Tăng cường, đẩy mạnh “văn hoá đọc” ở các khu công nghiệp, khu chế xuất
11/05/2018 | 08:51Hiện nay ở nước ta, trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã xuất hiện rất nhiều khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX). Vì thế quan tâm đến đời sống tinh thần cho cán bộ, công nhân lao động ở các KCN-KCX, trong đó có việc góp phần nâng cao văn hóa đọc đã trở thành một trong những mục tiêu của các doanh nghiệp, chính quyền địa phương và của toàn xã hội.
Những năm vừa qua, do có điều kiện đi công tác ở nhiều địa phương trong cả nước; tôi nhận thấy việc đọc sách báo ở cộng đồng, khu dân cư, kể cả ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi cũng đã được Đảng và Chính phủ ta quan tâm, chú trọng. Các thư viện tỉnh, thư viện huyện, thư viện xã, tủ sách thôn, làng ... đã có nhiều cố gắng, nỗ lực đưa sách báo và thông tin, tri thức tới người dân. Hàng ngày, hàng tuần, bạn đọc đến thư viện để mượn, đọc, tra cứu thông tin qua mạng Internet. Lượng thẻ đọc của CB-CNVCLĐ ở các địa phương trong cả nước (trong đó có cả ở các KCN-KCX) bình quân hằng năm chiếm từ 18%-25% tổng số thẻ đọc ở các thư viện công cộng. Tỉ lệ này cho thấy một điều rất đáng mừng là ngoài công việc hằng ngày, số lượng cán bộ, công nhân viên, lao động quan tâm tới đọc sách, báo, tìm kiếm tri thức và thông tin, phục vụ cho nhu cầu giải trí, học tập, thi cử, công tác ....là khá đông.
Điều đáng nói nữa là: do đặc thù của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tình hình nước ta hiện nay đã thành lập các KCN, KCX ngày càng nhiều và đa dạng, nhằm mục đích là phát triển kinh tế trên địa bàn và đóng góp vào nền kinh tế đất nước nên ở một số tỉnh, thành phố ở nước ta đã bước đầu có sự quan tâm cho đời sống văn hóa tinh thần, trong đó có “văn hóa đọc” và sách, báo cho cán bộ, công nhân lao động… tập trung ở các nhà văn hóa, khu vui chơi, giải trí cho công nhân, người lao động sau những giờ làm việc căng thẳng và mệt mỏi. Xin nêu vài ví dụ để minh họa:
1. Ngày 18/5/2017, được sự quan tâm của Đảng ủy, Ban lãnh đạo cơ quan; Công đoàn Tổng Công ty May 10 đã khánh thành “Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân”- đây sẽ là nơi thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa - văn nghệ, tổ chức học tập nâng cao trình độ kiến thức mọi mặt cho công nhân lao động của công ty. Hoạt động trên cũng thiết thực hướng về kỷ niệm 127 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, chào mừng Kỷ niệm 131 năm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 và “Tháng công nhân”.
Lễ cắt băng khánh thành Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân của Tổng công ty May 10 (Nguồn: Internet)
Được biết, “Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân” này được đầu tư khoảng 1 tỉ đồng, bao gồm: 3 sân cầu lông tiêu chuẩn; 1 sân chơi tổ chức sự kiện ngoài trời và hội khỏe thường kỳ; 1 thư viện gồm hơn 500 đầu sách; 1 hội trường đa năng có diện tích trên 400m2. Bên cạnh đó, Tổng Công ty đã cải tạo, nâng cấp 1 nhà ăn công nhân diện tích 600m2, trang bị các thiết bị phụ trợ tiêu chuẩn, thường xuyên tổ chức các sự kiện chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động trong Tổng Công ty.
2. Đưa sách báo đến với công nhân, người lao động: Trước đây, tại khu vui chơi, giải trí của Công ty TNHH Sanfang Việt Nam (KCN Mỹ Xuân A2, huyện Tân Thành; tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng có một tủ sách, nhưng số sách chỉ đếm trên đầu ngón tay. Từ năm 2009, qua khảo sát thực tế; Thư viện Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có kế hoạch phối hợp với Công đoàn các KCN thực hiện chương trình “Sách về với công nhân” nên tủ sách đã “đầy” lên rất nhiều và phong phú hơn với nhiều loại sách, báo. Công nhân, người lao động của công ty đã có thói quen lui tới phòng đọc tranh thủ xem hoặc mượn sách về đọc. Là doanh nghiệp 100% vốn Trung Quốc, chuyên gia công hàng giả da xuất khẩu, năm 2003, được Ban quản lý khu công nghiệp tạo điều kiện, Công ty Sanfang đã lập dự án thuê 5.000m2 đất tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2 trong vòng 70 năm để xây dựng ký túc xá, trong đó có khu vui chơi giải trí cho người lao động. Ông Dương Văn Tuấn, chủ quản nhân sự Công ty Sanfang cho biết: “Chúng tôi biết rằng, doanh nghiệp muốn sản xuất phát triển, lợi nhuận cao thì phải tạo sự gắn bó lâu dài giữa công nhân với công ty, để họ yên tâm làm việc, nâng cao năng suất sản phẩm. Không chỉ tạo nhà ở, lo cơm ăn mà công ty còn có các chính sách đãi ngộ khác nhằm thu hút và giữ chân người lao động như: tạo các sân chơi văn hóa tinh thần, thể dục thể thao cho công nhân lao động; trong đó, có việc xây dựng tủ sách, đặt mua các loại báo cần thiết cho công nhân đọc”. Tủ sách khá phong phú với rất nhiều loại sách, báo: sách văn học, sách thiếu nhi, lịch sử, xã hội…
Công nhân đang lựa chọn sách tại tủ sách ở KCN Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (Nguồn: Internet)
Ngoài ra ở các KCN-KCX ở các tỉnh phía Bắc, phía Nam của Tổ quốc cũng có một số doanh nghiệp quan tâm tổ chức Nhà Văn hóa-Thể thao, Khu vui chơi giải trí; thư viện, tủ sách cho công nhân lao động v.v….; song nhìn chung hoạt động đọc sách báo trong các KCN-KCX còn ít và chưa phổ cập thành phong trào sâu rộng trong phạm vi cả nước. Ngoài những tỉnh, thành phố chú ý quan tâm đến lĩnh vực này, còn một số chính quyền địa phương nơi sở tại và chủ đầu tư nhà máy, KCN-KCX lại chưa chú trọng đến đời sống tinh thần của người lao động nói chung, đến văn hoá đọc cho người lao động nói riêng. Trong khi đó, những vấn đề tiêu cực, tệ nạn xã hội như: Ma túy, cờ bạc, mại dâm....vẫn thường xuyên xảy ra tại các KCN, KCX cũng có một phần nguyên do là mặt bằng dân trí thấp, công nhân viên, người lao động ở những nơi đó thiếu hiểu biết về pháp luật, về kiến thức cuộc sống nói chung v.v....
Nếu thực sự chúng ta quan tâm đến văn hoá đọc; đến đời sống tinh thần cho người lao động, theo thiển ý của tôi, cũng không tốn kém gì nhiều: chỉ cần thu xếp một góc nhỏ trong các nhà máy, xí nghiệp, khu vực lao động KCN-KCX... của tỉnh hoặc địa phương, rồi đầu tư chút ít kinh phí, trang thiết bị, sách báo, máy vi tính và bố trí người phục vụ-trông nom thư viện là sẽ có điểm đọc/phòng đọc sách, nơi tra cứu thông tin thuận tiện cho mọi người. Tuy nhiên, việc này cũng rất cần sự quan tâm, phối hợp của tổ chức công đoàn địa phương. Theo tôi được biết, một số KCN, KCX có nhà đa năng cho CNLĐ, trong đó có giá để sách, báo. Như vậy cũng chưa đáp ứng được nhu cầu giải trí, tinh thần và văn hoá đọc của CNLĐ. Kể cả những nơi trang bị máy vi tính có kết nối Internet, thì cũng chỉ chủ yếu phục vụ phần nào cách “đọc nhìn”, chứ không phải là đọc để lấy thông tin và tri thức một cách bền vững và hiệu quả.
Để khắc phục tình trạng này, ở tầm vĩ mô, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần phối hợp với Bộ VHTTDL và các Bộ, ngành Trung ương xây dựng Đề án-chiến lược về tăng cường văn hoá đọc, nâng cao tri thức cho CNLĐ tại các KCN, KCX, các doanh nghiệp FDI trong cả nước (trong đó lưu ý về đầu tư kinh phí, sách báo, trang thiết bị thư viện và nguồn nhân lực- cán bộ thư viện được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thư viện tối thiểu). Đôi khi chỉ cần một vài tủ sách, giá sách nhỏ với các đầu sách về các chủng loại: khoa học, kỹ thuật, công nghệ, y tế, máy móc, an toàn vệ sinh lao động, văn học, nghệ thuật, sách thiếu nhi là chúng ta đã đáp ứng được phần nào nhu cầu đọc/mượn, tra cứu thông tin của công nhân viên, người lao động trong các KCN-KCX.
Những doanh nghiệp nào xây dựng được tủ sách/phòng đọc như vậy thì quá tốt và tôi tin công nhân viên, người lao động của chúng ta sẽ thường xuyên đến đọc (và mượn về nhà). Vì đó chính là nơi bồi dưỡng kiến thức cho người lao động, để họ làm việc tốt hơn, mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nhiệp. Đồng thời, đó cũng là cách để góp phần “tái sản xuất sức lao động” (theo biện chứng duy vật Mác-Lênin) cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên, người lao động về tinh thần. Những nơi chưa xây dựng được thư viện, tủ sách, trước mắt cần xây dựng góc đọc sách báo cho có hiệu quả, chất lượng.
Đối với những người làm công tác thư viện của Bộ VHTTDL, chúng tôi đề nghị các cơ quan hữu quan của Bộ cùng phối hợp để tư vấn, tổ chức, hỗ trợ xây dựng góc đọc, hoặc thư viện, tủ sách cho những nơi có nhu cầu (nhất là các KCN-KCX); đồng thời đề nghị Vụ Thư viện tăng cường chỉ đạo các thư viện địa phương (từ cấp tỉnh đến cấp xã...) có sự phối kết hợp, hoặc định kỳ luân chuyển sách báo có nội dung phù hợp đến với cán bộ, công nhân viên, người lao động ở các KCN-KCX trên địa bàn. Làm được như vậy, là bước đầu chúng ta đã góp phần hỗ trợ, nâng cao dân trí, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần-trong đó có “văn hóa đọc” cho công nhân viên, người lao động. Chuyến đi thực tế tại Hàn Quốc vừa qua, đã cho chúng tôi thấy có những doanh nghiệp, đơn vị của họ đầu tư cho thư viện rất lớn, với nhiều trang thiết bị hiện đại, sách báo phong phú, đầy đủ để phục vụ tốt nhu cầu đọc của công nhân viên, người lao động (kể cả phục vụ thư viện truyền thống lẫn hiện đại).
Họ làm như vậy vì hiểu rằng đọc sách báo, tìm kiếm thông tin và tri thức có thể không mang lại hiệu quả, lợi ích kinh tế ngay tức thì, trước mắt; nhưng nó sẽ mang lại tính bền vững và hiệu quả trong tương lai - nhất là trong thời đại toàn cầu hoá và nền kinh tế tri thức đã và đang có tác động tích cực và vô cùng to lớn vào mọi mặt đời sống xã hội ngày hôm nay./.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Giới - Chủ tịch Hội thư viện Việt Nam