Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thanh Hóa: Khai thác giá trị lễ hội phục vụ phát triển du lịch

05/05/2022 | 08:06

Lễ hội truyền thống đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế, thì văn hóa truyền thống nói chung, lễ hội nói riêng, ngày càng được quan tâm đầu tư để phục hồi và phát huy giá trị, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa - tinh thần của Nhân dân. Trong đó, nhiều lễ hội đặc sắc đã trở thành tài nguyên nhân văn phục vụ phát triển du lịch.

Thanh Hóa: Khai thác giá trị lễ hội phục vụ phát triển du lịch - Ảnh 1.

Lễ hội cầu ngư Diêm Phố. Ảnh: tư liệu

Thanh Hóa là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa. Bên cạnh các di tích, tỉnh ta có hơn 300 lễ hội gắn với các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo được tổ chức hàng năm trên địa bàn 27 huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt, với nền văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số gắn với các tập tục, sinh hoạt văn hóa dân gian, phương thức canh tác nông nghiệp đặc thù... đã sản sinh ra nhiều loại hình văn hóa dân gian phong phú về thể loại, độc đáo về giá trị và đậm đà sắc thái. Điển hình như sắc bùa của người Dao, pồn pông của người Mường, Kin chiêng boọc mạy của người Thái...; hay những làn điệu dân ca tha thiết trữ tình như hò Sông Mã, hát sâm xoan, múa đèn Đông Anh, trò Xuân Phả... Những di sản văn hóa phi vật thể quý giá này không chỉ là niềm tự hào xứ Thanh, mà còn có giá trị khai thác để phát triển du lịch.

Lễ hội truyền thống phản ánh một cách sinh động đời sống tinh thần, tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng, gắn liền với các sự tích, sự kiện, được hình thành trong lịch sử và được vun đắp, phát triển từ thế hệ này qua thế hệ khác. Thực tế ở nhiều địa phương trong cả nước cho thấy, việc khai thác hiệu quả giá trị của di sản văn hóa, trong đó có lễ hội truyền thống, vừa là mục tiêu cũng vừa là giải pháp để phát triển du lịch. Lễ hội Đền Hùng tỉnh Phú Thọ vừa được tổ chức hồi tháng 3 âm lịch vừa qua là một ví dụ điển hình. Trong khi đó, Thanh Hóa có nhiều lễ hội đặc sắc, giàu ý nghĩa về mặt lịch sử, văn hóa và giáo dục truyền thống, cũng như góp phần khôi phục và duy trì nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cổ truyền dân tộc và làm phong phú đời sống tinh thần của người dân địa phương. Đây cũng là cơ sở để tỉnh ta xây dựng loại hình du lịch tín ngưỡng - tâm linh. Xét về bản chất, du lịch tín ngưỡng - tâm linh không chỉ là trải nghiệm và tìm hiểu lịch sử - văn hóa của vùng đất hay dân tộc; mà còn là một cách để du khách tìm lại sự bình an, giúp giảm stress và cân bằng cuộc sống. Nhiều lễ hội gắn với các điểm đến tín ngưỡng - tâm linh của Thanh Hóa hiện đang có sức thu hút lớn với khách du lịch, điển hình như lễ hội Lam Kinh, Bà Triệu, Lê Hoàn, Mai An Tiêm, Quang Trung, Cầu Ngư, Sòng Sơn, Mường Xia, Mường Khô, Mường Ca Da, Phố Cát, Cửa Đạt, Phủ Na, Độc Cước, Am Tiên núi Nưa, Hàn Sơn, Lạch Bạng...

Thời gian qua, công tác quản lý, tổ chức lễ hội ở tỉnh ta đã có sự chuyển biến tích cực, góp phần giáo dục truyền thống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của Nhân dân. Nhiều lễ hội lớn được tổ chức trang trọng, an toàn, hiệu quả, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị - xã hội của cả tỉnh và từng địa phương. Mặc dù vậy, thực tiễn tổ chức các lễ hội cũng cho thấy, thời gian tổ chức lễ hội khá ngắn, lại thường trùng với thời gian tổ chức các lễ hội của nhiều địa phương trong tỉnh và trong nước. Cùng với đó, mặc dù có số lượng lễ hội lớn, song phần đa thường giới hạn trong không gian làng xã, việc tổ chức lại đơn lẻ, tản mát nên việc khai thác để đưa vào các tour du lịch của các doanh nghiệp lữ hành cũng gặp không ít khó khăn. Ngoài ra, các điểm đến gắn với các loại hình du lịch tín ngưỡng - tâm linh chủ yếu thu hút khách trong tỉnh; cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch chưa được đầu tư đồng bộ nên chưa thu hút và giữ chân du khách. Chính vì lẽ đó, nhiều ý kiến cho rằng, trong định hướng phát triển sản phẩm du lịch những năm tới, Thanh Hóa cần định vị du lịch tín ngưỡng - tâm linh là dòng sản phẩm quan trọng. Từ đó có sự đầu tư tương xứng để từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, quản lý cảnh quan và an ninh, đặc biệt là giữ gìn không gian thiêng của di tích và lễ hội... nhằm xây dựng lễ hội thành sản phẩm du lịch có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh và thu hút du khách.

Đặc biệt, nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, Thanh Hóa cần lựa chọn một vài lễ hội tiêu biểu, đặc sắc, giàu giá trị để đầu tư một cách bài bản cả về nội dung, quy mô, thời gian tổ chức và kết nối với các điểm đến khác trong tỉnh để hình thành các tour du lịch hoàn chỉnh cung cấp cho du khách. Các lễ hội này cần được lựa chọn căn cứ vào tầm quan trọng, tính chất của lễ hội, giá trị của di tích; đồng thời, căn cứ vào thời gian diễn ra lễ hội, vào khả năng kết nối với các điểm đến trên địa bàn tỉnh để hình thành các tour du lịch. Và điều quan trọng là phải làm tốt công tác quảng bá lễ hội đến với du khách; đồng thời, nắm bắt xu hướng du lịch và nhu cầu của du khách để xúc tiến các thị trường khách phù hợp với sản phẩm; kết nối với các doanh nghiệp lữ hành tổ chức tour đưa khách về lễ hội; tổ chức đa dạng các dịch vụ phục vụ khách khi về lễ hội.

Mong rằng, với việc quản lý, khai thác và phát huy hiệu quả giá trị các lễ hội truyền thống, Thanh Hóa sẽ có thêm sản phẩm du lịch văn hóa tín ngưỡng - tâm linh đặc sắc, hấp dẫn và tương xứng với tiềm năng.

Theo Báo Thanh Hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×