Tăng cường hiệu quả hợp tác du lịch giữa Việt Nam và các nước GCC
16/12/2022 | 08:13Chiều 15/12, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị quốc tế "Hợp tác du lịch Việt Nam và các quốc gia vùng Vịnh GCC: Tiềm năng và triển vọng".
Hội nghị đã thu hút được sự tham gia của hơn 250 đại biểu trực tiếp và trực tuyến, bao gồm các vị đại sứ, đại biện các nước GCC (Ả rập Xê út, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Oman, Qatar, Cô oét và Ba-ren) tại Hà Nội và của Việt Nam tại khu vực, một số cơ quan phụ trách du lịch, đầu tư các nước GCC, đại diện một số bộ, ngành Trung ương và các sở, ngành phụ trách du lịch và đối ngoại một số địa phương của Việt Nam, hơn 100 doanh nghiệp lữ hành, hàng không, khách sạn, khu nghỉ dưỡng của Việt Nam và các nước GCC, một số nhà báo, blogger du lịch có uy tín tại khu vực.
Các quốc gia GCC là thị trường tiềm năng hàng đầu thế giới về du lịch
Phát biểu chào mừng Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu khẳng đinh, đây là sự kiện xúc tiến du lịch quan trọng, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc phục hồi, phát triển du lịch sau thời gian chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Hội nghị cũng là bước triển khai cụ thể Chỉ thị 15 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Theo Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu, các quốc gia GCC là thị trường tiềm năng hàng đầu thế giới về du lịch. Việt Nam và các quốc gia GCC có nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch, hai bên có quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt tốt đẹp, nhiều hãng hàng không quốc tế đang khai thác các đường bay thẳng từ Việt Nam đến khu vực và ngược lại. Đây là lợi thế rất lớn để tăng cường hợp tác du lịch giữa hai bên trong thời gian tới.
Tuy nhiên, lượng khách du lịch từ khu vực GCC đến Việt Nam thời gian qua con rất hạn chế. Trong tổng số 18 triệu du khách quốc tế đến Việt Nam năm 2019, khu vực GCC chỉ chiếm một con số rất khiêm tốn là 1,8%.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu bày tỏ mong muốn, kết quả có được từ Hội nghị sẽ tạo nên đột phá trong hợp tác du lịch giữa hai bên, qua đó góp phần củng cố quan hệ hợp tác tốt đẹp, gia tăng hiểu biết và thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và các nước GCC trong thời gian tới.
Việt Nam đang trở thành điểm đến ngày một phổ biến và hấp dẫn du khách Hồi giáo từ Trung Đông, Nam Á
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt cho biết, với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cùng nỗ lực và hợp tác của các cấp, các ngành và địa phương, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, ngành du lịch Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu từ đầu năm 2020 đã đẩy ngành du lịch toàn thế giới vào giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử quốc tế, chấm dứt chuỗi mười năm tăng trưởng bền vững. Ngành du lịch đã chịu thiệt hại nặng nề và rơi vào tình trạng đình trệ trong khoảng thời gian hơn hai năm.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, đối mặt trước những thách thức và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam đã chủ động, linh hoạt thích ứng, triển khai nhiều giải pháp ứng phó với đại dịch. Quyết định mở cửa lại du lịch quốc tế của Chính phủ Việt Nam từ ngày 15/3/2022 là hết sức quan trọng, đúng thời điểm, được đưa ra trên cơ sở những nền tảng vững chắc và những bài học quan trọng rút ra trong công tác phòng, chống dịch và thí điểm đón khách quốc tế. Việt Nam được Tổ chức Du lịch Thế giới ghi nhận là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên dỡ bỏ hoàn toàn các rào cản đi lại liên quan đến Covid-19.
Có thể khẳng định, ngành du lịch Việt Nam đã thành công khi mở cửa trở lại các hoạt động du lịch. Năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt. Tổng số khách du lịch nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt khách, tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng trên 21 tỷ USD.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết, theo số liệu của Tổ chức Du lịch Thế giới, trong năm 2019, du khách từ các quốc gia Hội đồng hợp tác vùng Vịnh đi du lịch nước ngoài khoảng 60 triệu lượt, chi tiêu trên 82 tỷ USD. Các nước GCC cũng được xác định là thị trường tiềm năng của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, số khách đến Việt Nam còn khá hạn chế, chỉ đạt 6.000 lượt người trong năm 2019. Con số này là quá nhỏ so với tổng số du khách từ GCC đi du lịch nước ngoài.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt khẳng định, Việt Nam đang trở thành điểm đến ngày một phổ biến và hấp dẫn du khách Hồi giáo từ Trung Đông, Nam Á với nhiều loại hình du lịch đa dạng, trong đó có du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch golf, du lịch văn hóa và du lịch mua sắm…..
"Tại Hội nghị này, với kỳ vọng đây sẽ là cầu nối cho các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, các hãng hàng không giữa Việt Nam và các nước thành viên GCC để củng cố, tăng cường mối quan hệ hợp tác; tìm kiếm, trao đổi, kết nối các cơ hội kinh doanh mới; tạo đà cho sự phát triển của du lịch Việt Nam cũng như của các đối tác, các quốc gia tham dự Hội nghị, tôi đề nghị các diễn giả và toàn thể các quý vị đại biểu hãy tập trung đánh giá, phân tích sức hấp dẫn của điểm đến Việt Nam với các nước thành viên GCC, cũng như sức hấp dẫn của các nước thành viên GCC với Việt Nam; cùng đó, phân tích thực trạng và thảo luận định hướng, đề xuất các kiến nghị, giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác về du lịch giữa Việt Nam và các nước GCC", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tại Hội nghị đã diễn ra hai phiên thảo luận với chủ đề "Tiềm năng thúc đẩy hợp tác du lịch Việt Nam – GCC" và "Khai thác hiệu quả tiềm năng hợp tác du lịch Việt Nam – GCC: Định hướng và giải pháp".
Các đại biểu đã đề xuất nhiều sáng kiến cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác du lịch giữa Việt Nam và các nước GCC, trong đó có việc tăng cường tần suất và hiệu quả các hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam tại khu vực, xây dựng các gói dịch vụ du lịch phù hợp với tiêu chuẩn Hồi giáo Halal, gia tăng các đường bay trực tiếp giữa giữa hai bên, đa dạng hóa hình thức vận chuyển khách như đường hàng không, đường thuỷ, chuẩn bị nguồn nhân lực thông thạo về ngôn ngữ, văn hóa Hồi giáo, đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực…
Các đại biểu cũng nhất trí cho rằng việc tăng cường hợp tác du lịch còn góp phần mở ra cơ hội hợp tác trên các lĩnh vực thương mại và đầu tư.
Thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, giao lưu văn hóa, trao đổi nhân dân
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định khu vực Trung Đông là thị trường khách du lịch rất tiềm năng của Việt Nam, cần tập trung hướng tới.
Khai thác thị trường Trung Đông sẽ tạo cơ hội cho du lịch Việt Nam tiếp cận với thị trường du lịch hồi giáo rộng lớn ở Nam Á và Tây Á. Khu vực Trung Đông bao gồm 17 nước, với dân số hơn 450 triệu người, trong đó GCC bao gồm 6 nước với dân số 54 triệu người. Lượng khách outbound của thị trường Trung Đông lên tới trên 70 triệu lượt, trong đó thị trưởng gửi khách lớn nhất là Ả Rập Xê Út, chiếm 30% tổng lượng khách trong khu vực.
Đây là các thị trường khách có chỉ tiêu cao, thời gian lưu trú tương đối dài. 40 đến 60% khách từ GCC di chuyển bằng hạng thương gia, sản phẩm du lịch ưa thích là nghỉ dưỡng, khám phá văn hóa, di sản...
Tổng Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, Hội nghị lần này với 10 bài tham luận, các ý kiến trao đổi, thảo luận đã một lần nữa khẳng định tiềm năng, khả năng hợp tác phát triển du lịch giữa Việt Nam và các nước GCC. Bên cạnh đó, các ý kiến cũng cho thấy hợp tác du lịch, đặc biệt là trao đổi khách giữa hai bên vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế.
Thời gian tới để có thể hiện thực hóa các định hướng chiến lược phát triển du lịch cũng như mong muốn của các bên, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đưa ra 5 đề xuất cụ thể.
Trong đó, Bộ Ngoại giao cần chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành đề xuất những chính sách cụ thể, tạo điều kiện, cơ chế tạo điều kiện hơn nữa thu hút các nhà đầu tư khách du lịch từ thị trường GCC nói riêng và Trung Đông nói chung; phát huy hiệu quả liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác công - tư hướng tới khai thác, phát triển thị trường tiềm năng này.
Bộ Ngoại giao, đặc biệt là cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước GCC tiếp tục hỗ trợ để có thêm thông tin về thị trường khách, các nhu cầu, xu hướng và cách thức để có thể khai thác, phục vụ hiệu quả hơn thị trường khách tiềm năng này; tạo điều kiện để các địa phương, doanh nghiệp du lịch Việt Nam kết nối với thị trường, với các doanh nghiệp đối tác ở các nước GCC. Các Bộ, ngành liên quan quan tâm thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, giao lưu văn hóa, trao đổi nhân dân cũng như kết nối hàng không thuận lợi giữa Việt Nam và các nước GCC.
Tổng cục Du lịch cũng sẽ trao đổi, đề xuất để có những kế hoạch cũng như nguồn lực để có nhiều hơn các hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá, giới thiệu du lịch Việt Nam nhiều hơn. Đẩy mạnh dầu tư cho hoạt động marketing điện tử trong phát triển thị trường, xúc tiến thông qua các kênh quảng bá trực tuyến, mạng xã hội...
Bên cạnh đó, để tăng cường trao đổi khách hai chiều, bên cạnh việc thu hút khách outbound từ thị trường Trung Đông, GCC, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề nghị các doanh nghiệp du lịch của các nước GCC cần có kế hoạch đầu tư nghiên cứu thị hiếu, tâm lý khách Việt Nam để xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp trong bối cảnh đất nước có nhiều quy định chặt chẽ về tôn giáo, tín ngưỡng, khác biệt lớn về văn hóa...
"Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước GCC, các đối tác để thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch hai chiều giữa Việt Nam - các nước GCC nói riêng và thị trường khách du lịch khu vực Trung Đông nói chung trong thời gian tới, từng bước cụ thể hóa định hướng của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt", ông Nguyễn Trùng Khánh phát biểu.