Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tạo đòn bẩy phát triển bền vững

14/10/2021 | 08:30

Từ chỗ là yếu tố tinh thần, giá trị phi vật chất, ngày nay, văn hóa được nhìn nhận với ý nghĩa sâu sắc hơn, là động lực thúc đẩy đất nước giàu mạnh, phồn vinh trong giai đoạn mới. Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia cho thấy, phát triển văn hóa cùng với phát triển kinh tế sẽ đưa đến sự tăng trưởng đa chiều, toàn diện và bền vững.

Tạo đòn bẩy phát triển bền vững - Ảnh 1.

Phát triển văn hóa hướng tới Việt Nam thịnh vượng, có bản sắcẢnh: Baotintuc.vn

Sức mạnh cho Việt Nam thịnh vượng, có bản sắc

Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030 đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lấy ý kiến, hướng tới “nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Trong bối cảnh hội nhập, Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, mở rộng giao lưu văn hóa giữa các quốc gia - dân tộc, bên cạnh tác động tích cực, còn có những nguy cơ đối với sự phát triển xã hội, mà nguồn gốc là từ biến đổi trong văn hóa. Do vậy, phát triển văn hóa ngày càng trở nên quan trọng.

Ngày nay, văn hóa và khái niệm phát triển văn hóa đã được hiểu rộng hơn, sâu sắc hơn. PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng: Văn hóa bao gồm tổng thể văn hóa vật thể, phi vật thể, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, môi trường văn hóa, hoạt động văn hóa, sự hưởng thụ văn hóa… không chỉ đóng vai trò quan trọng đem lại sự phát triển kinh tế bao trùm, giúp xóa đói, giảm nghèo, mà còn là nền tảng tạo ra sự gắn kết xã hội, bảo đảm sự phát triển bình đẳng, nhân văn, có bản sắc và bền vững.

Với vai trò quan trọng như vậy, để văn hóa thực sự trở thành nguồn lực nội sinh cho quá trình phát triển đất nước, các nhà nghiên cứu cho rằng, cần tập trung xây dựng văn hóa trở thành “hệ điều tiết” góp phần ổn định xã hội; tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh từ trong gia đình, cộng đồng đến xã hội, trong đó mỗi cá nhân ý thức được hành vi của mình luôn nằm trong những ràng buộc về pháp luật, đạo đức, nhân cách và trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh triển khai các hoạt động cụ thể để đưa văn hóa trở thành một trụ cột trong phát triển bền vững. Đầu tư cho văn hóa phải tương xứng với đầu tư cho kinh tế, phát triển đồng bộ cả kinh tế và văn hóa, nâng cao hàm lượng văn hóa trong các sản phẩm kinh tế...

Kênh truyền dẫn sức mạnh mềm

Từ nửa cuối thế kỷ XX, khi văn hóa được khai phá vai trò một ngành công nghiệp đã khiến lĩnh vực này được nhìn nhận cả trên góc độ kinh tế, với sự hiện hữu của các giá trị vật chất, lợi nhuận cụ thể. Công nghiệp văn hóa hình thành trên cơ sở ban đầu là khai thác các giá trị bản sắc từng dân tộc - quốc gia, phát huy được sức mạnh nội sinh cho phát triển kinh tế nói riêng và đất nước nói chung, làm thay đổi quan niệm vốn chỉ coi văn hóa là yếu tố tinh thần, là “của cải” tinh thần, là yếu tố phi vật chất. Sự phát triển nhanh chóng của công nghiệp văn hóa với những sản phẩm ngày càng đa dạng và có giá trị kinh tế cao, đóng góp ngày càng lớn của ngành công nghiệp văn hóa đối với GDP của các quốc gia còn cho thấy vai trò to lớn và tầm mức tác động, ảnh hưởng của văn hóa đối với quá trình phát triển của các quốc gia - dân tộc.

Là quốc gia đi sau, Việt Nam đang quan tâm đổi mới thể chế nhằm chuyển hóa hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa thông qua nỗ lực mạnh mẽ trong việc đưa các ngành công nghiệp văn hóa phát triển, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới. Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, từ một nền văn hóa phát triển nặng tính bao cấp, công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế đang từng bước đưa các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam chuyển mình từ tình trạng manh mún, không đồng đều sang chuỗi liên kết giá trị có khả năng lan tỏa sức hấp dẫn văn hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế.

Việt Nam đã bước đầu thiết lập khung chính sách nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa. Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, trong ngành công nghiệp không khói này, được nhiều người biết đến nhất là truyền hình - phát thanh và điện ảnh với 85%; tiếp đến là quảng cáo, kiến trúc, du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, thủ công mỹ nghệ, xuất bản, thiết kế, thời trang. Phần mềm và các trò chơi giải trí còn được ít người biết đến. Thị trường công nghiệp văn hóa Việt Nam có những bước tiến mới, từ chiếm 2,68% GDP năm 2015 (theo số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tới ước đạt 3,42% GDP năm 2019...

Vươn tầm thương hiệu và định vị văn hóa Việt Nam ở các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa ra thế giới vẫn còn một chặng đường dài, trong đó công nghiệp văn hóa phải tiên phong trở thành một kênh liên kết mạnh trong cơ chế chuyển hóa và công cuộc đưa nguồn tài nguyên văn hóa chuyển thành sức mạnh mềm. PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng, để tạo bứt phá của công nghiệp văn hóa, cần đổi mới mạnh mẽ cơ chế đầu tư tài chính trong lĩnh vực văn hóa, không chỉ chú trọng tới đầu tư mà còn tập trung thu hút vốn; tăng cường cơ chế hợp tác công - tư nhằm đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ; phát triển kết cấu hạ tầng, nền tảng số hóa, gia tăng khả năng và cách thức tiếp cận đến đối tượng tiềm năng; đổi mới phương thức khai thác, tăng cường kết nối truyền thống - hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phân phối các sản phẩm và dịch vụ công nghiệp văn hóa...

Với những thay đổi lớn từ quan niệm tới chính sách, hành động cụ thể, phát triển văn hóa sẽ trở thành một trong những trụ cột chính bên cạnh phát triển kinh tế và xã hội, trên con đường tiến tới tăng trưởng bền vững.

Theo daibieunhandan.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×