Tái bản cuốn sách 'Việt Nam- Cuộc chiến sinh tử chống COVID-19'
21/06/2020 | 09:11Nhà xuất bản Lao động Xã hội vừa tái bản cuốn sách “Việt Nam - Cuộc chiến sinh tử chống COVID-19” đúng dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2020).
Đây là lần xuất bản thứ hai có sửa chữa, bổ sung cuốn sách nói về việc “chống COVID -19 như chống giặc” được biên soạn và in ấn, phát hành trong thời gian ngắn nhất, khi cả nước còn đang thực hiện giãn cách xã hội.
Cuốn sách “Việt Nam- Cuộc chiến sinh tử chống COVID-19” xuất bản lần thứ nhất mặc dù mang tính thời sự nóng hổi, có tác dụng động viên, cổ vũ kịp thời tất cả các lực lượng đang ngày đêm tham gia chống dịch nhưng do được biên soạn trong thời điểm cách ly xã hội căng thẳng, cho nên nội dung chưa thể đáp ứng đầy đủ nguyện vọng của công chúng.
Vì vậy, Nhà xuất bản Lao động Xã hội và nhóm nhà báo biên soạn quyết định sửa chữa, bổ sung để xuất bản lần thứ hai và ra mắt đúng vào dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam
Ở lần xuất bản này, kết cấu cuốn sách có điều chỉnh, bổ sung thêm phần thứ hai và phần phụ lục với nhiều bài viết, ảnh tư liệu mới nên dung lượng lên đến 600 trang, gấp hai lần bản in đầu tiên.
Ngay trong phần thứ nhất, nhóm biên soạn đã bổ sung những nhận định, đánh giá mới nhất của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về công tác phòng, chống dịch COVID -19 và Chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau khi nước ta cơ bản khống chế thành công dịch COVID -19. Bên cạnh đó, bản in lần này có bổ sung Thư gửi các đại biểu Quốc hội và phát biểu Kết luận của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngoài ra, phần này còn đăng các văn bản, chỉ thị của Bộ Y tế, Chỉ thị của Thường vụ Quân ủy Trung ương, mệnh lệnh của Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo công tác phòng, chống dịch - đây là ba lực lượng chủ công, có vai trò quyết định thành công trong công tác chống dịch.
Ở phần thứ hai hoàn toàn mới có tiêu đề: "Trong Tổng hành dinh chống dịch COVID -19" gồm một số ảnh tư liệu và các chỉ đạo, điều hành công tác chống dịch của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và thực tiễn chống dịch của các cơ quan, đơn vị, từ đó có thể rút ra những bài học kinh nghiệm trong thành tựu chống dịch của Việt Nam.
Xuất bản lần thứ hai cuốn sách này, nhóm biên soạn đã có các chuyến công tác, tổ chức lực lượng viết bài về các địa phương đứng mũi chịu sào về chống dịch như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bình Thuận… cũng như trở lại điểm nóng về phòng chống dịch như phố Trúc Bạch (Ba Đình, Hà Nội) sớm bị phong tỏa và Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn, nơi đầu tiên đón đồng bào từ ổ dịch Vũ Hán trở về.
Những bài viết và ảnh tư liệu mới cũng phản ánh việc nhiều tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, doanh nhân đã đóng góp nguồn lực tài chính, thời gian, công sức ủng hộ chống dịch; nhiều tấm gương người tốt, việc tốt trong phòng chống dịch bệnh, thể hiện trách nhiệm và tình người trong đại dịch. Đó là những cháu bé, cụ già đã mang những đồng tiền dành dụm được để ủng hộ chống dịch. Nhiều chiến sỹ quân đội, công an, cán bộ y tế gác lại việc riêng, “ăn lán, ngủ rừng”, bám địa bàn, tiếp tục làm nhiệm vụ. Đồng bào ta ở nước ngoài và nhiều người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam cũng tích cực tham gia đóng góp cho công tác phòng, chống dịch.
Cuốn sách xuất bản lần thứ hai đã nêu bật kỳ tích của ngành Y tế Việt Nam – lực lượng chủ công chống dịch, đặc biệt là cứu chữa thành công cho bệnh nhân số 19 và bệnh nhân số 91 – nam phi công người Anh, thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Đây là chiến công thần kỳ của ngành Y tế Việt Nam, góp phần để trên đất nước ta không có tiếng khóc và vòng khăn trắng vì COVID -19. Và vì vậy, phần Thế giới ca ngợi Việt Nam cũng được bổ sung những nhận xét, đánh giá mới nhất của chính giới và truyền thông thế giới về thành công vang dội của Việt Nam.