Thái Bình: Quan tâm tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa
27/10/2021 | 11:01Năm 2020, UBND tỉnh phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo đối với 4 di tích lịch sử văn hóa đã xuống cấp. Sau hơn 1 năm triển khai thi công, đến nay 2 trong số 4 di tích đã có diện mạo khang trang, không chỉ đáp ứng nguyện vọng của người dân địa phương mà còn góp phần trao truyền, gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp đã trường tồn qua bao biến thiên của lịch sử.
Một trong hai di tích đã cơ bản hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo trong năm 2021 là đền Hạ Đồng, xã Thụy Sơn (Thái Thụy). Đây là ngôi đền cổ kính, chốn ước nguyện linh thiêng và là nơi giáo dục truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng của người dân địa phương. Đây là nơi phụng thờ Thánh mẫu đệ tam Cống nương phu nhân cùng các tướng sĩ đã có công dựng nước và giữ nước ở thế kỷ thứ II trước Công nguyên. Trong đền hiện còn thờ pho tượng cổ Mẫu Cống nương, bài vị và các sắc phong. Năm 1990, đền Hạ Đồng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia.
Ông Lê Đức Chọn, Trưởng ban khánh tiết đền chia sẻ: Trước khi tu bổ, tôn tạo, nhiều hạng mục tại di tích đã xuống cấp nghiêm trọng, những đợt mưa bão, người dân địa phương rất lo lắng nên khi có quyết định của UBND tỉnh về việc tu bổ, tôn tạo di tích, không chỉ những người gắn bó với di tích mà cả con em xa quê đều vui mừng, phấn khởi. Từ tháng 12/2020, việc tu bổ, tôn tạo được triển khai với các hạng mục như tòa tiền tế, tòa trung tế, hậu cung… người dân trong xã thường xuyên qua lại, ai cũng quan tâm và mong mỏi việc trùng tu sẽ sớm hoàn thành. Đến nay, chỉ còn một số hạng mục nhỏ đang được đơn vị thi công gấp rút hoàn thiện. Dù lễ hội năm nay chưa thể tổ chức ở ngôi đền khang trang do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng hy vọng các mùa lễ hội sau, nhân dân địa phương và du khách thập phương sẽ được về chiêm bái tại công trình này.
Cũng được triển khai tu bổ, tôn tạo từ tháng 12/2020, đến nay đình Phương Cáp, xã Hiệp Hòa (Vũ Thư) - nơi diễn ra cuộc nói chuyện của Bác Hồ với cán bộ, nhân dân trong lần cuối cùng Người về thăm Thái Bình vào ngày 1/1/1967, đã được hoàn thành và được chủ đầu tư, đơn vị thi công chính thức bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý. Với kinh phí đầu tư hơn 10 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, công trình kiến trúc cổ với tuổi đời hơn 130 năm được trùng tu, tôn tạo kịp thời, không còn cảnh sụt lún, xiêu vẹo, mưa dột.
Ông Đỗ Chí Định, Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa cho biết: Ngôi đình trước đây xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ đổ sập, sau hơn một năm tu bổ cơ bản vẫn giữ nguyên kiến trúc gốc. Nhân dân địa phương rất phấn khởi vì đây không chỉ là công trình cổ mà còn là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đình là căn cứ cách mạng, nuôi giấu cán bộ, nơi tập kết, tổ chức lễ truy điệu cho nhiều anh hùng liệt sĩ địa phương. Năm 1993, đình Phương Cáp được cấp bằng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, hiện là nơi tôn thờ, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ xã Hiệp Hòa.
Cũng theo ông Đỗ Chí Định, trong quá trình tu bổ, tôn tạo, toàn bộ tổ thợ thi công đa phần là người dân địa phương nên đều có tinh thần trách nhiệm cao, công trình về cơ sở vật chất cơ bản bảo đảm tốt. Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tổ chức chuyển đồ thờ tự, bức ảnh của Bác khi nói chuyện với nhân dân tại đình Phương Cáp về nơi đây để người dân có thể đến dâng hương tế lễ, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tìm hiểu về truyền thống lịch sử.
Trong những năm qua, đã có nhiều di tích lịch sử văn hóa tại Thái Bình được quan tâm tu bổ, tôn tạo kịp thời từ nguồn ngân sách của tỉnh và ngân sách xã hội hóa, đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của nhân dân. Ngành Văn hóa xác định, công tác tu bổ, tôn tạo được thực hiện nhằm trả lại cho di tích hình dáng vốn có của nó, làm cho di tích có độ bền vững về mặt kết cấu để tồn tại lâu dài trước tác động của điều kiện khí hậu và thời tiết khắc nghiệt cũng như thách thức của thời gian. Việc tu bổ di tích được tiến hành nghiêm ngặt, tuân thủ theo các quy định trong Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng và các văn bản quy định khác, đồng thời bảo đảm các nguyên tắc như: bảo tồn tối đa yếu tố gốc cấu thành di tích, hạn chế can thiệp làm giảm hoặc thay đổi đặc điểm, giá trị di tích, đồng thời ưu tiên bảo quản, gia cố, sau đó mới đến tu bổ, tôn tạo để việc trùng tu thực sự giúp các di tích trường tồn cùng với thời gian, góp phần giữ gìn các giá trị truyền thống cho các thế hệ mai sau.