Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, lễ hội
03/02/2022 | 13:43Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán, bảo đảm phục vụ nhân dân tham gia lễ hội an toàn, phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc và tình hình dịch bệnh COVID-19 của từng địa phương.
Với người Việt, mùa xuân cũng đồng nghĩa với mùa lễ hội. Vì thế, hằng năm, cứ mỗi độ tết đến, xuân về, các lễ hội lại diễn ra khắp nơi, từ đô thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến vùng núi cao. Và, từ lâu lễ hội đầu xuân đã được xem là nét văn hóa truyền thống đáng quý của dân tộc Việt Nam, trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa cộng đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hai năm qua, nhiều lễ hội đã phải tạm dừng, thu nhỏ quy mô hoạt động.
Thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) đã có những biện pháp gì để hướng dẫn các địa phương trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội, vừa đảm bảo cho nhân dân vui xuân vừa đảm bảo phòng, chống dịch bệnh. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở để làm rõ hơn về vấn đề này.
Thưa bà, năm 2021 là năm khó khăn của cả nước bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong bối cảnh đó, công tác quản lý nhà nước về tổ chức lễ hội, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở có gặp những khó khăn gì?
- Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp đã gây nhiều trở ngại, khó khăn cho cả nước nói chung và hoạt động văn hóa cơ sở nói riêng. Các sự kiện, ngày lễ kỷ niệm, hoạt động văn hóa, hoạt động lễ hội tiếp tục dừng tổ chức, các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, khu vui chơi giải trí phải tạm ngừng hoạt động…
Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở cũng như tổ chức lễ hội luôn được chú trọng. Đặc biệt trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn địa phương về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, có nhiều sáng tạo chuyển đổi ứng dụng những hình thức phù hợp trong từng thời điểm để đạt mục tiêu kép vừa hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền, vừa phòng chống dịch an toàn; công tác tham mưu, xây dựng và ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động Văn hóa cơ sở được quan tâm, chú trọng, tích cực, chủ động rà soát, phối hợp với các cơ quan có liên quan kịp thời tham mưu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn trong lĩnh vực văn hóa cơ sở.
Tham mưu ban hành văn bản phù hợp tình hình thực tiễn, tạo sự thống nhất về tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các đơn vị sự nghiệp ở địa phương sau khi hợp nhất, xây dựng quy định về cơ cấu tổ chức của Trung tâm Văn hóa cấp tỉnh; Tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương khai thác và nâng cao hiệu quả hoạt động tại hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở các cấp và Hướng dẫn đối với hoạt động văn hóa phục vụ nhiệm vụ chính trị, hoạt động triển lãm, tổ chức ngày kỷ niệm, ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng, hoạt động lễ hội theo từng cấp độ dịch trên tinh thần thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19"; tham mưu Lãnh đạo Bộ công tác phối hợp với các Ban, Bộ, Ngành trong việc tuyên truyền và triển khai các nhiệm vụ cụ thể hóa các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình, như Chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2026 giữa Bộ VHTTDL và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ứng dụng chuyển đổi số thông qua Đề án Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
Chỉ đạo, hướng dẫn địa phương trong công tác xây dựng quy hoạch quảng cáo ngoài trời; Triển khai các giải pháp thực hiện có hiệu quả Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa", "Thôn văn hóa", "Làng văn hóa", "Ấp văn hóa", "Bản văn hóa", "Tổ dân phố văn hóa" nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng bình xét các danh hiệu văn hóa; Yêu cầu kiểm soát, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo thực phẩm; Hướng dẫn hoạt động văn nghệ quần chúng trong Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ và mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy phép kinh doanh karaoke, lệ phí cấp giấy phép kinh doanh vũ trường theo Thông tư số 01/2021/TT-BTC ngày 07/01/2021 của Bộ Tài chính…
Đồng thời triển khai có hiệu quả các hoạt động tuyên tuyền các ngày lễ lớn và sự kiện quan trọng của đất nước năm 2021 tại địa phương, như: Triển lãm tranh cổ động tấm lớn tuyên truyền Đại hội lần thứ XIII của Đảng tại Bình Định; Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại tỉnh Bình Phước, Đắk Nông, Vĩnh Phúc và trao giải tại thành phố Hải Phòng; Phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh An Giang, Bình Thuận, Nam Định, Đắk Nông; kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911-05/6/2021) tại Bình Thuận; 75 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-19/12/2021) tại thị xã Sơn Tây, tỉnh Hải Dương, Nghệ An và thành phố Hải Phòng; Tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội tại tỉnh Hòa Bình, An Giang, Kon Tum, Hà Nam; Xây dựng cụm pa nô cổ động tuyên truyền tại các cửa khẩu quốc tế đường bộ tại tỉnh Kon Tum, Nghệ An; Ấn hành đĩa, mẫu tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, 75 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến và gửi 40.000 tranh cổ động tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 đến các địa phương, cơ sở, trong đó có 20.000 tranh gửi UBND các quận huyện, xã, phường thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng...
Trong năm 2020-2021, nhiều địa phương trên cả nước đã tạm dừng tổ chức các lễ hội để phòng, chống dịch COVID-19, theo bà, điều này có ảnh hưởng nhiều đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân không?
- Dịch Covid-19 tác động rất mạnh, thậm chí là nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Việc dừng tổ chức các hoạt động lễ hội, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ đã ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thực hiện các mục tiêu, kết quả hoạt động của ngành và nhu cầu tham gia lễ hội, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí của nhân dân. Tuy nhiên, việc tạm dừng tổ chức các lễ hội vẫn đảm bảo nhu cầu tâm linh của người dân, bởi chỉ dừng tổ chức các hoạt động hội tập trung đông người, còn phần nghi lễ vẫn được tổ chức theo nghi lễ truyền thống với đại diện cộng đồng tham gia. Quan trọng nhất là nhờ công tác tuyên truyền được thực hiện đồng bộ, sâu rộng, nên ý thức tự giác và tính chủ động của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh được nâng cao.
Bà đánh giá như thế nào về sự vào cuộc của các địa phương trong việc quản lý, tổ chức lễ hội trong năm 2021?
- Năm 2021, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan ban, ngành tại địa phương nghiêm túc triển khai quy trình phòng chống dịch Covid-19 trong tổ chức lễ hội theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành. Đồng thời đã chỉ đạo các Ban tổ chức lễ hội áp dụng quy trình phòng chống dịch Covid-19 theo nội dung các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Tổ chức tốt các phương án về đảm bảo an ninh, an toàn cho người tham gia lễ hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh trên các panô, bảng hướng dẫn, tờ rơi, loa phát thanh... cho nhân dân tại các địa điểm tổ chức lễ hội. Thực hiện biện pháp tạm ngưng tổ chức lễ hội theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội trong trường hợp dịch bệnh bùng phát, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Các địa phương cũng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác tổ chức lễ hội.
Năm 2022, thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cục Văn hóa cơ sở đã có những biện pháp gì để hướng dẫn các địa phương trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội, vừa đảm bảo cho nhân dân vui xuân vừa đảm bảo phòng, chống dịch bệnh?
- Để tiếp tục thực hiện nghiêm các yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đồng thời nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2022, Cục Văn hóa cơ sở đã tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành văn bản:
Văn bản số 3862/HD-BVHTTDL ngày 18 tháng 10 năm 2021 hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
Văn bản số 58/BVHTTDL-VHCS ngày 07 tháng 01 năm 2021 về tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch; Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định việc tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và hoạt động bắn pháo hoa nổ trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán; đảm bảo phục vụ nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của dân tộc và tình hình dịch bệnh COVID-19 của từng địa phương.
Trên thực tế, việc dừng, giảm quy mô tổ chức lễ hội ở một số địa phương đã thực hiện rất tốt, song những hoạt động mê tín, dị đoan như bói toán, trò chơi cờ bạc trá hình, đốt nhiều vàng mã… ở một số nơi vẫn khó kiểm soát. Theo bà, cần những giải pháp gì để hạn chế những vấn nạn này?
- Nhằm đảm bảo an toàn, văn minh cho du khách tham dự các hoạt động lễ hội, các địa phương cần triển khai một số nội dung sau:
Một là: Thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Đảng và các quy định của Nhà nước: Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 08/12/2021 của Ban Bí thư về việc tổ chức tết Nhâm Dần 2022; Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Công văn số 58/BVHTTDL-VHCS ngày 07/01/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo đón tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội và các văn bản chỉ đạo khác của Trung ương về công tác quản lý, tổ chức lễ hội.
- Hai là: Chủ động hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch trong tổ chức hoạt động lễ hội nhằm đảm bảo phù hợp với quy định của ngành y tế tại địa bàn theo phương châm "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".
- Ba là: Đẩy mạnh tuyên truyền trực quan giới thiệu nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống. Vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội trong năm 2022 nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của cấp trên.
- Bốn là: Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán, bảo đảm phục vụ nhân dân tham gia lễ hội an toàn, phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc và tình hình dịch bệnh COVID-19 của từng địa phương.
Xin trân trọng cảm ơn bà!