Thái Nguyên: Khai thác lợi thế kinh tế tập thể để phát triển du lịch
02/09/2023 | 06:37Thời gian qua, các thành phần kinh tế tập thể của tỉnh, chủ lực là các hợp tác xã (HTX), đã đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn, gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, lịch sử của mỗi địa phương. Qua đó góp phần nâng cao đời sống của nhân dân và tạo dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng trên địa bàn tỉnh.
Mặc dù mới được thành lập từ đầu năm 2023 nhưng đến nay, HTX dịch vụ du lịch ATK Thời Nga, ở xóm Đèo De, xã Phú Đình (Định Hóa) đã tiếp đón trên 10.300 lượt khách, doanh thu đạt gần 1 tỷ đồng.
Theo ông Ma Tiến Thời, Giám đốc HTX: Nhận thấy địa phương là “địa chỉ đỏ”, với nhiều di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng và hàng năm thu hút đông đảo du khách đến tham quan, về nguồn tại ATK, tôi đã tập hợp 10 thành viên thành lập HTX hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Với cơ sở vật chất được đầu tư cơ bản, gồm 1 nhà hàng, nhà sàn và 4 phòng nghỉ homestay, HTX đảm bảo phục vụ ẩm thực cho 1.000 khách hàng và 200 khách lưu trú qua đêm.
Bên cạnh đó, để thu hút du khách, HTX dịch vụ du lịch ATK Thời Nga cũng liên kết với một số đơn vị và hộ dân bản địa để cung ứng các sản phẩm nông sản an toàn, xây dựng thực đơn mang đậm bản sắc dân tộc địa phương… Tính riêng trong 3 tháng qua, HTX đã tiêu thụ gần 2 tấn gạo đặc sản của địa phương (J02, bao thai Định Hóa, nếp cái hoa vàng) cho bà con.
Không chỉ khai thác, phát huy giá trị về văn hóa, lịch sử, các thành phần kinh tế tập thể cũng đã gắn phát triển du lịch với nông nghiệp, nhằm gia tăng giá trị kinh tế cho nông sản địa phương.
Chỉ riêng với cây chè - cây trồng chủ lực của tỉnh, tính đến nay đã có 21 làng nghề, làng nghề truyền thống xây dựng kế hoạch phát triển gắn với dịch vụ du lịch. Toàn tỉnh có trên 100 HTX sản xuất - kinh doanh về chè đã đầu tư cơ sở vật chất, chỉnh trang vườn đồi, tạo không gian thưởng trà, giúp du khách trải nghiệm thực tế việc thu hái, chế biến chè với bà con nông dân. Thông qua các hoạt động du lịch cộng đồng, doanh thu bán lẻ của các HTX này đã tăng từ 15-30%.
Ngoài ra, nhiều HTX nông nghiệp như: HTX chăn nuôi xanh (TP. Sông Công); HTX nông nghiệp công nghệ cao Hòa Bình (Đại Từ); HTX na sạch La Hiên… cũng triển khai mô hình ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch trải nghiệm; trồng các loại cây giống mới như nho hạ đen, dưa lưới, dưa chuột, hoa lan, hoa tam giác mạch… Qua đó thu hút du khách và người dân đến tham quan, trải nghiệm.
Chị Chu Thị Hà, Giám đốc HTX dược liệu và du lịch trải nghiệm Đông Bo, xã Tràng Xá (Võ Nhai), cho hay: Mặc dù cơ sở vật chất của HTX vẫn đang trong quá trình đầu tư và hoàn thiện, nhưng thời gian qua, chúng tôi vẫn nhận được sự quan tâm của nhiều du khách. Chỉ tính riêng 4 ngày mở cửa dịp Tết Nguyên đán, trung bình có 1.000 lượt khách/ngày đến tham quan vườn hoa tam giác mạch của HTX. Với giá vé vào cửa 10 nghìn đồng/người, HTX thu về 20 triệu đồng/ngày.
Theo thống kê sơ bộ của Liên minh HTX tỉnh, hiện trên địa bàn có 5 HTX và 1 liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực du lịch; 31 HTX nông nghiệp và dịch vụ kết hợp với du lịch. Tổng vốn hoạt động của các HTX là hơn 350 tỷ đồng, tạo việc làm cho 980 thành viên và gần 600 người lao động. Các HTX, liên hiệp HTX chủ yếu hoạt động trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các địa phương.
Tuy vậy, hoạt động của các HTX hiện mới chỉ đáp ứng cơ bản dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng cho khách, chưa chuyên sâu về kỹ năng hướng dẫn viên, thuyết trình và xây dựng tour, tuyến du lịch… Theo bà Vũ Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh: Để hướng tới chuyên nghiệp hóa hoạt động của các HTX du lịch nông thôn, tỉnh cần có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp, HTX đầu tư vào lĩnh vực du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng; các thành viên HTX cũng cần được tham gia tập huấn nghiệp vụ về làm dịch vụ du lịch…