Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tạo điều kiện thuận lợi cho nghệ nhân trong xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể

30/11/2022 | 09:00

Sáng ngày 29/11, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị Tổng kết việc thực hiện Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25/6/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Một số kết quả đạt được

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL; lãnh đạo các Sở VHTTDL, VHTT các địa phương, lãnh đạo Liên hiệp các Hội VHNT Trung ương, các Hội VHNT chuyên ngành cùng nhiều chuyên gia, văn nghệ sĩ…

Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, ngày 25 tháng 6 năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân" (NNND), "Nghệ nhân ưu tú" (NNƯT) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, đây là căn cứ pháp lý quan trọng để xét, tôn vinh và có chính sách đãi ngộ với các cá nhân đang nắm giữ kỹ năng, bí quyết thực hành, có đóng góp trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của đất nước.

Tạo điều kiện thuận lợi cho nghệ nhân trong xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể - Ảnh 1.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chủ trì Hội nghị

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho rằng, việc tôn vinh danh hiệu đã góp phần động viên các nghệ nhân tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, gìn giữ và quan trọng hơn là truyền dạy cho thế hệ trẻ những giá trị di sản văn hóa phi vật thể mà họ đang nắm giữ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc; đồng thời nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nói riêng, di sản văn hóa nói chung.

Theo báo cáo của Vụ thi đua khen thưởng, triển khai thực hiện Nghị định số 62/2014/NĐ-CP từ năm 2016 đến năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức được 03 đợt xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú", kết quả có 131 "nghệ nhân ưu tú" được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân" và 1.750 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" (Năm 2016 có 617 NNND; Năm 2019 có 66 NNND và 570 NNƯT; Năm 2022 có 65 NNND và 563 NNƯT).

Nghị định số 62/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể là văn bản có tính pháp lý và nhân văn sâu sắc, kịp thời ghi nhận và tôn vinh nghệ nhân đang tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Năm 2016, đây là lần đầu tiên các nghệ nhân thuộc lĩnh vực trị di sản văn hóa phi vật thể được xét tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước, danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú", góp phần tôn vinh các nghệ nhân có công bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa phi vật thể của đất nước.

Các quy định về nguyên tắc, đối tượng, trình tự, thủ tục hồ sơ đề nghị xét tặng tại Nghị định số 62/2014/NĐ-CP rõ ràng, minh bạch, công khai, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát.

Một số hạn chế, vướng mắc

Tuy nhiên, qua nghiên cứu báo cáo tổng kết của các địa phương về việc triển khai thực hiện Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong công tác xét tặng danh hiệu.

Tạo điều kiện thuận lợi cho nghệ nhân trong xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể - Ảnh 2.

Quang cảnh Hội Nghị

Cụ thể, về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét tặng (Nghị định số 62) và xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ do Bộ Công thương làm công tác xét tặng (Nghị định số 123). Qua thực tế công tác xét tặng cho thấy đối tượng nghệ nhân nghề thủ công truyền thống có thể nộp hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu ở cả lĩnh vực lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì công tác xét tặng (xét theo loại hình tri thức dân gian) hoặc đề nghị xét tặng danh hiệu ở lĩnh vực thủ công mỹ nghệ do Bộ Công thương chủ trì công tác xét tặng. Điều này dẫn đến việc cùng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" gây nên sự bất cập, chồng chéo, trùng lặp trong công tác xét tặng do tiêu chí để xét danh hiệu của 02 Nghị định này có những điểm khác biệt trong khi cùng hướng đến một danh hiệu vinh dự Nhà nước.

Bên cạnh đó, một số Hội đồng cấp tỉnh chưa ưu tiên mời các cá nhân có chuyên môn cao liên quan đến lĩnh vực chuyên ngành; thiếu các nhà nghiên cứu về loại hình di sản văn hóa phi vật thể tham gia Hội đồng.

Vướng mắc trong việc xây dựng hồ sơ đòi hỏi phải có minh chứng như: băng, đĩa hình, ảnh mô tả tri thức và kỹ năng đang nắm giữ, hoặc các giấy tờ liên quan tới giải thưởng …các nghệ nhân có nhưng rất ít và nếu có thì làm thất lạc. Trong quá trình xây dựng hồ sơ không đủ tính thuyết phục do còn thiếu nhiều minh chứng nên hồ sơ bị loại dù thực tế bản thân có nhiều đóng góp cho việc trao truyền di sản văn hóa phi vật thể.

Cần thành lập hội đồng nghệ nhân phù hợp

Tại Hội nghị, các đại biểu đã góp ý kiến đồng thuận với những vấn đề còn tồn tại trong việc xét danh hiệu NNND, NNƯT đồng thời có nhiều ý kiến góp ý nhằm khắc phục những vấn đề còn tồn tại.

Phó chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam - Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý cho biết: "Các chính sách phong tặng theo Nghị định nước ta còn thiếu một đối tượng rất quan trọng, chúng ta luôn nói rằng di sản phải gắn liền với phát triển bền vững nhưng khi phong tặng mới chỉ quan tâm đến các đối tượng đã làm, đã được vinh danh mà chưa quan tâm đến đối tượng tiềm năng đang sản xuất, tiếp tục sáng tạo ra những sản phẩm. Bây giờ chúng ta nói là công nghiệp văn hóa tạo ra sự phát triển bền vững cho xã hội. Nghị định của chúng ta chưa có và chúng ta cần phải bổ sung để cho những người tiếp cận nghệ nhân đó tham gia vào. Các nước trên thế giới có những chính sách dành riêng cho các nghệ nhân và những người tiếp cận. Đặc biệt, còn có cả những chính sách dành cho các lớp trẻ mới khuyến khích được người trẻ tham gia bảo vệ di sản và phát triển bền vững".

Tạo điều kiện thuận lợi cho nghệ nhân trong xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể - Ảnh 3.

Các đại biểu tham gia Hội Nghị

Cũng theo Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, đối với quy trình thủ tục hội đồng thì hội đồng tham gia cần phải hiểu rõ về chính sách. Các nhà chuyên môn không thể nắm vững được hết các loại hình, mỗi nhà chuyên môn chỉ nắm vững về một loại hình riêng như: âm nhạc, ẩm thực… nhưng tất cả đều phải hiểu về chính sách. Bởi nếu hội đồng chỉ nói theo chuyên môn, theo quan điểm của cá nhân mà không bám với chính sách sẽ gây sự bất cập và thiệt thòi cho các nghệ nhân.

Đồng quan điểm này, NSND Vương Duy Biên - Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho biết: Nghệ nhân khác với nghệ sĩ, không có tính sáng tạo mà là sự truyền nghề và duy trì nghề đó. Cho nên nếu phong tặng nghệ nhân đúng thì nghề đó sẽ được bảo tồn. Mỗi lần phong tặng, mỗi cá nhân nghệ nhân được tôn vinh đó là niềm vinh dự cho bản làng và cộng đồng đó. Vì vậy, việc thành lập hội đồng nghệ nhân phải thực sự có uy tín, có tính cộng đồng và chúng ta cần phải xem xét suy tính thế nào khi chọn các thành phần tham gia Hội đồng nghệ nhân cho phù hợp.

Tạo điều kiện thuận lợi cho nghệ nhân trong xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể - Ảnh 4.

NSND Vương Duy Biên phát biểu tại Hội Nghị

Bên cạnh đó, bà Trương Thị Hồng Hạnh – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Thái Bình chia sẻ, hiện nay tỉnh Thái Bình cũng như các địa phương khác còn gặp nhiều khó khăn trong việc kê khai hồ sơ cho nghệ nhân. Những nghệ nhân có tuổi cao, trình độ học vấn hạn chế khó tiếp cận với các biểu mẫu mới, tuy được con cháu làm hồ sơ thay nhưng không thể chính xác bằng vì thế hồ sơ rất sơ sài không đủ điều kiện để phong tặng cho các nghệ nhân.

Tạo điều kiện thuận lợi cho nghệ nhân trong xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể - Ảnh 5.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho rằng, việc tổng kết Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25/6/2014 chỉ là bước đầu tiên trong quy trình xây dựng Nghị định sửa đổi, vì vậy tất cả các báo cáo của địa phương cũng như các đại biểu sẽ đóng góp cho Bộ VHTTDL trong quá trình tổng hợp đánh giá về thực trạng những mặt đạt được và hạn chế tồn tại để có định hướng đề xuất với Chính phủ xây dựng Nghị định sửa đổi. Đây là những ý kiến rất quý báu để có thể xem xét sửa đổi trong Nghị định tới đây. Nhiều ý kiến góp ý về tiêu chuẩn, quy trình, thành phần hồ sơ, thành phần hội đồng… cần phải bổ sung sửa đổi, tiếp tục có nghiên cứu phù hợp với tình hình thực tiễn, với nghệ nhân ở vùng sâu vùng xa.

Thứ trưởng nhấn mạnh về tầm quan trọng của hội nghị, những ý kiến các chuyên gia và địa phương đóng góp, trong thời gian tới đây Bộ VHTTDL sẽ giao cho các cơ quan chuyên môn để xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi liên quan đến việc xét và vinh danh "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú". Thứ trưởng cũng đề nghị ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương sẽ tham mưu để tổng hợp tất cả các ý kiến từ cơ sở, đặc biệt sẽ cần phải có ý kiến của chủ thể văn hóa để xem nghệ nhân mong muốn điều gì để dự thảo Nghị định sửa đổi phù hợp với tình hình thực tiễn và cộng đồng./.

Thu Thương

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×