Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thanh Hóa: Khai thác tài nguyên “văn hóa biển” phục vụ du lịch

28/04/2021 | 14:56

Dải bờ biển dài 102km không chỉ mang lại cho Thanh Hóa nhiều bãi biển đẹp, mà còn hình thành nên một không gian “văn hóa biển”, được phản chiếu sinh động qua các lễ hội, tín ngưỡng, phong tục tập quán, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề truyền thống... phong phú, đa dạng và đậm đà bản sắc.

Thanh Hóa: Khai thác tài nguyên “văn hóa biển” phục vụ du lịch - Ảnh 1.

Đền Lạch Bạng (phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn)

Nói đến tín ngưỡng đặc trưng của cư dân ngư nghiệp, không thể không nói đến lễ tế Cá Ông. Đối với cư dân ven biển Thanh Hóa, lễ nghi này đã hình thành từ xa xưa, được gìn giữ và phát triển cho đến tận ngày nay, gắn liền với một vệt lễ hội Cầu Ngư kéo từ các xã Nga Bạch (Nga Sơn), Ngư Lộc (Hậu Lộc), Hoằng Trường (Hoằng Hóa), Quảng Cư và Quảng Tiến (Sầm Sơn), Quảng Nham (Quảng Xương) vào đến Hải Thanh, Hải Bình (thị xã Nghi Sơn). Trong đó, lễ hội Cầu Ngư Diêm Phố (xã Ngư Lộc, Hậu Lộc) là tiêu biểu hơn cả. Lễ hội diễn ra nhiều nghi thức quan trọng, linh thiêng như cúng tế và hóa Long Châu (thuyền rồng); đồng thời, đây cũng là sân khấu thu nhỏ, nơi trình diễn nhiều trò chơi, trò diễn dân gian như hò đối, kéo co, đua thuyền... và tái hiện nếp sinh hoạt truyền thống đặc trưng của cư dân ven biển Ngư Lộc như tróc quại, câu mực, đan lưới. Với sức sống lâu bền và tính thiêng của nó mà lễ hội này đã được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đền Độc Cước (TP Sầm Sơn) nằm trên đỉnh Cổ Giải thuộc dãy núi Trường Lệ là nơi thờ thần Độc Cước, người có công đánh lui qủy biển và bảo vệ xóm làng. Đền thờ gắn liền với nhiều lễ nghi quan trọng, trong đó có lễ hội bánh chưng – bánh dày được tổ chức vào ngày 12-5 âm lịch hằng năm, nhằm tưởng nhớ công ơn thần Độc Cước. Như tên gọi của nó, vật phẩm chính được dâng lên cúng tế thần là bánh chưng và bánh dày. Hai loại bánh này vốn tượng trưng cho đất và trời, hay cũng là biểu tượng về sự hài hòa, sinh khí, về tinh thần lao động cần cù của con người. Xưa kia, gạo được chọn làm bánh thường rất cầu kỳ, công phu. Đó là loại gạo nếp cái hoa vàng hạt tròn, căng mẩy, không vỡ mới làm ra những chiếc ngon, dẻo, thơm. Những người khéo tay nhất trong làng được chọn ra để gói bánh. Sản phẩm cuối cùng là những chiếc bánh chưng đều 4 góc, vuông vắn, khi nấu bánh chín đều. Còn việc làm bánh dày đòi hỏi nhiều kỳ công và cần sự tham gia của một tập thể nhỏ. Cuối cùng, những cặp bánh chưng, bánh dày đẹp nhất sẽ được chọn đưa lên kiệu và được các cụ cao niên đại diện cho các làng chấm giải. Kiệu bánh đạt giải cao nhất sẽ được rước vào đền dâng cúng thần Độc Cước. Sau lễ tế, bánh của làng nào sẽ rước về làng nấy. Người dân ở đây quan niệm, làng có chiếc bánh được chọn tế thần sẽ có được may mắn cả năm.

Xuôi về Nghi Sơn ngắm vùng non nước Lạch Bạng và đắm mình trong không gian văn hóa đậm đà “tính biển”. Với đặc điểm địa lý của dải đất mà từ nhiều đời nay, cư dân vùng biển Hải Thanh đã gây dựng và trao truyền qua nhiều thế hệ những tập quán sinh hoạt, sản xuất, lễ hội, tín ngưỡng, nghề truyền thống... hết sức đặc sắc. Đây được xem là mảnh đất đa nghề, khi từ sớm đã có các nghề đóng bè mảng, đóng thuyền đi biển, nghề đánh bắt thủy, hải sản (nghề câu mực, nghề kéo rùng, nghề gõ gai...). Đặc biệt, Hải Thanh còn là vùng đất của nhiều lễ hội dân gian, lễ hội văn hóa - lịch sử hết sức đặc sắc, mà tiêu biểu hơn cả là lễ hội Quang Trung, lễ hội làng Do Xuyên và hội bơi chải truyền thống. Đồng thời, nơi đây còn một hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa - tín ngưỡng với đền, chùa, miếu mạo, nhà thờ. Trong đó, tiêu biểu là đền thờ tứ vị hay đền Lạch Bạng, nơi thờ Quang Trung hoàng đế, Tô Hiến Thành, Lý Thái Úy và Hoàng Minh Tự và Tứ vị Thánh Nương.

Có thể nói, “văn hóa biển” là vệt văn hóa hết sức phong phú và giàu bản sắc, trong bức tranh văn hóa xứ Thanh đa dạng và giàu giá trị. Bắt đầu từ Bỉm Sơn, Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Sầm Sơn chạy vào tận Nghi Sơn, “văn hóa biển” nổi bật với lễ hội cầu ngư tôn vinh các vị thủy thần, hải thần như Độc Cước, Đức Ông, Cá Ông... Rồi sau Tết Nguyên đán là thời điểm người dân các làng Cự Nham, Do Xuyên mở hội tưởng nhớ công ơn người anh hùng áo vải Quang Trung trong cuộc tiến công thần tốc ra Thăng Long đại phá quân Thanh. Cùng với đó là sự hình thành và phát triển của nhiều nghề, làng nghề truyền thống có lịch sử hàng trăm năm, gắn với nếp nghĩ, nếp sinh hoạt, tín ngưỡng, phong tục tập quán của cư dân bản địa... Chính nguồn tài nguyên nhân văn phong phú này đã, đang tạo dư địa cho sự hình thành, phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, nếu được ngành chức năng và chính quyền các địa phương quan tâm đầu tư và có cách làm phù hợp.

Theo Báo Thanh Hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×