồ và các di tích phụ cận gắn với phát triển du lịch. Từ đó, có thêm cơ sở để định hướng một lộ trình thật sự nghiêm túc, đồng bộ, khả thi cho du lịch di sản phát triển.