Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thanh Hóa: Hoàn thiện hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất tạo nền tảng cho du lịch phát triển

23/05/2023 | 08:48

Để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn phục vụ du lịch, thì việc đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất là một trong những điều kiện tiên quyết. Thậm chí, đây còn được xem là yếu tố có tính “mở đường” cho du lịch phát triển.

Thanh Hóa: Hoàn thiện hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất tạo nền tảng cho du lịch phát triển - Ảnh 1.

Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến (Hoằng Hóa).

Từ các trọng điểm du lịch...

Trong Chiến lược phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, huyện Bá Thước nằm trong tuyến, điểm du lịch quan trọng của tỉnh. Sự định hướng này là cơ sở quan trọng để huyện Bá Thước đầu tư và kêu gọi các nguồn lực hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông kết nối các điểm đến nội huyện và giữa Bá Thước với các điểm đến trong tỉnh. Trong đó, Quốc lộ 217 dài 43 km và Quốc lộ 15A dài 18 km là 2 trục giao thông chính nối liền Bá Thước với các huyện miền núi phía Tây và các huyện đồng bằng. Bên cạnh đó, các tuyến đường 15C (dài 30 km) nối Khu bảo tồn thiên Pù Luông (xã Thành Sơn) với xã Phú Lệ (huyện Quan Hóa) và huyện Mai Châu (Hòa Bình) đã được hoàn thành và đi vào sử dụng. Đường vành đai phía Bắc sông Mã đã thông suốt, từ trung tâm huyện chạy tới các xã Ban Công, Tân Lập, Hạ Trung (Di tích Khảo cổ Mái Đá Điều), Lương Nội, Cẩm Quý và Suối cá thần Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy)...

Cùng với hạ tầng giao thông, hệ thống cấp điện cũng được đầu tư cơ bản. Hiện nguồn điện cấp cho huyện Bá Thước gồm đường dây trung thế 35kV dài 175,1 km và 113 trạm biến áp phụ tải. Đặc biệt, trên địa bàn huyện còn có 2 nhà máy thủy điện là Bá Thước 1 (công suất 80MW) và Bá Thước 2 (công suất 60MW)... Ngoài ra, toàn huyện hiện có 94 cơ sở lưu trú, trong đó tập trung chủ yếu tại Khu du lịch Pù Luông (các xã Thành Lâm, Thành Sơn, Cổ Lũng), với 75 cơ sở, công suất đón trên 1.500 lượt khách/ngày, đêm... Đây là những cơ sở quan trọng giúp huyện Bá Thước khai thác ngày càng hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch phong phú, trên cơ sở quy hoạch và xây dựng một số điểm du lịch sinh thái cộng đồng. Điển hình như Son - Bá - Mười xã Lũng Cao, Thác Hiêu xã Cổ Lũng, Kho Mường xã Thành Sơn, Bản Đôn xã Thành Lâm, Thác Muốn xã Điền Quang, Hang cá xã Văn Nho...

Với thành phố du lịch trọng điểm Sầm Sơn, một trong những điểm nhấn làm nên diện mạo đô thị văn minh là hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Trong giai đoạn 2016-2021, thành phố đã hoàn thành và đưa vào khai thác nhiều tuyến giao thông như: Quốc lộ 47; Ðại lộ Nam Sông Mã giai đoạn l; đường bộ ven biển qua địa phận tỉnh Thanh Hóa (Tiểu dự án 4: Đoạn từ Ðại lộ Nam Sông Mã, Sầm Sơn đến Cầu Ghép, Quảng Xương)... Đồng thời, nhiều dự án đầu tư hạ tầng đô thị cũng đã và đang được triển khai như: Dự án FLC Sầm Sơn golf links và Khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn; dự án Quảng trường biển và Trục cảnh quan lễ hội thuộc quy hoạch Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp và du lịch biển Sầm Sơn, do Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group) làm chủ đầu tư... Ngoài ra, quy mô và chất lượng các cơ sở lưu trú du lịch cũng không ngừng phát triển. Đến nay, Sầm Sơn có trên 710 cơ sở lưu trú du lịch, với trên 25.000 phòng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch (trong đó có 105 cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 1 đến 5 sao, với 6.955 phòng); khoảng 50 nhà hàng phục vụ ăn uống có sức chứa từ 300 người trở lên và trên 250 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, thương mại khác. Đặc biệt, hướng đến xây dựng và phát triển Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia, thành phố đang tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội gắn với phát triển thành phố thông minh, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế và xã hội số. Trong đó, tập trung phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị theo hướng hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn đô thị loại I vào năm 2030. Qua đó, tạo nền tảng vững chắc cho du lịch Sầm Sơn phát triển nhanh và tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội trên địa bàn.

...đến bức tranh toàn cảnh

Thanh Hóa nằm ở cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông - Tây và là trục giao lưu nối liền Bắc bộ - Trung bộ - Nam bộ, với hệ thống giao thông đa dạng, đồng bộ gồm cả đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường thủy. Trong đó, có nhiều tuyến giao thông trọng điểm như dự án thành phần cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, có tổng vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng (đoạn đi qua địa phận tỉnh Thanh Hóa có chiều dài 49,02 km); đường bộ ven biển qua địa phận tỉnh Thanh Hóa (tiểu dự án 4 đoạn từ Đại lộ Nam Sông Mã TP Sầm Sơn đến Cầu Ghép huyện Quảng Xương); đường nối từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn; đường đến các khu du lịch Sầm Sơn, Hải Tiến, Bến En, Lam Kinh; nâng cấp, cải tạo đường từ Quốc lộ 1A đi qua Khu du lịch Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa; cải tạo, nâng cấp tuyến Quốc lộ 217 đi xã Vĩnh Minh và danh thắng núi Kim Sơn, xã Vĩnh An (Vĩnh Lộc)...

Thanh Hóa: Hoàn thiện hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất tạo nền tảng cho du lịch phát triển - Ảnh 2.

Các khu nghỉ dưỡng sinh thái tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Bá Thước) được xây dựng phù hợp với điều kiện tự nhiên và văn hóa truyền thống địa phương.

Với tiềm năng và những ưu thế vượt trội cả về tài nguyên tự nhiên và nhân văn, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng và triển khai nhiều cơ chế, chính sách phát triển du lịch như quy hoạch các không gian phát triển du lịch và các khu, điểm du lịch; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch biển; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nhân lực du lịch; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch... Đặc biệt, chú trọng đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch. Trong đó có các trục giao thông chính, kết nối các khu du lịch trọng điểm với tuyến đường huyết mạch quốc gia, quốc tế; đồng thời, quan tâm phát triển các tuyến đường hàng không, đường biển, nhằm tạo điều kiện cho Thanh Hóa mở rộng hợp tác, giao lưu và kết nối phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng với cả nước và quốc tế. Ngoài ra, hệ thống hạ tầng viễn thông, điện, xử lý nước thải, rác thải, hệ thống biển chỉ dẫn, nhà vệ sinh công cộng, trung tâm đón tiếp khách, bãi đỗ xe... đã và đang được đầu tư ngày càng hoàn thiện và hiện đại, góp phần thu hút du khách và nâng cao năng lực đón, phục vụ du khách của các khu, điểm du lịch trên địa bàn.

Đặc biệt, nhiều năm trở lại đây tỉnh Thanh Hóa đã tập trung cải thiện và tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch và hiệu quả; đồng thời, linh hoạt trong xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phù hợp với tiềm năng, lợi thế và yêu cầu phát triển. Riêng trong lĩnh vực du lịch, tính đến thời điểm hiện tại Thanh Hóa đã thu hút được 81 dự án kinh doanh du lịch, với tổng vốn đăng ký khoảng 146.000 tỷ đồng. Trong đó có sự hiện diện của nhiều tên tuổi lớn như Sungroup, Vingroup, Viettravel, ORG, Flamingo... với nhiều sản phẩm có đẳng cấp và chất lượng cao đang góp phần nâng cao vị thế của du lịch Thanh Hóa trên bản đồ du lịch Việt Nam. Điển hình là hàng chục dự án nghỉ dưỡng cao cấp, với hệ thống khách sạn, biệt thự, resort đa dạng trải dọc bờ biển gắn với nhiều dịch vụ giải trí, thể thao, chơi golf và các loại hình dịch vụ bổ trợ khác.

Có thể khẳng định, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã và đang “mở đường” cho du lịch Thanh Hóa phát triển. Song, việc đầu tư hiện vẫn chưa tương xứng, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển ngành du lịch trong bối cảnh hiện nay, do cần nguồn lực rất lớn. Do đó, bên cạnh vốn ngân sách thì việc kêu gọi được nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch, sẽ là cơ sở để hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất du lịch.

Theo Báo Thanh Hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×