Thái Lan và mục tiêu trở thành trung tâm điện ảnh khu vực
04/09/2024 | 13:48Pattaya thuộc tỉnh Chon Buri, nằm ở phía đông Vịnh Thái Lan, từ lâu nổi tiếng toàn thế giới là một trong những khu nghỉ mát ven biển hàng đầu của Thái Lan. Cùng những ưu đãi sẵn có từ thiên nhiên, chính quyền Thái Lan đang thúc đẩy hàng loạt chính sách để biến Pattaya trở thành “thành phố điện ảnh”, góp phần đẩy mạnh hơn chiến lược phát triển các "quyền lực mềm" của đất nước.
Tiềm năng lớn để trở thành “thành phố điện ảnh”
Từng là một ngôi làng nhỏ ven biển, Pattaya ngày nay phát triển thành một trong những điểm đến phổ biến nhất trên thế giới cho mọi nhóm du khách. Pattaya cũng là một trong những thành phố MICE (Meeting, Incentive, Conference, Event) được yêu thích nhất của Thái Lan. MICE là loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, khen thưởng của các công ty. Với các tiện ích và cơ sở hạ tầng phát triển, nơi đây cũng trở nên hấp dẫn đối với các nhà làm phim quốc tế.
Phát biểu tại Liên hoan phim Pattaya lần thứ 2, diễn ra từ ngày 21 đến 25/8 vừa qua tại Pattaya, Phó Cục trưởng Cục Quan hệ công chúng (PRD) Thái Lan Arunya Keatkaew cho rằng, Pattaya không chỉ nổi tiếng là thành phố du lịch mà còn có tiềm năng lớn để trở thành “thành phố điện ảnh”, chiếm vị trí trung tâm trong ngành công nghiệp phim ảnh và sáng tạo của Thái Lan.
Theo bà Arunya Keatkaew, Pattaya có nhiều cơ hội để tiếp tục phát triển và đóng góp đáng kể cho nền kinh tế quốc gia, đồng thời hiện thực hóa ước mơ đưa phim Thái Lan ra toàn cầu, nhằm quảng bá ngành công nghiệp sáng tạo của đất nước đến nhiều người hơn trên toàn thế giới.
Nhằm thúc đẩy “quyền lực mềm” của đất nước thông qua phát triển nền kinh tế sáng tạo, hồi đầu năm nay Chính phủ Thái Lan đã công bố tầm nhìn mang tên Ignite Thailand (thắp sáng Thái Lan), tập trung vào 11 lĩnh vực, gồm ẩm thực, thể thao, lễ hội, du lịch, âm nhạc, sách, phim, trò chơi, nghệ thuật, thiết kế và thời trang.
Nhằm hưởng ứng chính sách phát triển của Chính phủ, Pattaya đang nộp đơn xin trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) trong lĩnh vực phim ảnh. Để đạt được mục tiêu này, thành phố đã ký biên bản ghi nhớ với 12 tổ chức để thúc đẩy Pattaya trở thành “thành phố điện ảnh” và quảng bá thành phố này như một trung tâm của ngành công nghiệp phim ảnh.
Theo Kế hoạch phát triển thành phố Pattaya giai đoạn 2022-2027, Pattaya sẽ là trung tâm dịch vụ một cửa cho ngành công nghiệp phim ảnh và sáng tạo. Ngoài ra, một phim trường rộng 640.000 m2 sẽ được xây dựng để phục vụ ngành công nghiệp phim ảnh. Các cơ sở giáo dục địa phương cũng sẽ tham gia cung cấp chương trình giảng dạy và đào tạo để hỗ trợ ngành công nghiệp sáng tạo này.
Là một phần của dự án quảng bá Pattaya như thành phố điện ảnh và là địa điểm quay phim hấp dẫn, Liên hoan phim Pattaya lần đầu được tổ chức năm 2023. Sự kiện này đã mang đến cho khán giả những bộ phim miễn phí với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Trong khuôn khổ sự kiện cũng đã diễn ra các cuộc thi làm phim, hội thảo và hội nghị chuyên đề về điện ảnh.
Tại Liên hoan phim Pattaya lần thứ 2, chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Thái Lan, Giám đốc Cục Lưu trữ phim Thái Lan, bà Chalida Uabumrungjit cho biết, ngoài việc thúc đẩy để được UNESCO công nhận là thành phố điện ảnh, Pattaya cũng lên kế hoạch khuyến khích sự tham gia của cộng đồng và người dân địa phương vào ngành công nghiệp điện ảnh. Việc kích thích đầu tư, tạo việc làm cho cộng đồng địa phương, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước là hướng phát triển bền vững mà Pattaya đang hướng đến.
Sức hút đến từ chính sách
Theo thống kê của Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan, năm 2023 các hoạt động của các nhà làm phim nước ngoài đã đem về cho Thái Lan hơn 6,6 tỷ baht, mức cao kỷ lục, tăng gần 2 tỷ baht so với năm 2022. Tổng cộng có 466 bộ phim được quay tại Thái Lan vào năm 2023 bởi các nhà làm phim đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đứng đầu danh sách là các nhà làm phim đến từ Mỹ, tiếp theo là Hồng Kông (Trung Quốc), Trung Quốc, Đức và Hàn Quốc. Ba địa phương được các nhà làm phim quốc tế ưa chuộng nhất là Bangkok, Chon Buri và Samut Prakan.
Trong nửa đầu năm 2024, tổng cộng có 238 bộ phim được các nhà làm phim từ 31 quốc gia và vùng lãnh thổ quay tại Thái Lan. Mặc dù số lượng phim giảm so với cùng kỳ năm 2023, nhưng giá trị đầu tư đã tăng lên hơn 59%. Năm nhóm nhà làm phim nước ngoài chi nhiều nhất cho việc làm phim tại Thái Lan là Hồng Kông (Trung Quốc), tiếp theo là Anh, Mỹ, Pháp và Đức.
Một trong những lý do khiến nguồn thu từ các đoàn làm phim nước ngoài tăng là do Thái Lan đưa ra nhiều ưu đãi hơn cho hoạt động sản xuất phim tại quốc gia này. Năm 2022, Nội các Thái Lan đã phê duyệt chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 5 năm đối với các diễn viên nước ngoài làm việc trong các bộ phim được quay tại Thái Lan.
Trước đây, các diễn viên nước ngoài phải trả thuế thu nhập cá nhân khi làm việc cho các đơn vị sản xuất phim tại Thái Lan, đồng thời họ cũng phải trả thuế thu nhập cá nhân tại quốc gia của mình. Việc đánh thuế hai lần có thể từng là yếu tố khiến các nhà làm phim nước ngoài e ngại khi muốn chọn Thái Lan làm địa điểm quay phim. Vì lý do này, Bộ Du lịch và Thể thao đã yêu cầu Nội các phê duyệt chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân cho các diễn viên nước ngoài.
Đối với các các nhà làm phim nước ngoài đầu tư từ 50 triệu baht trở lên vào việc quay phim tại Thái Lan, chính phủ nước này đã đưa ra chương trình hoàn tiền mặt lần đầu tiên vào năm 2017. Tới năm 2023, Nội các Thái Lan chấp thuận đề xuất tăng mức hoàn tiền mặt lên 20-30%, từ mức ban đầu là 15-20% chi phí làm phim.
Theo chương trình ưu đãi kể trên, các nhà làm phim đầu tư từ 50 triệu baht trở lên vào việc quay phim tại Thái Lan sẽ nhận được khoản hoàn tiền mặt 15%. Các bộ phim quảng bá du lịch và quyền lực mềm của Thái Lan, cũng như hình ảnh tích cực của đất nước sẽ nhận thêm 5%. Nếu thuê người Thái làm nhân sự chủ chốt, các nhà làm phim sẽ nhận thêm 3% ưu đãi. Việc quay phim tại các thành phố du lịch thứ cấp sẽ đem về 3% nữa; và nếu các đoàn làm phim chi cho các dịch vụ hậu kỳ tại Thái Lan sẽ nhận thêm 2%. Giá trị hoàn tiền mặt được giới hạn ở mức 150 triệu baht cho mỗi bộ phim.
hính phủ Thái Lan nhấn mạnh đến nhu cầu điều chỉnh các tiêu chí và điều kiện của các biện pháp khuyến khích làm phim tại Thái Lan. Việc điều chỉnh này nhằm giúp Thái Lan được biết đến nhiều hơn trên toàn thế giới như một địa điểm thuận lợi hàng đầu cho hoạt động làm phim ở nước ngoài.
Chính phủ Thái Lan tin rằng, việc phát triển thành một trung tâm làm phim của khu vực cũng sẽ góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp liên quan khác, tạo ra nhiều việc làm và thu nhập hơn, đồng thời phân phối của cải cho các khu vực của đất nước.