Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Suy nghĩ về đạo đức và quy chế đối với nhân viên thư viện trong xã hội

11/01/2018 | 15:29

Trách nhiệm và lương tâm, đạo đức và sứ mệnh cao cả của những người làm công tác thông tin - thư viện ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay

Giá trị của nghề thư viện chủ yếu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có khả năng hình thành một hình ảnh tốt đẹp trong con mắt của công chúng và các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, những người hoạch định những chính sách quốc gia về thông tin- thư viện ở mỗi nước. Nhằm đề ra những cơ chế-chính sách có ý nghĩa, giá trị, làm nền tảng cho hành động của Chính phủ hướng vào việc sáng tạo, khuyến khích, hỗ trợ và phối hợp các dịch vụ thông tin, bảo đảm việc truy cập và sử dụng thông tin-thư viện làm kim chỉ nam cho công việc giám sát và quản lý chu kỳ sống của thông tin. Các chính sách này có thể trông cậy ở đầu vào và sự hỗ trợ từ tiếng nói thống nhất của những người làm nghề thư viện có năng lực quản lý thông tin.

Bài viết sau đây là những suy nghĩ của người làm nghề thư viện ở Việt Nam đã hơn 30 năm, có tham khảo những ý kiến cơ bản của 2 chuyên gia thông tin-thư viện trên thế giới, đó là: Jenefer Nicholson, Giám đốc điều hành Hiệp hội thông tin-thư viện Australia (Úc) và TS. Robert Stueart, Chuyên gia tư vấn Thông tin – Thư viện Hoa Kỳ (tại Hội nghị chuyên đề về hiệp hội quốc gia các chuyên gia thông tin và thư viện tại Việt Nam, tháng 9 năm 2009).

Ở Việt Nam, hiện đang có hàng ngàn, hàng vạn thư viện lớn-nhỏ và tương tự, cũng có hàng vạn cán bộ thông tin-thư viện trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị, trường học.... trong cả nước. Song đã từ lâu, nói về chuẩn mực đạo đức cho người làm nghề thư viện - một tiêu chí chung & cần thiết nào đó – chúng ta cũng chưa hề có! Đúng ra chúng ta cần phải biết mục đích của chúng ta trong xã hội mà nghề nghiệp của chúng ta đóng một vai trò khá quan trọng. Ví dụ công chúng hiểu rằng chức năng của bác sĩ trong xã hội là bảo vệ sức khoẻ, sinh mạng và duy trì tiêu chuẩn chăm sóc sức khoẻ cho tất cả cộng đồng, dân cư. Nghề luật sư có trách nhiệm bảo vệ công lý theo pháp luật và đảm bảo hệ thống pháp luật hoạt động hiệu quả mà không thiên vị bất kỳ nhân tố nào trong cộng đồng. Thế còn nghề thư viện ? Chúng ta cần nói rõ chức năng của chúng ta trong xã hội là gì ? Đôi khi thật khó nói về đạo đức khi mà các giá trị được nêu ra lại chưa đồng nhất, thậm chí có khi mâu thuẫn nhau. Tôi được biết thư viện công cộng ở Thủ đô Bắc Kinh đã có hẳn một quy chế cho người làm công tác thư viện nơi đây, nó gồm tới 48 điều; trong đó chủ yếu quy định về đạo đức, về hành vi, về ứng xử văn hoá của người làm công tác thư viện trong xã hội. Xem thế đủ thấy việc đề ra những chuẩn mực đạo đức tối thiểu cho người cán bộ thông tin-thư viện trong xã hội hiện đại, không phải là không quan trọng và cần thiết.
 


Nụ cười thân thiện của cô thủ thư thư viện với bạn đọc
 

 Thường thì chúng ta không biết đánh giá cao điều này: Chúng ta không chỉ là người làm công tác chuyên môn thư viện (hiểu một cách thuần túy), mà thực ra chúng ta còn có trách nhiệm cao trong việc đáp ứng những nhu cầu hiện thực của xã hội- trong đó có việc đáp ứng và cung cấp, thỏa mãn nhu cầu của bạn đọc/người dùng tin trong xã hội. Như trên đã nói, một người gặp vấn đề sức khoẻ sẽ đi gặp bác sĩ để được chữa bệnh; nếu bạn gặp vấn đề pháp lý, bạn tới hỏi ý kiến luật sư; còn nếu đó là vấn đề thông tin-tri thức...., hiển nhiên bạn phải tìm đến người làm nghề thông tin - thư viện. Trong tất cả các ví dụ nêu trên, một người chuyên nghiệp sẽ bắt đầu bằng cách đặt nhu cầu của khách hàng lên trên mọi yêu cầu khác. Đó là dấu hiệu đầu tiên của người hành nghề mang tính chất chuyên nghiệp. Sau đây là những suy nghĩ về đạo đức và quy chế đối với nhân viên thư viện của chúng ta:

1./ Người làm nghề thư viện cần cam kết phục vụ, hướng dẫn, chỉ dẫn và cung cấp đường dẫn truy cập thông tin những ý tưởng và những tác phẩm của trí tưởng tượng, bởi thư viện là cổng vào của tri thức, tư duy và văn hoá. Người làm nghề thư viện phải thể hiện khả năng đặc biệt trong việc lựa chọn, phân tích, tổ chức và gìn giữ, phân phối thông tin- tri thức dưới tất cả các hình thức (như UNÉCO đã quy định về hoạt động thư viện)..

2./ Người làm nghề thư viện cam kết cung cấp hỗ trợ việc học suốt đời; sự phát triển văn hoá và khả năng ra quyết định độc lập của cá nhân và nhóm. Việc này bao gồm việc cung cấp mức độ dịch vụ tốt nhất đến tất cả người sử dụng thư viện, thông qua nguồn tư liệu được tổ chức hợp lý và tiện dụng (trong kho tư liệu thư viện); các chính sách phục vụ công bằng; phương thức truy cập hợp lý và đáp ứng một cách nhanh chóng, chính xác, đúng đắn và tinh tế tất cả các yêu cầu của người dùng tin/ độc giả (kể cả người khiếm thi, người tàn tật...)

3./ Người làm nghề thư viện cam kết bảo toàn những giá trị cốt lõi của xã hội và bảo đảm rằng: Việc lựa chọn cung cấp những tư liệu và dịch vụ thư viện sẽ do nguyên tắc nghề nghiệp chi phối. Người làm công tác thư viện có trách nhiệm bảo đảm và tạo điều kiện tối đa cho việc truy cập kiến thức và hoạt động trí tuệ. Với ý nghĩa như thế, thư viện và các cơ quan thông tin-thư viện càng ngày càng phải hoàn thiện việc thu thập, bảo tồn và cung cấp tư liệu vừa đa dạng, vừa phong phú cho tất cả người đọc/người dùng tin trong toàn xã hội.

4./ Người làm nghề thư viện phải biết tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và không bao giờ được tranh thủ quyền lợi riêng tư mà bắt người sử dụng/hoặc đồng nghiệp và các tổ chức đang thuê họ phải chịu chi phí.

5./ Cuối cùng, người làm nghề thư viện cần/luôn luôn cố gắng trau dồi đạo đức nghề nghiệp và nhất là năng lực chuyên môn (nhất là trong môi trường thư viện điện tử-thư viện số hiện nay), để đạt đến sự “toàn mỹ” trong nghề nghiệp bằng cách duy trì và củng cố kiến thức và kỹ năng của họ, bằng cách khuyến khích đồng nghiệp cùng phát triển nghiệp vụ.

Trên đây là những suy nghĩ của cá nhân tôi về đạo đức & quy chế của nghề thư viện trong xã hội. Đó là những thách thức lớn đối với nghề thư viện của chúng ta, đồng thời cũng là những thách thức mà hầu hết thư viện các quốc gia đang phải đối mặt (thông qua tiếng nói & diễn đàn của hiệp hội nghề nghiệp). Chúng ta có quyền chọn lựa để phản ứng một cách chủ động và quả quyết, hoặc phải chứng kiến nghề nghiệp của chúng ta – những nguyên tắc, đạo đức, nền tảng kiến thức, quy mô thực hiện và công việc – biến mất.

Tương lai cho dịch vụ thông tin-thư viện có chất lượng cao (hướng đến cuộc cách mạnh công nghiêp 4.0) và đẩy mạnh, “chấn hưng văn hóa đọc” ở Việt Nam (theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 329/QĐ-TTg, ngày 15 tháng 3 năm 2017 phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đang là trách nhiệm & lương tâm, đạo đức và sứ mệnh cao cả của những người làm công tác thông tin- thư viện ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay./.

Ths. Nguyễn Hữu Giới

                                                                          Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam

                                                                                  

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×