Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thanh Hóa: Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục di sản

07/11/2022 | 08:27

Tỉnh Thanh Hóa hiện có 1.535 di tích lịch sử - văn hóa đã được kiểm kê, bảo vệ, cùng một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú và giàu giá trị. Bởi vậy, việc quan tâm giáo dục di sản văn hóa cho thế hệ trẻ luôn được các cấp, ngành quan tâm thực hiện.

Thanh Hóa: Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục di sản - Ảnh 1.

Học sinh đến tham quan tại Bảo tàng tỉnh

Trường THCS thị trấn Lam Sơn (Thọ Xuân) là một trong những cơ sở giáo dục chú trọng công tác giáo dục di sản cho học sinh. Thầy giáo Lê Hữu An, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Công tác giáo dục di sản cho học sinh đã được nhà trường thực hiện từ nhiều năm qua thông qua việc lồng ghép vào các môn học như tiếng Việt, Tự nhiên và Xã hội, Đạo đức, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân... với nhiều hình thức giảng dạy phong phú. Cùng với đó, nhà trường đã linh hoạt tổ chức cho học sinh đi tham quan, giáo dục ngoại khóa tại các điểm di tích trên địa bàn huyện như: Khu di tích lịch sử Lam Kinh, đền thờ Lê Hoàn, cụm di tích cách mạng Long Linh Ngoại...; tổ chức các chương trình biểu diễn giao lưu với các nghệ nhân dân gian trò Xuân Phả. Ngoài ra, hàng tháng nhà trường đều phối hợp với Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Lam Kinh đưa học sinh đến quét dọn vệ sinh môi trường, trồng hoa, cây xanh quanh khuôn viên di tích. Thông qua những buổi trải nghiệm thực tế tại các địa điểm văn hóa này đã khơi gợi trong học sinh nhiều cảm nhận, giúp các em biết trân trọng và có những nhận thức sâu sắc hơn về di sản của địa phương.

Khẳng định hiệu quả của việc thực hiện giáo dục di sản trong các nhà trường đã được triển khai nhiều năm qua, cô giáo Trịnh Thị Tiến, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thọ Xuân, cho rằng: Việc lấy di sản văn hóa làm minh chứng cụ thể phục vụ giảng dạy sẽ mang lại những kết quả tích cực. Đó là vừa có giá trị về phương pháp giáo dục, vừa nâng cao nhận thức và trách nhiệm của học sinh đối với các di sản văn hóa của quê hương, nhất là đối với những di sản sống, nhân chứng sống ở xung quanh và gần gũi với các em. Những năm qua, ngoài việc lồng ghép giáo dục di sản vào các môn học, để gia tăng trải nghiệm cho học sinh, các nhà trường trên địa bàn huyện đều tích cực tổ chức cho học sinh đi tham quan di sản. Khi đến di sản học sinh không phải học thuộc lòng ý nghĩa hay giá trị của mỗi di sản, mà các em được rèn luyện óc quan sát, cách miêu tả hay cách phỏng vấn các chủ thể văn hóa về di sản mà các em đang quan tâm. Đồng thời, các em được làm quen với nhiều phương pháp nghiên cứu, thu thập, thảo luận và xử lý thông tin. Và có thể trình bày kết quả của chuyến tham quan bằng nhiều phương thức đa dạng như thuyết trình, làm báo tường, hay sân khấu học đường...

Không chỉ tại các trường học mà hiện nay tại nhiều di tích lịch sử - văn hóa, Bảo tàng tỉnh... đều có những cách làm sáng tạo để thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm nhất là lớp trẻ. Tại Bảo tàng tỉnh, theo chia sẻ của bà Dương Thị Mỹ Dung, Trưởng phòng Trưng bày - Tuyên truyền thì Bảo tàng tỉnh là nơi thu hút đông đối tượng học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập. Đến đây, các em được cán bộ của bảo tàng hướng dẫn tìm hiểu các sự kiện lịch sử, văn hóa thông qua các tài liệu, hiện vật đang trưng bày. Sau khi tham quan, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh có thể làm bài thu hoạch và trình bày trước lớp. Qua đó khuyến khích sự sáng tạo, tích cực chủ động học tập cũng như rèn luyện kỹ năng thuyết trình của học sinh. Cùng với đó, Bảo tàng tỉnh thường xuyên phối hợp với ngành giáo dục (nhất là ở vùng sâu, vùng xa) tổ chức các buổi ngoại khóa, triển lãm lưu động để quảng bá, giới thiệu hệ thống các hiện vật được trưng bày tại bảo tàng cho các em học sinh trên địa bàn đến tham quan, tìm hiểu. Để dễ hình dung, ngoài việc thuyết minh trực tiếp, bảo tàng đã bổ sung hoạt động xem phim tư liệu, hay tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề...

Điển hình là mới đây, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với huyện Bá Thước tổ chức tuyên truyền ngoại khóa, giáo dục lịch sử - văn hóa Thanh Hóa cho các em học sinh tại các trường tiểu học, Trường THCS xã Ái Thượng và Trường Tiểu học & THCS xã Thành Sơn. Tham gia chương trình, các em được nghe thuyết minh viên đến từ Bảo tàng tỉnh giới thiệu tiến trình phát triển của lịch sử Thanh Hóa từ thời tiền sử cho đến ngày nay kết hợp trình chiếu bổ trợ những tài liệu, hiện vật tiêu biểu tại bảo tàng. Tại buổi ngoại khóa các em được tham gia các trò chơi về kiến thức lịch sử; được giới thiệu các chủ đề lớn của lịch sử dân tộc và lịch sử Thanh Hóa, như “Văn hóa Đông Sơn ở Thanh Hóa”, “Khởi nghĩa Lam Sơn”, “Thanh Hóa trong phong trào Cần Vương”... Qua đó, khơi dậy trong các em lòng tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương; đồng thời, giúp các em ngày càng yêu thích và tìm hiểu về tiến trình lịch sử của dân tộc.

Thông qua những hoạt động giáo dục di sản thiết thực, bổ ích đã giúp học sinh hiểu thêm về giá trị lịch sử, văn hóa của di sản. Từ đó khơi dậy trong các em ý thức gìn giữ bảo vệ di sản ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Trong thời gian tới, để công tác này tiếp tục phát huy hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng cần hơn nữa sự chung tay từ nhiều phía như ngành văn hóa, giáo dục, các ban quản lý di tích... và cần tích cực đổi mới nội dung, hình thức, cách thức tiếp cận. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ thuyết minh, các giáo viên phụ trách bộ môn liên quan cần được bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên để trang bị, mở rộng vốn kiến thức về di sản nhằm khơi gợi, hướng dẫn, điều phối các hoạt động học tập di sản cho học sinh, giúp các em chủ động học tập, nghiên cứu và tiếp cận di sản hiệu quả nhất.

Theo Báo Thanh Hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×