Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tái hiện đám cưới dân tộc Tày tại “Làng”

21/11/2016 | 11:45

Sáng 19/11, trong khuôn khổ các hoạt động Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam”, đám cưới truyền thống của dân tộc Tày (Thái nguyên) đã được chính chủ thể văn hóa tái hiện tại làng dân tộc Tày, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).


Đoàn nhà trai hát đối bước qua dây chặn để vào nhà gái. Ảnh: Thu Loan

Cưới xin là việc hệ trọng của cả đời người, vì thế, trong đám cưới truyền thống của mình, người Tày tiến hành rất cẩn thận. Theo tục lệ, cưới xin của đồng bào trải qua các bước: Lễ dạm hỏi; lễ hợp mệnh; lễ ăn hỏi và lễ cưới. Lễ nhận rể và đưa dâu là nghi lễ quan trọng trong chuỗi nghi lễ cưới hỏi của người Tày tỉnh Thái Nguyên. Trong các nghi lễ này chứa đựng những phong tục tập quán cũng như những chuẩn mực ứng xử văn hóa và vốn văn nghệ dân gian phong phú được đồng bào trao truyền qua các thế hệ và gìn giữ đến nay.

Thông qua “Lồng lảng” lễ xin dâu, nhận rể và đưa dâu do chủ thể văn hóa đến từ huyện Định Hóa, Thái Nguyên thực hiện, giới thiệu đến các đại biểu, khách tham quan một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Tày.


Cô dâu và chú rể bái lạy trước ban thờ tổ tiên nhà trai. Ảnh: Thu Loan

Bước đầu, đại diện của nhà trai và đại diện nhà gái thay mặt cho hai gia đình giao tiếp với nhau. Nhà trai đến nhà gái xin dâu gồm có “quan làng ké”, “quan làng ón”, khươi (chàng rể) và phù rể. “Quan làng ké” là người đàn ông đã đứng tuổi, có gia đình hạnh phúc, vợ con đầy đủ, tốt đẹp. Ông thay mặt nhà trai thực hiện các nghi thức cần thiết, giải quyết mọi việc thuộc về quan hệ giữa gia đình nhà trai và gia đình nhà gái. “Quan làng ón” là người đàn ông còn khá trẻ, có tài ứng đáp và ca hát. Phù rể là thanh niên chưa vợ, đi cùng chàng rể để trợ giúp chàng rể những việc cần thiết. Tương tự như vây, đại diện nhà gái gồm có “pả mẻ ké”, “pả mẻ ón”, lùa (cô dâu) và phù dâu.


Cô dâu nghẹn ngào xúc động bên cạnh mẹ của mình. Ảnh: Thu Loan

Trong đám cưới, khi thực hành các nghi tức theo phong tục, đại diện nhà trai và đại diện nhà gái “giao tiếp” với nhau bằng cách hát đối đáp. Đó là những bài thơ được diễn xướng theo một làn điệu riêng biệt trong đám cưới, có nơi gọi là “thơ lẩu” có nơi gọi là “hát quan làng” (hát đám cưới). Những lời hát chứa đựng tình cảm thương yêu của gia đình cũng như những lời dặn dò, răn dạy của cha mẹ dành cho con cái.

Dù là giới thiệu một nét văn hóa đặc sắc của người Tày với hình thức “tái hiện” nhưng được chính chủ thể văn hóa thực hiện, trong không gian đậm bản sắc dân tộc của mình, người đóng vai cô dâu là chị Nguyễn Thị Điệp đã nghẹn ngào nước mắt. Chị chia sẻ:  “Giây phút đó, khi nghe những lời hát dặn dò của người đóng vai mẹ đẻ, mình đã xúc động, sống lại cái giờ phút thiêng liêng của đời người con gái. Ngày đó, mình đi lấy chồng, cũng trong ngôi nhà sàn, mẹ cũng hát dặn dò mình và cũng từ cái giờ phút đó, cô dâu nào cũng chẳng phải rời xa gia đình mình để làm dâu nhà người, sao không khỏi nghẹn ngào…”


Đồ đạc của cô dâu được mang về nhà chồng. Ảnh: Thu Loan


Đến với những nghi lễ cưới xin của người Tày, trải nghiệm với một nét văn hóa đặc sắc của đồng bào được giới thiệu trong Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam”. Trong những nghi lễ này, không chỉ chứa đựng những lễ thức mang tính tâm linh mà còn là dịp để hiện nét sinh hoạt văn hóa rất đặc trưng của người Tày đó là dân ca đám cưới hay thơ quan làng có cơ hội được phô diễn. Thông qua đây, sự phong phú trong kho tàng văn hóa của người Tày cũng như ý nghĩa nhân văn sâu sắc về tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa được dịp tôn vinh, giới thiệu./.

Lan Phạm

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×