Tăng sự hấp dẫn của các chương trình du lịch di sản thông qua việc giao lưu với già làng trưởng bản
06/08/2022 | 15:19Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm, đối với ngành du lịch, các giá trị văn hóa đặc sắc trong đời sống, văn hóa, tín ngưỡng chiến khu Việt Bắc đã và đang trở thành một nguồn lực to lớn để khai thác phát triển du lịch, đóng góp vào công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, từ đó phát triển kinh tế - xã hội đồng bào các dân tộc miền núi tại các địa phương này.
Liên kết vùng là "chìa khóa" cho phát triển du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc
Hội thảo "Liên kết phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng chiến khu Việt Bắc" nhằm trao đổi, thảo luận cơ sở lý luận và thực tiễn trong liên kết phát triển du lịch chiến khu Việt Bắc, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia đồng bào DTTSMN tại các tỉnh chiến khu Việt Bắc nói riêng và các tỉnh miền núi nói chung vừa được Hội đồng Dân tộc phối hợp với Viện Kinh tế, Văn hóa thuộc Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, các giá trị văn hóa đặc sắc trong đời sống, văn hóa, tín ngưỡng chiến khu Việt Bắc đang được thế hệ sau bảo tồn, gìn giữ phát huy và ngày càng đóng vai trò, chiếm vị thế quan trọng trong đời sống văn hóa xã hội đặc biệt, đối với ngành du lịch thì những giá trị này đã và đang trở thành một nguồn lực to lớn để khai thác phát triển du lịch, đóng góp vào công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, từ đó phát triển kinh tế - xã hội đồng bào các dân tộc miền núi tại các tỉnh chiến khu Việt Bắc.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế như nhân lực du lịch trong vùng còn yếu, thiếu tính chuyên nghiệp; hoạt động liên kết giữa các địa phương trong vùng còn lỏng lẻo, thiếu hiệu quả nên năng lực cạnh tranh còn thấp và không phát huy được tổng thể lợi thế về tài nguyên để phát triển du lịch. Hoạt động đầu tư mới chỉ tập trung ở một số địa bàn có điều kiện tương đối phát triển và đang có lượng khách lớn. Nhiều địa bàn có tiềm năng du lịch hấp dẫn nhưng chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng du lịch.
Kiến nghị, đề xuất các giải pháp phát triển du lịch vùng ATK, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, phải xác định liên kết vùng là "chìa khóa" cho phát triển du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc, trong đó tập trung vào hoạch định sản phẩm chủ lực cho toàn vùng.
Theo đó, cần xác định sản phẩm đặc trưng, đích thực của vùng mà không nơi nào khác có, đó là các di tích văn hóa, lịch sử cách mạng, địa chất (công viên địa chất), nông nghiệp nông thôn (sản phẩm OCOP, trong đó có trên 600 sản phẩm đạt 3 sao, 4 sản phẩm 5 sao), đồng thời gắn các sản phẩm này với văn hóa lễ hội trong vùng.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh nhấn mạnh, không phải bây giờ mới nói đến liên kết vùng. Dù đã làm rất lâu (từ năm 2003, tại 3 tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai) nhưng vẫn còn luẩn quẩn, không xác định được ai là người cầm trịch, điều phối. Do đó cần thí điểm liên kết sản phẩm vùng, từ đó quảng bá sản phẩm.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng đề xuất Quốc hội cần có khung pháp lý cho cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa là Bộ VHTTDL. Ngoài ra, cần chú trọng việc liên kết giao thông, liên kết thống nhất đặc trưng du lịch của từng tỉnh, để tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng. Để làm được điều đó, cần phải đào tạo cán bộ quản lý du lịch, người hướng dẫn làm du lịch và đào tạo người dân…
Giao lưu với già làng trưởng bản sẽ làm tăng sự hấp dẫn của các chương trình du lịch di sản
Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, công tác xây dựng sản phẩm cần được đặc biệt quan tâm để hình thành và phát triển những sản phẩm du lịch văn hóa có chất lượng; kết nối các điểm di tích văn hóa, lịch sử cách mạng để xây dựng và phát triển các tuyến điểm du lịch đặc trưng của vùng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác kết hợp với các loại hình du lịch khác nhau, như du lịch tâm linh, du lịch làng nghề, sinh thái, cộng đồng, du lịch nông nghiệp… theo hướng du lịch xanh, nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, làm tăng sự hấp dẫn đối với khách du lịch.
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Thanh, một trong các giải pháp hữu hiệu để phát triển du lịch gắn với gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng là liên kết, trước hết là liên kết giữa du lịch và ngành văn hóa.
Ngành du lịch và văn hóa cần phối kết hợp tổ chức hoạt động xúc tiến quảng bá các giá trị của di sản, thu hút khách du lịch. Các điểm tham quan, điểm du lịch di sản cũng cần liên kết với các doanh nghiệp lữ hành ở các đô thị lớn xây dựng các chương trình du lịch về nguồn, chương trình du lịch hoài niệm như là những sản phẩm du lịch đặc trưng.
Ngoài ra, cần liên kết nội vùng giữa các điểm tham quan du lịch di sản để tạo thành các chương trình du lịch chuyên biệt, như các chương trình du lịch dành cho học sinh, sinh viên, cho quân nhân, cho cán bộ, đảng viên.
Việc liên kết giữa các điểm tham quan di sản với các hoạt động văn hóa địa phương, giao lưu với người dân địa phương, đặc biệt là với già làng trưởng bản, những nhân chứng sống có những kỷ niệm liên quan các di tích lịch sử cách mạng cũng sẽ làm tăng sự hấp dẫn của các chương trình du lịch di sản.