Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thái Nguyên: Chuyển đổi số để tạo đột phá cho ngành Thư viện

20/09/2021 | 09:14

Chuyển đổi số (CĐS) đang được xem như “cơ hội vàng” cho nhiều ngành nghề và lĩnh vực, trong đó có thư viện. Việc Chính phủ phê duyệt Chương trình CĐS ngành Thư viện đến năm 2025 được xem là cơ sở tạo đột phá trong lĩnh vực này để phục vụ độc giả. Hiện, hệ thống thư viện trên địa bàn tỉnh đang tích cực CĐS, song để đạt mục tiêu và hiệu quả như kỳ vọng cần sự đầu tư đồng bộ, mạnh mẽ hơn nữa.

Thái Nguyên: Chuyển đổi số để tạo đột phá cho ngành Thư viện - Ảnh 1.

Cán bộ Thư viện tỉnh số hóa tài liệu làm dữ liệu cho phần mềm Thư viện điện tử tích hợp.

Hơn 10 năm làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, thạc sĩ Bế Lê Hợp, giảng viên Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải, phân hiệu Thái Nguyên dành nhiều thời gian đến thư viện tỉnh để tra cứu, thu thập các tài liệu cần thiết cho công việc.

Anh Hợp chia sẻ: Việc làm này dù rất hiệu quả nhưng chiếm khá nhiều thời gian và không thể tiếp cận dịch vụ ngoài giờ hành chính. Nếu hệ thống thư viện tỉnh có kho dữ liệu được số hóa, lưu trữ trực tuyến thì sẽ giúp độc giả tiếp cận thuận tiện hơn tại bất cứ địa điểm, thời gian nào.

Câu chuyện của anh Hợp cũng là câu chuyện chung của rất nhiều độc giả, nhà nghiên cứu có nhu cầu tiếp cận, nghiên cứu các tài liệu của thư viện. Hệ thống thư viện tỉnh hiện gồm thư viện tỉnh và 9 thư viện cấp huyện, 32 thư viện cấp xã, hơn 150 tủ sách, phòng đọc cơ sở.

Riêng thư viện tỉnh hiện có hơn 150 nghìn bản sách các loại và gần 3 nghìn cuốn tài liệu địa chí, trên 70 loại báo, tạp chí phục vụ khoảng 30 nghìn lượt bạn đọc mỗi năm.

Trong 2 năm gần đây (2019-2020), đơn vị đã số hóa tài liệu địa chí Thái Nguyên được 40.000 trang; chủ động sưu tầm, số hóa, dịch thuật, lưu trữ các thư tịch cổ trên địa bàn tỉnh, với tổng số 150 đơn vị tài liệu. Tuy nhiên chưa được khai thác sử dụng, vì chưa có phần mềm Thư viện số.

Hiện nay, CĐS trong lĩnh vực thư viện trên địa bàn tỉnh mới chỉ dừng lại ở việc tra cứu đầu sách và các nội dung mang tính tuyên truyền hoặc các hoạt động nâng cao văn hóa đọc...

Thư viện tỉnh dù đã có trang web và fanpage riêng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, cần được hoàn thiện hơn. Các ứng dụng này hiện chưa đáp ứng được nhu cầu của độc giả là nguồn tài liệu được số hóa và lưu trữ trực tuyến.

Thái Nguyên: Chuyển đổi số để tạo đột phá cho ngành Thư viện - Ảnh 2.

Đoàn công tác của Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Thư viện tỉnh nghiên cứu, khảo sát hoạt động của các thư viện cấp cơ sở để xây dựng phương án CĐS ngành Thư viện Thái Nguyên, tháng 4-2021.

Ông Đỗ Bình Nguyên, Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Chúng tôi kỳ vọng Chương trình CĐS sẽ là bước tiến quan trọng để hình thành mạng lưới thư viện hiện đại, tạo đột phá cho công tác phục vụ bạn đọc trong thời kỳ bùng nổ cuộc cách mạng 4.0. Với mục tiêu ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ số, hệ thống thư viện tỉnh sẽ từng bước nâng cấp, hoàn thiện và phát triển hạ tầng kỹ thuật theo hướng kết nối mạng lưới hiện đại, số hóa tài nguyên thông tin và sớm hình thành thư viện điện tử, thư viện số.

Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, Thư viện tỉnh phấn đấu xây dựng hệ thống thư viện số hoàn thiện, phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và các sản phẩm thông tin thư viện số với quy trình mượn/trả sách tự động, mượn liên thư viện; quản lý ấn phẩm định kỳ, quản lý bạn đọc, mục lục điện tử, trang thông tin điện tử thư viện; số hóa tài liệu và tài nguyên thông tin của thư viện, ưu tiên số hóa tài liệu địa chí, sách cổ, tài liệu quý hiếm, bộ tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học của địa phương hiện đang có tại thư viện tỉnh Thái Nguyên.

100% tài liệu cổ, quý hiếm và bộ tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học sẽ được số hóa và quản lý trên hệ thống thư viện số. Bạn đọc dễ dàng truy cập, tra cứu mọi nơi, mọi lúc trên các thiết bị điện tử có kết nối Internet.

Theo ông Đỗ Bình Nguyên, để thực hiện mục tiêu này, Thư viện tỉnh cần gần 4 tỷ đồng chia thành nhiều năm đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin và các hoạt động số hóa dữ liệu. Đơn vị đã xây dựng kế hoạch với lộ trình cụ thể để đề xuất ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt những nội dung thuộc thẩm quyền hoặc tham mưu UBND tỉnh phê duyệt, hỗ trợ.

Đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt để Thư viện tỉnh mua phần mềm Thư viện điện tử tích hợp. Đây là phần mềm nền tảng phục vụ cho các hoạt động quản lý tài nguyên thư viện, số hóa tài nguyên thông tin và kết nối với độc giả.

Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: CĐS hệ thống thư viện là xu thế tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu tra cứu tài liệu từ xa, đọc sách trên mạng của độc giả. Việc chuyển đổi số còn giúp lưu giữ tài liệu cổ, giá trị, đồng thời tăng hiệu quả công việc của người làm thư viện.

Để đạt những mục tiêu CĐS này, Sở sẽ tham mưu với UBND tỉnh đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và phần mềm quản lý thư viện số hiện đại, đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp huyện, hoàn thiện và bổ sung các tiện ích trực tuyến.

Qua đó, CĐS sẽ là bước ngoặt, cú hích lớn giúp nâng cấp đồng bộ, toàn diện nền tảng công nghệ cho thư viện. Khi đó, hệ thống thư viện trên địa bàn tỉnh sẽ dễ dàng chia sẻ, đổi mới thông tin để thu hút bạn đọc và từng bước bắt kịp xu thế phát triển trong thời đại số.

Theo Báo Thái Nguyên

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×