Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tái hiện lễ “Xên lẩu nó” của đồng bào dân tộc Thái, Sơn La

24/03/2018 | 16:05

Trong chuỗi các hoạt động Tháng 3 chủ đề “Thanh niên và đồng bào dân tộc với biển đảo quê hương”, sáng ngày 24/3, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, đồng bào dân tộc Thái (Sơn La) đã tái hiện lễ “Xên lẩu nó”.

Đồ cúng được bày trong lễ "Xên lẩu nó".

Tháng 3 hoa ban bung nở, măng đắng mọc, tiết trời ấm áp, bà con bản mường tạm gác lại công việc đồng áng, đắm mình trong trời xuân tổ chức lễ hội “Xên lẩu nó”, nhằm để cảm tạ tổ tiên, thần sông, thần núi, thần thổ địa… đã giúp con người sống ở trần gian duy trì cuộc sống, đoàn kết dân tộc, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Đây cũng là dịp các con nuôi ở mường trên, bản dưới về tạ ơn “Ông Một” đã chữa bệnh cứu người, mang lại hạnh phúc cho mọi nhà.

Từ sáng sớm những người được ông Một chữa khỏi bệnh và coi là con nuôi, khắp bản trên, mường dưới trên vai mang gùi gạo, con gà… đổ về nhà ông Một để chuẩn bị làm lễ. Mọi người không kể già trẻ, gái trai, chung tay thu dọn nhà cửa, đưa chăn đệm lên cao, cùng nhau dựng cây Xăng bó (giàn hoa). Cây Xăng bók được dựng trên sàn ngôi nhà cao, cao gần 3m kết từ các loại cây quen thuộc và gần gũi với đời sống của người dân bản như: Cây mía, cây móc, cây chuối đã trổ buồng… cùng với hoa ban, hoa Píp. Trên cây còn treo thêm các “ngân nga” tượng trưng như vòng bạc làm từ các lạt tre cuộn tròn móc vào nhau thành dây dài cùng các hộp hình vuông kết từ các loại chỉ màu tượng trưng cho mặt trời. Dưới cây Xăng bók là bình rượu cần, hoa chuối…

Ông Một thực hiện nghi lễ cúng.

Tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, đồng bào Thái đã tái hiện lễ “Xên lẩu nó” với các lễ sau: Lễ “Tam phí hươn” (lễ cúng tổ tiên); Lễ cúng “đông tu xửa”; Lễ “Tam khuốn lụk liệng” (lễ cúng các con nuôi); Lễ “xống một” (Lễ tiễn đưa các thần linh về) lễ này ông lại trở về cúng tại mâm “Pan cai”.

Lễ hội cũng là dịp đồng bào tham gia sáng tạo các hoạt động văn hoá cộng đồng, họ tự nguyện quyên góp các dụng cụ, đạo cụ, lương thực, thực phẩm, công sức để tổ chức lễ hội, nhằm tăng cường đoàn kết, giữa các gia đình, các dòng họ, các bản, các mường. Họ được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, nuôi dạy con cái và động viên nhau xây dựng bản mường ngày một ấm no, hạnh phúc hơn.

Bà con vui hội khi kết thúc phần Lễ.

Đến Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam dịp này du khách cũng sẽ được hòa mình và các nghi lễ đặc trưng mang đậm nét văn hóa truyền thống của các dân tộc đang sinh hoạt tại Làng. Bên cạnh đó là các hoạt động giới thiệu về người phụ nữ, về hạnh phúc gia đình, dân tộc về thế hệ trẻ nhân các ngày kỷ niệm, ngày lễ của tháng; hoạt động hàng ngày, cuối tuần, hội xuân, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm và chùa Pháp Ấn... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Lan Anh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×