Tâm thức văn hóa dân tộc với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay
25/11/2021 | 10:30Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”… Vấn đề cần khẳng định ở đây là định hướng chiến lược mang tính tâm thức đó không chỉ cho giai đoạn trong kháng chiến, kiến quốc thời chiến tranh mà còn là điều kiện nền tảng cho quá trình gia tốc phát triển và phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh hiện nay.
“Định hướng xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam về thực chất là “định hướng văn hóa” theo ý nghĩa toàn vẹn nhất
Định hướng phát triển đất nước giai đoạn trước mắt (đến 2030) có một mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (NQ Đại hội XIII) đó là: “Tập trung kiểm soát đại dịch Covid-19…; phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế”. Chắc chắn đây là việc không đơn giản và có thể cũng là một trong những nhiệm vụ mang tính thường trực, lâu dài… Trên thực tế thời gian qua với tình nghĩa “đồng bào” để huy động mọi lực lượng cùng nhau “Chống dịch như chống giặc” và cùng chia sẻ, đùm bọc nhau lúc khó khăn… tất cả đều cũng đã có liên quan đến tâm thức văn hóa dân tộc và điều ấy sẽ cần thiết phải được tiếp tục phát huy. Nhưng, bên cạnh đó vẫn còn có những việc lớn mang tính chất những giải pháp căn cơ, trong đó chắc chắn càng đòi hỏi phải có vai trò của tâm thức văn hóa dân tộc.
Theo tinh thần chung của NQ Đại hội XIII, một mục tiêu định hướng lớn được đặt ra đó là “nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; không ngừng gia tăng tiềm lực mọi mặt của quốc gia, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và những thành quả phát triển đã đạt được; đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững…”. Một giải pháp quan trọng cho định hướng trên được xác định là: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, môi trường...” nhằm “Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân” và quan trọng hơn là “nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”… Tương tự những định hướng như vậy, tâm thức văn hóa dân tộc có vai trò quan trọng với tư cách là yếu tố tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững đối với những mục tiêu mang tính chiến lược lâu bền vừa góp phần giải quyết triệt để những thử thách gay gắt đang và sẽ đặt ra.
Trong ba giá trị “Chân - Thiện - Mỹ” liên quan tâm thức văn hóa dân tộc Việt Nam như đã nói, cái “chân thật” (Chân) vẫn luôn là một định hướng đầu tiên và cao nhất, đòi hỏi tất cả phải đi vào thực chất, thực tế, tức không chấp nhận mọi thứ “giả ngụy” dù dưới bất cứ hình thức gì. Không phải ngẫu nhiên mà trong ngôn ngữ tiếng Việt đời thường cũng như trong văn học dân gian từ lâu đời, tần suất chữ “ăn” xuất hiện thường xuyên và “làm ăn” như là một khái niệm mang hàm ý đặc biệt về nhiều mặt xã hội. Khái niệm đó khẳng định rằng cuộc đời thật là “làm” để “ăn” (chứ không “làm” chỉ vì “công việc” nhiêu khê, vất vả mà không được “ăn”). Khái niệm “ăn” ở đây như vậy khẳng định về một sự thật mang tính chân lý khách quan trong đời sống thực mà thực tế ngày xưa bất cứ chế độ thịnh trị nào dù trong xã hội phong kiến cũng vẫn là việc lo cho dân “no cơm, ấm áo”; ngay sau khi Cách mạng tháng Tám vừa thành công ngày 2.9.1945, chính phủ cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã phải đề ra nhiệm vụ cấp bách nhằm diệt ba thứ giặc, trong đó “giặc đói” là đầu tiên, trước khi nói đến “giặc dốt” và “giặc ngoại xâm”… Nhưng cái “ăn” ở đây hoàn toàn không phải là cái ăn thực dụng, bởi cũng chính người Việt vẫn thường nói với nhau và vẫn dạy con cháu rằng “có đức mặc sức mà ăn” tức ngay trong tâm thức văn hóa dân tộc Việt Nam đã hàm chứa tinh thần đạo lý cả trong “làm” lẫn “ăn” để cái “làm” đó có hiệu quả và cái “ăn” ấy được luôn bền vững. Điều đó dẫn đến một định hướng nhận thức chung nhất: Văn hóa không thể và không phải là khái niệm sách vở, càng không phải chỉ là khẩu hiệu hô hào suông: Văn hóa đó là “SỐNG” thực, một “Cuộc sống toàn vẹn” trong Đời thực với Điều kiện sống thật, Hạnh phúc thật…
Từ nhận thức nền tảng trên, với khẩu hiệu chiến lược “Dân giàu, nước mạnh”, NQ Đại hội XIII đã đưa ra những mục tiêu giải pháp lớn: “Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” theo mục tiêu “phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập; phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các khu vực, các vùng, các thành phần kinh tế”. Mục tiêu và định hướng đó nếu được nhìn từ bản thể văn hóa dân tộc chắc chắn sẽ không thể được giải quyết tốt nếu chỉ là những giải pháp kinh tế đơn thuần. Không phải ngẫu nhiên mà qua các NQ chung hoặc chuyên đề, Đảng đã khẳng định “Văn hóa vừa là mục tiêu vừa là nền tảng” của mọi sự phát triển kinh tế - xã hội… Chắc chắn “Dân giàu” ở đây không phải chỉ bằng kinh tế và về kinh tế, tức cái giàu của kẻ “trọc phú”, trưởng giả nhưng lại thiếu văn hóa (trong kinh doanh làm ăn cũng như trong cuộc sống, trong quan hệ xã hội…) và như thế chắc chắn không thể có “Nước mạnh” đúng nghĩa! Do vậy, từ tâm thức văn hóa dân tộc, chúng ta có thể khẳng định rằng kinh tế thị trường theo “định hướng xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam về thực chất đó chính là và cần phải là “định hướng văn hóa” theo ý nghĩa toàn vẹn nhất…
Tâm thức văn hóa dân tộc phải được củng cố như là một “ngọn đuốc thiêng”
Từ trong sâu thẳm tâm thức dân tộc: “Con Rồng cháu Tiên” cùng sinh ra trong một bọc (đồng bào) không chỉ là một hình tượng đẹp đẽ mà đã trở thành là một biểu tượng thiêng liêng gợi mở về nguyên lý sống còn ngàn đời của toàn dân tộc, đó là “Nguyên lý Mẹ – Con”. Đức cao nhất của “Mẹ” là lòng nhân hậu, tình thương yêu bao la đối với “Con” nên chỉ có “Thương mà nuôi ròng” (nuôi vô điều kiện, chỉ vì tình thương chân thành). Hơn nữa, “Mẹ” là sự hóa thân liên tục để “Mẹ” thành “Con”, trong “Con” luôn có “Mẹ”, đó chính là con đường để “Những giá trị liên tục” (Les valeus continues) một thành ngữ tiếng Pháp nói về bản chất của sự tồn tại, phát triển của văn hóa nói chung, ở đây là sự truyền đời của tâm thức văn hóa dân tộc Việt Nam nói riêng. Từ hình ảnh người mẹ trong đời thường cho đến mẹ quê hương, đất nước, mẹ Tổ quốc… đối với người Việt Nam quả thực là một giá trị thiêng liêng mà những gì đại diện cho giá trị đó đều không thể khác, lúc nào cũng được xem và đòi hỏi phải là có chất lượng tương xứng ngang tầm. Từ đó mối quan hệ của nhà nước đối với Nhân dân xưa cũng như nay đều có yêu cầu mang tính lịch sử và văn hóa theo hướng như vậy. Nếu dân là “cha mẹ” (phụ mẫu chi dân) hoặc nếu vua quan xưa, chính quyền nay là người có trọng trách đối với mọi “con dân” thì nguyên lý “Mẹ – Con” như đã nói vẫn luôn có ý nghĩa lớn theo đạo lý “hiếu với dân” hoặc “phục vụ Nhân dân” đều phải là bằng tấm lòng chân thực “Thương mà nuôi ròng”… Điều đó có nghĩa rằng mọi thứ ý thức hệ cùng với lòng tư hữu, óc tư biện theo những tôn ti trật tự của quyền lực xã hội (cả thế quyền lẫn thần quyền) cũng như các thứ danh lợi đều có thể làm hạn chế, thậm chí đánh mất “Nguyên lý Mẹ – Con” thiêng liêng! Theo ý nghĩa đó, mục đích “Trị” (để chống cái “Loạn”) của Nhà nước pháp quyền cùng với khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” chỉ có ý nghĩa đầy đủ và phát huy tác dụng thực tế khi nó kết hợp với “Đức trị” liên tục tức lấy văn hóa làm cái gốc như đã đề cập, bắt đầu và cao nhất, quyết định nhất vẫn chính là “Thương” và “Nuôi” liên tục theo “Nguyên lý Mẹ – Con” như đã nói. Cũng từ đó, “Đức sống thật” như đã đề cập ở trên phải được thể hiện rõ ràng không chỉ trong hành vi, thái độ ứng xử mà còn là trong tâm thức gắn với mọi hoạt động sống của toàn dân tộc, trước hết là ở lực lượng lãnh đạo, quản lý xã hội. Theo hướng đó, đã đến lúc khẩu hiệu “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau về văn hóa” trở thành vô cùng quan trọng và có ý nghĩa sâu sắc đối với đại cuộc đất nước trong tình hình mới hiện nay. Cũng nhìn từ tâm thức, nếu hồn dân tộc, khí thiêng sông núi ở trong lòng dân, lòng người thì “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội” theo tinh thần của NQ Đại hội XIII như vậy phải bắt đầu và cuối cùng chính là sự lắng nghe và hiểu được “tiếng lòng” mọi tầng lớp Nhân dân của những người lãnh đạo, quản lý, của toàn bộ tổ chức Đảng, chính quyền…
Ngay những ngày đầu chống thực dân đế quốc để giành độc lập tự do cho Tổ quốc, bằng dự cảm của nhà lãnh tụ cách mạng về sau được phong tặng không chỉ là “Anh hùng giải phóng dân tộc” mà còn là “Nhà văn hóa lớn của thế giới”, từ tâm thức văn hóa dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”… Vấn đề cần khẳng định ở đây là định hướng chiến lược mang tính tâm thức đó không chỉ cho giai đoạn trong kháng chiến, kiến quốc thời chiến tranh mà còn là điều kiện nền tảng cho quá trình gia tốc phát triển và phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh hiện nay. Qua thực tế cho thấy, vấn đề xây dựng nhân cách văn hóa con người, gầy dựng nền tảng dân chủ trong cộng đồng, bảo tồn và phát huy truyền thống dân tộc trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hóa, công nghiệp hóa – hiện đại hóa với bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0… tất cả đều cần đặt ra vấn đề tâm thức văn hóa dân tộc phải được củng cố như là một “ngọn đuốc thiêng” không chỉ vừa góp phần luôn làm sáng tâm, sáng lòng, sáng mắt mọi người trên con đường đi tới mà còn vừa có thể trở thành là một “lực điều chỉnh” tích cực và cần thiết đối với mọi nỗ lực cách mạng giai đoạn hiện nay.