Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tái hiện trích đoạn Lễ Bỏ mả của dân tộc Raglai tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

01/06/2017 | 15:54

Ngày 25/6, cộng đồng dân tộc Raglai đến từ tỉnh Ninh Thuận sẽ tái hiện trích đoạn Lễ Bỏ mả của dân tộc Raglai của dân tộc mình, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Các thầy cúng mời người đã khuất về nhận lễ vật trong lễ bỏ mả. Ảnh: baoninhthuan.com.vn

Đây là một trong số các hoạt động được tổ chức trong Tháng 6 - Tháng với chủ đề “Thiếu nhi với văn hóa truyền thống các dân tộc” tại Ngôi nhà chung.

Lễ bỏ mả có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của tộc người Raglai ở Ninh Thuận, với mục đích tiễn đưa người chết về “thế giới bên kia”. Đồng thời “giải thoát” hoàn toàn mọi sự ràng buộc của người sống đối với người chết.

Đồng bào Raglai cho rằng chưa làm lễ bỏ mả là chưa cắt đứt mối quan hệ linh hồn giữa người chết với người còn sống. Vì thế, trong suốt thời gian này, người nhà phải qua lại thăm viếng, tiếp tế thức ăn, vật dụng cho người đã khuất. Chỉ khi nào làm lễ bỏ mả thì linh hồn người chết mới được siêu thoát và đi về thế giới của ông bà tổ tiên. Sau lễ cúng bỏ mả coi như hết tang, người chồng hoặc người vợ được người quá cố cho phép đi bước nữa để thực hiện cuộc sống tự do của mình. Lễ hội bỏ mả được coi là một lễ hội lớn của gia đình, cộng đồng, một ngày vui thực sự của người sống và của cả người chết. Trong lễ bỏ mả có đánh mã la, đâm trâu, múa hát, uống rượu cần mừng cho linh hồn người chết được siêu thoát.

Lễ bỏ mả thường được tổ chức vào khoảng tháng ba, tháng tư dương lịch, thời điểm chuyển từ mùa nắng sang mùa mưa. Thời gian tổ chức thường là 3- 5 ngày bao gồm nhiều công việc được tiến hành với nhiều lễ thức. Có một số lễ thức khác nhau do quy mô của lễ thuộc đám lớn hay đám nhỏ, tùy theo điều kiện kinh tế của gia đình, dòng tộc của người chết và cũng tùy theo phong tục địa phương.

Sau lễ bỏ mả, linh hồn người chết hoàn toàn tách khỏi mọi ràng buộc của người sống, người chết thực sự đi đến "quê hương mới" của mình. Còn người sống được "giải phóng" thoát khỏi mọi liên hệ với người chết. Nói cách khác, lúc này người chết chuyển sang trạng thái sống khác, không liên hệ gì với người thân nữa. Do vậy người Raglai không có tục thờ cúng giỗ chạp hay làm bàn thờ người chết sau lễ bỏ mả. Đặc biệt, trong lúc sống dù có hiền lành hay hung dữ, thật thà hay gian ngoa hoặc sống không phải đạo làm người với dân làng, với cha mẹ, vợ chồng, anh em trong gia đình thì khi chết đều được làm lễ bỏ mả chu đáo. Đây chính là tính nhân văn độc đáo trong một lễ hội mang đậm nét truyền thống của tộc người Raglai.

Lễ bỏ mả của người Raglai thể hiện tình cảm, trách nhiệm của người sống đối với người chết. Đồng thời còn là dịp thể hiện sự đền ơn đáp nghĩa công lao ông bà, báo hiếu cha mẹ và còn biểu hiện tình làng nghĩa xóm gắn kết bền chặt, thể hiện văn hóa ứng xử giữa con người với con người./.

Lan Phạm

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×