Thanh Hóa: Khai thác tiềm năng di tích để phát triển
18/09/2021 | 09:01Di sản văn hóa vật thể trên địa bàn huyện Thạch Thành tương đối đa dạng, với 14 di tích đã được xếp hạng; trong đó, có các di tích tiêu biểu, như: Di tích quốc gia đặc biệt hang Con Moong và các di tích phụ cận, di tích thắng cảnh đền Phố Cát, di tích Chiến khu Du kích Ngọc Trạo... Mỗi di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng đều gắn với những huyền thoại, những truyền thuyết lịch sử hay những nhân vật tên tuổi trong sử sách, tất cả đã tạo nên một không gian văn hóa của vùng đất Thạch Thành giàu truyền thống yêu nước và cách mạng.
Di tích quốc gia đặc biệt hang Con Moong và các di tích vùng phụ cận được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2367/QĐ-TTg ngày 23-11-2015 (bao gồm hệ thống hang Con Moong; hang Lai, hang Đắng, mái đá Mộc Long, hang Mộc Long, hang Mang Chiêng, hang Diêm, hang Bố Giáo và hang Lý Chùn). Theo các tài liệu khảo cổ học, hang này được phát hiện vào năm 1974 và được khai quật lần đầu vào năm 1976, sau đó tiếp tục được khai quật vào các năm 2008-2009, 2010, 2012, 2014. Tầng văn hóa trong hang rất dày (10,9m), chứa đựng vết tích văn hóa của nhiều thời đại, từ đá cũ, qua đá mới. Kết quả phân tích bằng phương pháp Carbon (C14) trên 10 mẫu của Viện Khảo cổ học Việt Nam, đã khẳng định niên đại của hang Con Moong cách ngày nay khoảng 60.000 năm - 72.000 năm. Nằm trong vùng đệm của Vườn Quốc gia Cúc Phương, lòng hang dài khoảng 40m, thông hai đầu, trần hang có chỗ cao 10m, hang Con Moong nổi bật hẳn lên với những thế mạnh của một di tích khảo cổ học hang động tiền sử độc đáo và nhiều điều bí ẩn. Toàn bộ hệ thống rừng nguyên sinh quanh khu vực hang hầu như còn giữ được nguyên vẹn, với nhiều loài cây gỗ quý, có đường kính lớn. Đặc biệt, tại đây còn khá nhiều động vật hoang dã, như: khỉ, gấu, hoẵng, nai rừng... Giá trị nổi bật nhất của hang Con Moong là lần đầu tiên phát hiện ra địa tầng văn hóa có dấu vết của quá trình phát triển liên tục của con người thời tiền sử từ đá cũ đến đá mới, từ săn bắt hái lượm đến trồng trọt. Những di tích liên quan như động Người Xưa, hang Đắng, mái đá Mộc Long, hang Lai... quanh khu vực cùng với hang Con Moong tạo thành quần thể di tích cho thấy một cộng đồng dân cư cư trú trong một thung lũng rộng lớn, có sự thay đổi về dân số, vị trí cư trú và phương thức sản xuất...
Di tích Chiến khu Du kích Ngọc Trạo được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia tại Quyết định số 912/QĐ-BT ngày 27-9-1994 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Đây là nơi thành lập Đội Du kích Ngọc Trạo vào ngày 19-9-1941 - tiền thân của lực lượng vũ trang tỉnh Thanh Hóa... Đối với Di tích thắng cảnh Phố Cát, xã Thành Vân, với hệ thống di tích, gồm: đền Phố Cát, đền Bùi, hệ thống hang động, hồ, thác Voi, núi non và rừng cảnh quan bao quanh và đã được Chủ tịch UBND tỉnh cấp đổi bằng xếp hạng di tích tại Quyết định số 410/QĐ-UBND ngày 31-1-2013. Đây là di tích có quy mô, phạm vi rộng, kết hợp nhiều giá trị, như: Danh lam thắng cảnh và lịch sử văn hóa, tâm linh. Đây là nơi thờ Mẫu lâu đời, nổi tiếng trong tỉnh, là một trong những trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh tiêu biểu của người dân xứ Thanh và cả nước. Đền Bùi, là nơi thờ Chúa Thượng Ngàn và Thủy tinh công chúa. Từ xa xưa ở nơi đây là đồi, núi trồng nhiều cây trám (trám đen) quả có màu đen, vị bùi, vì vậy người dân nơi đây thường quen gọi là đền Bùi. Di tích lịch sử văn hóa đền Tam Thánh, xã Thạch Bình, được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 169/VHQĐ ngày 29-5-1995 của Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Thanh Hóa (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Di tích đình Mường Đòn (gồm hệ thống đình, đền đình Mường Đòn, đền Ông, đền Bà xã Thành Mỹ), được công nhận là di tích cấp tỉnh năm 1998 và UBND tỉnh cấp đổi bằng năm 2015... Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng trên địa bàn huyện Thạch Thành đã được các cấp, các ngành quan tâm. Đồng thời, UBND huyện đã phối hợp với các ban, ngành của tỉnh và Trung ương huy động kinh phí trùng tu, tôn tạo, phát huy hiệu quả các di tích trong việc giáo dục truyền thống cho Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian tới, UBND huyện Thạch Thành tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành huy động có hiệu quả và sử dụng hợp lý các nguồn vốn cho hoạt động văn hóa nói chung và bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng nói riêng. Trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư ngân sách để tu bổ, chống xuống cấp các di tích đã được xếp hạng, có giá trị cao về kiến trúc, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn huyện. Xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch huyện Thạch Thành giai đoạn 2021-2030 để làm cơ sở đầu tư khai thác các tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch. Tăng cường thu hút đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển du lịch, như: đường giao thông, bãi đỗ xe, điểm dừng nghỉ du lịch, nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, trung tâm vui chơi giải trí tại địa bàn du lịch trọng điểm... Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch; xây dựng các tour, tuyến để hình thành tour du lịch văn hóa tâm linh kết nối với điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch đồng bộ cả về số lượng lẫn chất lượng; xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh, thu hút các nhà đầu tư và du khách. Phấn đấu đến năm 2025 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch tỉnh Thanh Hóa.