Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tái hiện Tết Nào Pê Chầu của dân tộc Mông tại “Ngôi nhà chung”

16/01/2017 | 16:10

Ngày 05/2 (tức Mùng 9 Tết), tại Làng dân tộc Mông, Khu các làng dân tộc I- Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), trong khuôn khổ Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền tổ quốc”, đồng bào dân tộc Mông sẽ tái hiện Tết Nào Pê Chầu.


Thổi kèn, hát ống, kéo nhị.... là các trò chơi, văn nghệ gắn liền với Tết cổ truyền Nào pê Chầu của người Mông. Ảnh: vinaculto

Nghi thức quan trọng nhất trong Tết Nào Pê Chầu là lễ “Lập và thay bàn thờ xử ca”. Theo quan niệm của người Mông đen, xử ca là ma có vị trí quan trọng trong hệ thống ma nhà của người Mông, đó là ma có nhiệm vụ cai quản của cải, tiền bạc, phù hộ độ trì cho gia đình làm ăn phát đạt.

Đồng bào đi lấy nước đầu năm mới, mang theo thẻ hương, một tập giấy dó và xô đi về phía đầu nguồn nước. Đến nơi, đồng bào thắp hương và đốt tiền âm phủ khấn cầu xin tiền lộc và xin lấy nước về nấu bữa sáng đầu năm mới. Sau khi đưa nước về nhà, đồng bào sẽ cân lên so sánh với xô nước năm cũ, nếu tươi hơn nước năm cũ thì năm đó gia đình làm ăn phát đạt, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, kết thúc là “lễ hạ mâm”. Đó cũng là lúc báo hiệu Tết đã hết, mọi người lại cùng nhau bắt tay vào công việc lao động, sản xuất.

Sau phần lễ, phần hội diễn ra trong bầu không khí vui tươi, đầm ấm với các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống dân tộc: Hát giao duyên, múa khèn truyền thống, ném pao, tù lu, bắn nỏ... thu hút đồng bào các dân tộc tham gia.

Tết Nào Pê Chầu của bà con dân tộc Mông thường được tổ chức từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau. Đây là khoảng thời gian nghỉ ngơi, đoàn tụ gia đình, thôn, bản để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm sau một năm lao động sản xuất, tô đậm tình đoàn kết trong cộng đồng, là dịp để các gia đình thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên, trời đất đã phù hộ cho mùa màng bội thu, con cháu có sức khỏe, cuộc sống bình yên, qua đó cầu mong năm mới cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong ngày tết, sau bữa rượu mừng và chúc nhau những lời đầy ý nghĩa tốt đẹp, bà con và đặc biệt trai gái sẽ tham gia vui xuân, thổi khèn hay kèn lá, ném pao, chơi tù lu và các hoạt động văn nghệ, thể thao khác. Đây cũng là dịp để nhiều thanh niên nam nữ trong ngoài bản tìm hiểu nhau để tiến tới kết duyên vợ chồng./.

Lan Anh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×