Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thái Nguyên: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

23/11/2023 | 10:26

Những năm qua, các di tích lịch sử, di sản văn hóa đã thực sự trở thành nguồn tài sản quý, cấu thành môi trường sống của con người, vùng đất danh trà Thái Nguyên. Đây cũng chính là tiềm năng, thế mạnh, là cơ sở, nguồn lực để Thái Nguyên phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch gắn với phát huy di sản văn hóa.

Thái Nguyên: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống - Ảnh 1.

Hoạt động sinh hoạt văn hóa truyền thống ở Thái Nguyên luôn thu hút đông đảo du khách và người dân tham gia

Thái Nguyên là địa phương có bề dày lịch sử và truyền thống, nơi lưu giữ những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đến nay, tỉnh có 550 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê đưa vào danh mục, trong đó có 01 di tích lịch sử văn hóa đặc biệt và 19 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiêu biểu như múa Tắc Xình của dân tộc Sán Chay (huyện Phú Lương), Lễ hội Núi Văn - Núi Võ (huyện Đại Từ), Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương (thành phố Thái Nguyên), hát Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu, Lễ hội Đền Đuổm..., trong đó nhiều di sản phi vật thể được gắn với điểm du lịch cộng đồng để thu hút du khách.

Cùng với hệ thống di tích, 189 lễ hội trải khắp địa bàn tỉnh được tổ chức định kỳ hàng năm. Mỗi địa phương đều có những lễ hội truyền thống riêng và mang tính chất đặc trưng, là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của Nhân dân. Đó là lễ hội truyền thống từ bao đời, những điệu múa dân gian với trang phục dân tộc được phô diễn, những làn điệu dân ca, tiếng hát mộc mạc, đậm đà bản sắc vang lên ca ngợi quê hương, con người chịu thương chịu khó, cầu mong mưa thuận gió hòa để cây cối xanh tốt, vật nuôi mau lớn, cuộc sống ấm no. Đó là Lễ hội Cầu mùa của đồng bào dân tộc Sán Chay ở xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương với nghi lễ nhân văn, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, là cầu nối tâm linh giữa con người với đất trời. Hay như trong cơ chế thị trường sôi động, dù không có kinh phí hoạt động, nhưng đồng bào dân tộc Sán Dìu xóm Tam Thái, thị trấn Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ vẫn duy trì Câu lạc bộ hát Soọng Cô với nhiều thành viên trẻ tuổi. Tại các dịp lễ, tết, hội làng, nhiều ông bà dù tuổi đã cao cùng các bạn trẻ trong trang phục truyền thống say sưa hát Soọng Cô với sự hào hứng đón nhận, thưởng thức của người dân.

Ông Thẩm Dịch Thọ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Soọng Cô xóm Tam Thái tâm sự: “Hát Soọng Cô là nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc Sán Dìu, là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho nên chúng tôi phải gìn giữ, trao truyền cho thế hệ sau, để xã hội có phát triển đến thế nào, đi đến đâu thì chúng tôi vẫn là mình với bản sắc, văn hóa riêng có”.

Với hệ thống di tích phong phú, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, có thể khẳng định, Thái Nguyên là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch gắn với các di tích, di sản văn hóa. Nhằm thống nhất quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, văn hóa các dân tộc thiểu số nói riêng, những năm qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Từ nguồn ngân sách của tỉnh và Trung ương hỗ trợ trong Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, từ năm 2001 đến nay, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã triển khai thực hiện được 8 dự án phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể như: Đám cưới của người Sán Chay; Lễ hội Đền Đuổm (Phú Lương); Lễ hội Đình Phương Độ (Phú Bình); phục dựng Lễ hội Đình Mỏ Gà (Võ Nhai). Việc phục dựng các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc cũng được quan tâm, đầu tư, như: Khôi phục phường rối cạn Ru Nghệ, xã Đồng Thịnh (Định Hóa), rối cạn Thẩm Rộc, xã Bình Yên (Định Hóa); Lượn cọi; hát Ví...

Thái Nguyên: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống - Ảnh 2.

Công tác truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống được nhiều địa phương ở Thái Nguyên thực hiện có hiệu quả

Bên cạnh đó là duy trì và mở rộng các câu lạc bộ hát Then - đàn Tính, câu lạc bộ múa Tắc Xình, câu lạc bộ hát Soọng Cô nhằm bảo tồn văn hóa, phục vụ cộng đồng và phát triển du lịch; hướng dẫn các địa phương tổ chức hoạt động bảo tồn văn hóa phi vật thể thông qua mô hình Làng văn hóa du lịch cộng đồng tại Bản Quyên, xã Điềm Mặc (Định Hóa), Làng nhà sàn du lịch sinh thái Thái Hải (TP. Thái Nguyên), Bản truyền thống dân tộc Tày, xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng (Võ Nhai), nhằm tái hiện không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc Tày gắn với phát triển du lịch.

Tùy vào đặc điểm tình hình và định hướng phát triển kinh tế - xã hội, các địa phương trong tỉnh đã chủ động triển khai các hoạt động nhằm quảng bá, giới thiệu văn hóa truyền thống, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, các địa danh di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, lễ hội của địa phương. Điển hình như huyện Phú Lương đã chỉ đạo tổ chức truyền dạy văn hóa phi vật thể quốc gia múa Tắc Xình cho 100% học sinh, giáo viên các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn; huyện Định Hóa phối hợp, đề xuất với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam hỗ trợ số hóa 18 hồ sơ di tích lịch sử Quốc gia trên địa bàn, tích hợp hệ thống du lịch thông minh của tỉnh. Huyện Võ Nhai đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, giới thiệu văn hóa truyền thống, di sản văn hóa gắn với xúc tiến du lịch trên trang thông tin điện tử của huyện, trên các trang mạng xã hội như: facebook, youtube, zalo; xây dựng hình ảnh 3D giới thiệu giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc...

Cùng với đó, việc áp dụng số hóa hồ sơ di sản văn hóa được các đơn vị, cơ quan triển khai thực hiện đồng bộ, trách nhiệm. Công tác sưu tầm, phục dựng di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số trên địa bàn được các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đồng hành quan tâm triển khai, thực hiện. Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030” được triển khai trên địa bàn đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ...

Đặc biệt, xác định vai trò quan trọng của di sản văn hóa đối với quá trình phát triển, biến các di sản văn hóa trở thành nguồn lực văn hóa quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững, trong đó có phát triển du lịch, thời gian tới, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng thể chế, chính sách và nguồn lực, phát huy giá trị bản sắc văn hóa con người Thái Nguyên với 3 định hướng: Văn hóa trở thành nguồn lực, động lực phát triển; phát huy giá trị truyền thống văn hóa để truyền cảm hứng, khát vọng xây dựng tỉnh Thái Nguyên "bình yên, hạnh phúc, sung túc và thân thiện”; tạo bản sắc văn hóa riêng và vị thế của tỉnh trong hội nhập, hợp tác quốc tế.

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa trên địa bàn nhanh, bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế về di sản văn hóa; phát triển đồng bộ hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, du lịch thông minh, đưa Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm du lịch văn hóa lớn và du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Theo dangcongsan.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×