Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, nâng cao vai trò của địa phương trong quản lý tổ chức lễ hội

21/01/2019 | 08:55

Mùa lễ hội 2019 đang đến gần. Phát huy những mặt tốt, giảm thiểu những mặt còn tồn tại của mùa lễ hội 2018 là mục tiêu của công tác quản lý và tổ chức lễ hội 2019. Trước mùa lễ hội diễn ra, công tác thanh tra, kiểm tra đã được Bộ VHTTDL chú trọng triển khai.

Để tìm hiểu rõ hơn về công tác kiểm tra, quản lý và tổ chức lễ hội trong mùa lễ hội 2019, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Xuân Phúc- Phó chánh Thanh tra Bộ VHTTDL.

Thưa ông, mùa lễ hội 2018 được đánh giá về cơ bản là một mùa lễ hội an toàn. Ông có thể có một vài nhận xét về những mặt tốt cũng như những hạn chế còn tồn tại trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018?

- Mùa lễ hội 2018 đã diễn ra rất sôi nổi và có thể nói là một năm công tác quản lý và tổ chức lễ hội cũng đạt nhiều kết quả tốt đẹp. Những mặt hạn chế, yếu kém của những năm trước thì nhờ có sự chỉ đạo rất quyết liệt từ trung ương đến địa phương nên đã được khắc phục về cơ bản.

Tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, nâng cao vai trò của địa phương trong quản lý tổ chức lễ hội - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy kiểm tra công tác tổ chức lễ hội tại Chùa Hương năm 2018

Công tác an ninh trật tự; các hành vi phản cảm, bạo lực trong lễ hội; đổi tiền lẻ, đặt tiền lễ, tiền giọt dầu không đúng quy định, khấn thuê, chèo kéo khách, rút quẻ thẻ… đã giảm. Tăng cường công tác thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội. Bên cạnh đó, việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm cũng được quan tâm. Thanh tra Bộ VHTTDL và Cục Văn hóa cơ sở đã thành lập các đoàn thanh, kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018, đảm bảo cho các lễ hội được diễn ra an toàn, lành mạnh, văn minh; giám sát, nhắc nhở và yêu cầu các địa phương, Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội chấn chỉnh các biểu hiện phản cảm, vi phạm nếp sống văn minh trong lễ hội.

Chúng tôi đánh giá chung, mùa lễ hội 2018 đã đạt kết quả tốt.

Bên cạnh những kết quả tốt trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội thì vẫn còn một số hạn chế. Trong năm 2019, theo ông, cần có biện pháp nào để khắc phục?

- Chúng ta phải nhìn nhận những mặt đạt được là chính, là cơ bản. Còn trong hoạt động lễ hội, là hoạt động của cộng cồng, số lượng người tham gia rất đông, rất khó quản lý đối tượng tham gia lễ hội nên không thể tránh khỏi những tồn tại. Tình trạng chen lấn xô đẩy, rác thải chưa được thu gom kịp thời nên còn chưa đảm bảo vệ sinh, hay tình trạng có hành khất, lén lút đổi tiền lẻ… nói chung ở một số lễ hội vẫn còn tình trạng đó.

Chúng tôi cũng đánh giá nguyên nhân, do đặc thù của hoạt động lễ hội, khó quản lý như nói trên, đồng thời, để xảy ra tồn tại đó còn có sự phối hợp chưa chặt chẽ của các ban, ngành ở các địa phương có tổ chức lễ hội.

Mùa lễ hội 2019, Nghị định về Quản lý và tổ chức lễ hội (Nghị định 110) đi vào đời sống. Chính phủ đã quy định rất rõ, giao trách nhiệm cho tất cả các ngành, từ công an, y tế, giao thông cho đến văn hóa, thông tin và truyền thông…Trong các hoạt động đó, các ngành phải chủ động để xây dựng kế hoạch, để tăng cường công tác quản lý, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ở lĩnh vực của mình theo Nghị định mà Chính phủ giao. Nhiều địa phương đã làm tốt, nhưng cũng còn một số địa phương làm chưa thật sự tốt. Cũng có một số ngành làm tốt nhưng cũng có ngành chưa làm hết trách nhiệm của mình. Nếu các ngành, các địa phương đều làm tốt thì những tồn tại sẽ giảm.

Tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, nâng cao vai trò của địa phương trong quản lý tổ chức lễ hội - Ảnh 2.

Ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh Thanh tra Bộ VHTTDL

Công tác kiểm tra, thanh tra quản lý và tổ chức lễ hội năm 2019 sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

-Sắp bước vào mùa lễ hội xuân, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra mà Bộ VHTTDL đã ban hành, Thanh tra Bộ cũng đã trực tiếp đi kiểm tra tại các địa phương, đánh giá kết quả thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018 đồng thời giám sát những phương hướng, nhiệm vụ mà các địa phương để ra trong công tác quản lý tổ chức lễ hội. Một số tỉnh chúng tôi đã kiểm tra gồm Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định… Qua kiểm tra chúng tôi thấy rất mừng là năm nay, các cấp ủy chính quyền tại các địa phương từ tỉnh đến quận huyện, xã phường đều có nhận thức rất tốt, nghiên cứu, quán triệt tốt Nghị định 110, đã xây dựng các chương trình, kế hoạch, thành lập BTC, các tiểu ban, có những hình thức rất mới. Ví dụ như các tiểu ban có danh sách, phân công con người đến từng điểm di tích, có niêm yết số điện thoại, nên khi thanh tra, kiểm tra hoặc người dân đi hội thấy có tình hình gì chưa đúng đều có thể gọi điện đến các thành viên của các tiểu ban phụ trách khu vực đó.

Ngay sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, Thanh tra Bộ cũng sẽ có những đoàn kiểm tra công tác quản lý tổ chức lễ hội tại những lễ hội lớn, có đông nhân dân tham gia.

Mặc dù còn gần 1 tháng nữa mới bắt đầu lễ hội xuân, qua kiểm tra bước đầu, chúng tôi thấy các địa phương đã vào cuộc rất sớm, có những kế hoạch cụ thể trong quản lý tổ chức lễ hội. Vì vậy, chúng ta hy vọng, 2019 sẽ có mùa lễ hội tốt đẹp hơn.

Ông đánh giá vai trò địa phương như thế nào trong việc đảm bảo thuần phong mỹ tục, đảm bảo văn hóa, văn minh khi tham gia lễ hội?

- Rõ ràng vai trò của địa phương nơi có di tích và nơi tổ chức các hoạt động lễ hội tại di tích đó là vô cùng quan trọng. Bởi vì địa phương quản lý trực tiếp người dân tham gia các hoạt động dịch vụ tại lễ hội như: chở đò, trông giữ xe, dịch vụ hàng quán, bảo vệ… Vì vậy, vai trò của các địa phương có tính quyết định tới lễ hội được quản lý, tổ chức tốt hay không tốt. Nghị định 110 đã được ban hành, Nghị định đã phân cấp quản lý, phân công cụ thể UBND cấp tỉnh phải làm gì, UBND cấp huyện phải làm gì. Vì vậy, tôi nghĩ, trách nhiệm của chính quyền địa phương có vai trò then chốt trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội.

Theo ông, việc kiểm tra, thanh tra có ý nghĩa như thế nào trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội?

-Thanh tra, kiểm tra chính là giám sát. Đối với quản lý, tổ chức lễ hội, ngoài tuyên truyền, vận động thì kiểm tra, giám sát góp phần nâng cao nhận thức, ý thức quản lý, tổ chức, tham gia lễ hội.

Lễ hội có tính phức tạp của nó. Mặc dù là cơ quan thanh tra kiểm tra nhưng chúng tôi nghĩ đừng tuyệt đối hóa trong quản lý, tổ chức. Ví dụ như chúng ta có thể quản lý an ninh trật tự hàng quán, nhưng chúng ta không thể quản lý được lượng người, tuổi tác, trình độ của người dân tham gia lễ hội. Vai trò của chính quyền địa phương, vận động, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân, ăn mặc thế nào, lễ bái như thế nào cho đúng vẫn là vai trò của BTC lễ hội và chính quyền địa phương.

Xin cảm ơn ông!

Hà An (thực hiện)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×