Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thanh Hóa: Bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể giàu giá trị

16/08/2021 | 08:53

Truyền thống văn hóa xứ Thanh là sự hài hòa của kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, giàu giá trị. Đây là môi trường văn hóa nuôi dưỡng đời sống tinh thần của cá nhân và cộng đồng; đồng thời, là cơ sở để tạo ra các giá trị văn hóa mới.

Thanh Hóa: Bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể giàu giá trị - Ảnh 1.

Pồn Pôông – loại hình văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc Mường.

Hò Sông Mã là một trong những loại hình nghệ thuật trình diễn đặc sắc của xứ Thanh. Được ví như bài ca lao động, hò Sông Mã gắn chặt với quá trình lao động vất vả nhưng cũng không thiếu tiếng cười của con người. Cũng vì gắn liền với nhịp độ lao động lúc khẩn trương khi khoan nhặt, nên các điệu hò cũng được chia thành 5 chặng rõ rệt, gồm hò rời bến, hò đò ngược, hò mắc cạn, hò đò xuôi và hò cập bến. Lời ca trong hò Sông Mã được người ta “lẩy” ra từ kho tàng ca dao, dân ca, phản ánh đời sống vật chất và tinh thần của người dân xứ Thanh trên dòng sông Mã. Hoặc cũng có đôi khi lời ca xuất phát từ sự ngẫu hứng theo tâm trạng người hát gắn với bối cảnh lao động. Đó là thứ ngôn ngữ khi dung dị, gần gũi:“Vắng em chỉ một phiên đò/ Trầu ăn chẳng có chuyện đò thì không”; lúc chắc nịch, khỏe khoắn, tươi vui: “Nhất phách chèo mở mái ra/ Phách nhì chân dậm phách ba reo hò”... Những thanh âm và giai điệu tràn trề khoát hoạt của cư dân vùng sông Mã vang vọng trên khắp các khúc sông, từ thác ghềnh núi cao đến miên man đồng bằng, để ngợi ca lao động, ngợi ca cuộc sống và thể hiện khát khao ấm no và hạnh phúc.

Mặc dù được đánh giá là đặc sắc, thế nhưng, cùng với sự vắng bóng của những chuyến đò xuôi ngược sông Mã, hò Sông Mã cũng dần trở thành di sản nằm trên giấy. Thậm chí, tài liệu gốc về di sản cũng không có nhiều, khi mà những “nghệ nhân dân gian” – nhưng trai đò ngày xưa cũng chẳng còn lại mấy người. Để “cứu” di sản này khỏi nguy cơ mai một, gần đây, UBND TP Thanh Hóa, UBND huyện Hà Trung và một số địa phương đã được UBND tỉnh giao nhiệm vụ phối hợp triển khai ý tưởng khôi phục lại loại hình văn hóa dân gian hò Sông Mã, nhằm đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch, gắn với tour “Ngược xuôi Sông Mã” nối Sầm Sơn - Hàm Rồng - đền Cô Bơ; tuyến du lịch Sông Mã và một số khu, điểm du lịch. Theo đó, sẽ đầu tư khôi phục, truyền dạy và duy trì hò Sông Mã; thành lập các câu lạc bộ hò Sông Mã biểu diễn tại các khu, điểm du lịch và tại các sự kiện, lễ hội lớn của tỉnh. Đồng thời, tư liệu hóa di sản văn hóa hò Sông Mã; xây dựng chính sách hỗ trợ các cá nhân duy trì di sản và truyền nghề; hỗ trợ trang thiết bị, trang phục, đạo cụ phục vụ duy trì và phát triển loại hình di sản văn hóa tại địa phương...

Thanh Hóa là nơi sinh sống của 7 dân tộc, trải từ miền núi, đến đồng bằng và xuống ven biển. Đây cũng chính là cơ sở cho sự hình thành kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, phong phú và giàu giá trị. Trong đó, chỉ tính riêng lễ hội, toàn tỉnh đã có trên 400 lễ hội truyền thống. Điển hình phải kể đến những lễ hội có quy mô lớn như Lam Kinh, Lê Hoàn, Mai An Tiêm, Bà Triệu, đền Đồng Cổ... Bên cạnh đó, các lễ hội diễn ra vào xuân thu nhị kỳ ở khắp các vùng miền, cũng là sinh hoạt văn hóa thu hút đông đảo Nhân dân và du khách thập phương. Tuy nhiên, tình trạng mai một, thất truyền nhiều loại hình văn hóa phi vật thể đã và đang diễn ra; sự lan truyền và xâm nhập của nhiều loại hình văn hóa không chính thống vào đời sống văn hóa các dân tộc theo cách vừa ngấm ngầm, vừa công khai, có nguy cơ lấn át văn hóa truyền thống. Trong khi, việc đầu tư nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng bảo lưu các loại hình văn hóa truyền thống tiêu biểu của các vùng miền, dân tộc còn hạn chế...

Đứng trước yêu cầu mới của công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời, để có cái nhìn đầy đủ hơn về thực trạng “sống” của các di sản phi vật thể, cách đây vài năm, ngành văn hóa, thể thao và du lịch và các địa phương đã tiến hành một cuộc kiểm kê. Trong đó, tính riêng một số địa phương được đánh giá là “kho” di sản phong phú như Hà Trung, Thường Xuân, Thạch Thành, Vĩnh Lộc, Sầm Sơn và Quan Sơn, qua kiểm kê có 194 di sản phi vật thể thuộc 7 loại hình là ngôn ngữ, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian. Trong đó, 95 di sản đang tồn tại và phát huy giá trị, 58 di sản có nguy cơ mai một và 41 di sản đã mai một. Thực trạng này đang đặt ra vấn đề rằng, nếu các ngành, các địa phương không có kế hoạch bảo tồn, thì dần dần các yếu tố văn hóa gốc, văn hóa truyền thống sẽ bị thất truyền theo thời gian.

Với việc đặt văn hóa vào vị trí quan trọng của nó trên thang bậc phát triển, vài năm trở lại đây, tỉnh ta đã quan tâm đầu tư cho công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo lưu, giữ gìn các di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội dân gian, phong tục tập quán, tín ngưỡng, trò chơi, trò diễn, nghề truyền thống... Đặc biệt, gắn với việc triển khai Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, ngành văn hóa, thể thao và du lịch cũng đã xây dựng và triển khai thực hiện nhiều đề án, kế hoạch, phong trào, chương trình hành động phát triển sự nghiệp văn hóa. Trong đó phải kể đến các phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; đề án xã hội hóa hoạt động văn hóa; đề án phát triển văn hóa thông tin vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đề án đấu tranh, ngăn chặn và bài trừ mê tín dị đoan; quy hoạch di tích trọng điểm; dự án bảo tồn làng Mường truyền thống...

Cùng với đó, ngành chức năng và các địa phương đã tiến hành sưu tầm, biên soạn, giới thiệu hàng chục ấn phẩm, công trình nghiên cứu về các loại hình văn hóa phi vật thể xứ Thanh. Điển hình như ấn phẩm các làng nghề truyền thống Thanh Hóa; di tích và danh thắng Thanh Hóa; lễ hội truyền thống xứ Thanh... Đặc biệt, đã tiến hành sưu tầm, khôi phục hàng trăm lễ hội truyền thống, trò chơi, trò diễn, dân ca, dân vũ, ca dao, tục ngữ, truyện thơ của các dân tộc Kinh, Mường, Thái, Dao, Mông. Điển hình như dân ca dân vũ Đông Anh, trò Xuân Phả, hò Sông Mã, trò Chiềng, xường, xéc bùa, khặp hoa, khua luống...; các lễ hội Kin chiêng boọc mạy, Pồn Pôông, Khai hạ, Mường Khô, Mường Đòn, Căm Mương, Mường Xia, Ca Da, Nàng Han, Đền thi, lễ cấp sắc của người Dao...; chữ viết dân tộc Thái, trang phục dân tộc Thổ, dân ca Mường, tục ngữ, ca dao Thái... Việc nghiên cứu, phục dựng lại các di sản văn hóa phi vật thể giàu bản sắc dân tộc, đã góp phần tạo môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh, nhất là vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể hiện cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Đó là kinh phí dành cho phát triển sự nghiệp văn hóa, văn nghệ còn thấp so với yêu cầu đặt ra. Cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động văn hóa, đặc biệt là ở cấp xã, phường, thị trấn, làng, thôn, bản còn thiếu, nhiều nơi còn khá nghèo nàn. Việc thu hút, khuyến khích, phát huy các nguồn lực xã hội cho hoạt động văn hóa còn hạn chế. Đội ngũ làm công tác văn hóa còn thiếu và yếu, nhất là lực lượng cán bộ trẻ, người dân tộc thiểu số làm công tác văn hóa vẫn chưa được quan tâm chăm lo, bồi dưỡng đúng mức. Ngoài ra, việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa rất cần sự tham gia của cộng đồng. Bởi, thực tế cho thấy, nhiều loại hình văn hóa phi vật thể giàu giá trị và đặc trưng tộc người (tri thức dân gian, nghệ thuật truyền thống, trang phục, phong tục tập quán...) đang dần biến mất trong đời sống cộng đồng. Do đó, cần đề cao ý thức và tinh thần trách nhiệm của chính cộng đồng đang được thừa hưởng di sản trong việc bảo vệ, gìn giữ và trao truyền di sản ấy cho thế hệ sau.

Theo Báo Thanh Hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×