Thanh Hóa: Công nghệ số - “làn gió mới” trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể
02/03/2022 | 09:29Bắt nhịp xu thế của cuộc cách mạng 4.0, hiện nay ngày càng nhiều điểm tham quan, di tích, bảo tàng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể. Việc ứng dụng công nghệ số đã mang đến “làn gió mới”, góp phần nâng cao hiệu quả quảng bá, phát huy giá trị các di sản trong đời sống hiện đại.
Lịch sử, văn hóa các thời kỳ nối tiếp nhau đã tạo nên một kho tàng di sản văn hóa vật thể trên địa bàn tỉnh hết sức phong phú, đa dạng, đặc sắc và giàu giá trị. Những giá trị văn hóa đó đã kết tinh, trở thành di sản văn hóa vô giá là niềm tự hào của vùng đất xứ Thanh, song cũng đặt ra trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn cho muôn đời sau. Bởi vậy, để nâng cao chất lượng công tác quản lý và quảng bá, nhiều địa phương và các điểm đến du lịch, di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh đã và đang thực hiện công tác bảo tồn di sản dựa trên nền tảng công nghệ số. Trong đó, phải kể đến Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, bởi việc ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản đã được thực hiện từ nhiều năm nay và mang lại kết quả khá rõ nét. Ông Trịnh Đình Dương, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Hiện bảo tàng đang quản lý 33.896 hiện vật, hình ảnh, tài liệu có giá trị lịch sử, văn hóa của tỉnh và quốc gia. Từ năm 2017 đến nay, Bảo tàng tỉnh đã cập nhật được hơn 10.000 hiện vật vào phần mềm quản lý thông tin do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cung cấp. Đồng thời, để đa dạng hóa cách tiếp cận cho du khách trên các nền tảng công nghệ, Bảo tàng tỉnh đã chú trọng đến việc xây dựng hồ sơ lý lịch của hiện vật về giá trị thẩm mỹ, giá trị lịch sử văn hóa, tính đại diện đưa vào chương trình số hóa 3D để trình chiếu trên hiện vật; xây dựng thiết kế video để mã hóa phục vụ cho việc trưng bày, tham quan. Tính riêng trong năm 2021, Bảo tàng tỉnh đã tăng cường đăng tải hình ảnh, sản xuất các video clip ngắn với tái hiện các câu chuyện về văn hóa của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh, các di tích lịch sử, giới thiệu hiện vật trưng bày tại bảo tàng, có thuyết minh sinh động, gần gũi trên các trang fanpage, website của bảo tàng, các nền tảng mạng xã hội, thu hút trên 300 nghìn lượt truy cập. Năm 2022, Bảo tàng tỉnh đang tiến hành số hóa 3 bảo vật quốc gia gồm: Kiếm ngắn Núi Nưa, Trống đồng Cẩm Giang 1, Vạc đồng Cẩm Thủy. Sau đó sẽ tiến hành số hóa các bộ sưu tập, như: Văn hóa Đông Sơn; Hiện vật thời kỳ đồ đá; Hiện vật thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ... tiến tới số hóa toàn bộ hiện vật tại bảo tàng. Phải khẳng định rằng, việc ứng dụng công nghệ số tại Bảo tàng tỉnh thời gian qua không chỉ giúp tái hiện và bảo vệ lịch sử một cách chân thực, đa diện, bền vững mà các hình thức tiếp cận bằng thiết bị công nghệ còn làm tăng sức hấp dẫn, có khả năng tiếp cận tới du khách mà không bị giới hạn bởi không gian và thời gian, qua đó đổi mới cách thức trưng bày và dịch vụ phục vụ du khách tham quan. Về lâu dài, công nghệ sẽ giúp bảo tàng tiết kiệm được rất nhiều chi phí, nhân lực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị hiện vật lịch sử...
Thanh Hóa có hệ thống di sản, danh lam thắng cảnh trải dài với những giá trị trường tồn về kiến trúc, cảnh quan, lịch sử, văn hóa... Trong đó, có 1.535 di tích đã được sưu tầm, kiểm kê, bảo vệ. Do đó, việc ứng dụng công nghệ số tại những điểm đến này đang được xem là hướng đi phù hợp, tất yếu để thu hút khách du lịch, quảng bá di sản đến gần hơn với công chúng đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp như hiện nay. Tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ, ngay sau khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới (2011), công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đã từng bước đẩy mạnh và ngày càng đạt nhiều kết quả cao. Đặc biệt, là đưa ứng dụng công nghệ số trong xúc tiến, quảng bá di sản. Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng Phòng Truyền thông và Khai thác dịch vụ du lịch - Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ, cho biết: Nhằm mục đích cung cấp và cập nhật thường xuyên các thông tin liên quan đến di sản cho Nhân dân, du khách và bạn bè quốc tế, từ tháng 10-2012, Thành Nhà Hồ đã xây dựng trang website http//www.thanhnhaho.vn. Việc tích hợp nhiều ngôn ngữ, bao gồm tiếng Việt, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nhật Bản, đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong quá trình khai thác, sử dụng thông tin về di sản; cũng như góp phần tuyên truyền, quảng bá về di sản một cách hiệu quả. Năm 2018, Thành Nhà Hồ cũng đã triển khai xây dựng ứng dụng tham quan di sản tự động 3D trên website http//www.thanhnhaho.vn... Thông qua ứng dụng này, du khách có thể khám phá du lịch, các địa điểm dịch vụ, đặt tour... Điều thú vị là du khách có thể khám phá các địa điểm bằng công nghệ ảnh 360 độ, người xem có thể tương tác rất sống động như chọn vị trí, phóng to, thu nhỏ, xoay góc, xoay 360 độ... Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp như hiện nay, việc ứng dụng công nghệ số sẽ giúp du khách có thể tham quan, trải nghiệm dễ dàng theo nhiều hình thức, trong đó việc hạn chế tiếp xúc là ưu điểm nổi bật của hình thức du lịch “không chạm”. Đấy cũng là cách để du lịch và di sản đồng hành, cùng nhau phát triển trong tình hình mới.
Có thể thấy rằng, ứng dụng công nghệ số là một phần không thể thiếu trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, vừa góp phần lưu giữ hình ảnh, tư liệu, vừa mang di sản đến gần hơn với công chúng. Vì lẽ đó, không chỉ có Thành Nhà Hồ mà các điểm di tích, du lịch trên địa bàn tỉnh như Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông... cũng đã đưa hệ thống tham quan du lịch 3D và thuyết minh tự động vào vận hành. Theo các nhà chuyên môn, việc áp dụng công nghệ mới rất thích hợp với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Bởi công nghệ cho phép tích hợp âm thanh, hình ảnh, đặc biệt là âm thanh nổi và hình ảnh 3 chiều rất sống động, thu hút. Đồng thời, thông qua công nghệ số các di sản có thể được quảng bá rất nhanh chóng, không bị giới hạn về thời gian, địa điểm, ngôn ngữ... Từ đó, góp phần quảng bá về đất và con người xứ Thanh; đồng thời tạo ra các dịch vụ có giá trị gia tăng để bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững chính di sản đó.
Xác định tầm quan trọng của việc số hóa di sản, mới đây Thủ tướng Chính Phủ đã phê duyệt Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; bảo đảm tích hợp được vào khung kiến trúc Chính phủ điện tử và Hệ tri thức Việt số hóa. Đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa, bảo đảm đáp ứng hiệu quả dịch vụ cho xã hội, cộng đồng ở mọi lúc, mọi nơi.