Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thái Nguyên: Phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới

14/11/2023 | 08:37

Mặt trái của cơ chế thị trường có tác động tiêu cực đến các lĩnh vực xã hội, trong đó có bạo lực trên cơ sở giới, chủ yếu là bạo lực gia đình (BLGĐ). Hậu quả bạo lực làm tổn thương cả về thể chất, tinh thần của người bị bạo lực, nhất là với phụ nữ và trẻ em gái. Từ nhận thức sâu sắc về vấn đề này, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã tích cực vào cuộc, hạn chế tình trạng bạo lực trên cơ sở giới tới mức thấp nhất.

Thái Nguyên: Phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới - Ảnh 1.

Biết chia sẻ là một bí quyết gìn giữ hạnh phúc gia đình của vợ chồng ông bà Diệp Minh Tài - Trương Thị Loan, tổ dân phố Tam Thái, thị trấn Hóa Thượng (Đồng Hỷ).

Theo số liệu tổng hợp của Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Trong 3 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra 130 vụ BLGĐ dưới các hình thức về tinh thần, thân thể, tình dục và kinh tế. Để răn đe, giáo dục, các địa phương đã phê bình, góp ý cho 55 trường hợp; xử phạt hành chính 65 trường hợp; áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc đối với 5 trường hợp; áp dụng biện pháp giáo dục tại chỗ 7 trường hợp; xử phạt hình sự 2 trường hợp. Các cơ quan chức năng cũng đã tư vấn tâm lý, tinh thần, pháp luật cho 90 nạn nhân; 33 nạn nhân được chăm sóc hỗ trợ sau khi bị bạo lực.

Nạn nhân chủ yếu của bạo lực trên cơ sở giới vẫn là trẻ em và phụ nữ. Trong đó có nhiều trường hợp dẫn đến tổn thương nghiêm trọng về tinh thần, sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Theo kết quả điều tra về bạo lực gia đình của Tổng cục Thống kê: Cứ 100 phụ nữ thì có 58 trường hợp từng bị một loại hình bạo lực. Còn với trẻ em phải chứng kiến cảnh bố mẹ có hành vi bạo lực, phần nhiều có tâm lý lo lắng, chán nản và sợ hãi. Đặc biệt, trẻ em gái bị bạo hành sẽ mang tổn thương lớn về tâm lý, sức khỏe, nhiều trường hợp không tha thiết với cuộc sống.

Để hạn chế đến mức thấp nhất bạo lực trên cơ sở giới, trong đó có bạo lực gia đình, hàng năm, Sở Lao động - TB&XH đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo về công tác gia đình, bình đẳng giới, phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới.

Cùng với đó, Sở chủ trì phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (Tháng hành động). Năm nay, Tháng hành động được tổ chức trên phạm vi toàn tỉnh, với chủ đề: “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng, tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”.

Mục tiêu Tháng hành động hướng tới là tạo điểm nhấn trong hoạt động truyền thông về nội dung trên. Từ đó thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động tham gia hành động của từng cá nhân, tổ chức, cộng đồng xã hội trong bảo đảm an sinh xã hội, tăng quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái; đồng thời nâng cao hiểu biết, nhận thức cho mọi người dân về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, hướng đến mục tiêu xóa bỏ các định kiến, quan niệm không phù hợp về vai trò của nam và nữ trong đời sống xã hội, từng bước đẩy lùi, ngăn chặn các hành vi bạo lực gia đình...

Thái Nguyên: Phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới - Ảnh 2.

Tổ truyền thông cộng đồng xã Cúc Đường (Võ Nhai) xây dựng hình thức truyền thông qua các tiểu phẩm về nội dung bảo vệ phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số. Ảnh: T.L

Điển hình như ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban MTTQ, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân... đã chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng mô hình tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong gia đình; xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Theo đó, từ các khu dân cư có hàng nghìn câu lạc bộ theo sở thích được thành lập, duy trì, phát huy hiệu quả. Riêng về gia đình có hơn 1.000 câu lạc bộ được thành lập, với hơn 30.000 thành viên tham gia. Cùng với đó là hơn 1.500 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, hơn 900 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình được duy trì hoạt động.

Hàng năm, các cấp, ngành cũng phối hợp tổ chức hàng trăm cuộc tuyên truyền tại cơ sở về bình đẳng giới; phòng, chống mua bán người; phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em; pháp luật về quyền trẻ em; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.

Tại các huyện, thành phố, phòng văn hóa và thông tin phối hợp với các cơ quan, đoàn thể cùng cấp tham mưu cho UBND, ban chỉ đạo công tác gia đình cấp huyện xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở tổ chức thực hiện công tác gia đình bằng nhiều hoạt động thiết thực, phong phú, phù hợp với thực tế của địa phương. Nổi bật là phong trào Xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa. Hiện nay, 100% các xóm xây dựng được hương ước, quy ước, trong đó có tiêu chí gia đình không có bạo lực.

Bằng nhiều giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, nhất là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi. Qua đó thực hiện có hiệu quả công tác bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới; từng bước tạo dựng nên một xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ, an sinh xã hội bảo đảm, trong đó quyền năng của phụ nữ và trẻ em gái được tăng cường, coi trọng.

Theo Báo Thái Nguyên

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×