Sức sống mới cho sân khấu ở đề tài chính luận
22/01/2025 | 16:18Sân khấu chính luận từ lâu luôn được xem là chỉ để phục vụ mục đích chính trị, biểu diễn tại các liên hoan và gói gọn trong các đề tài cách mạng, chiến tranh… ít chú trọng đến nhu cầu giải trí của khán giả. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số nhà hát đã mạnh dạn lựa chọn khung giờ, suất diễn “vàng” để ưu tiên các tác phẩm chính luận, không chỉ mang giá trị tư tưởng và nghệ thuật sâu sắc mà còn thu hút được sự quan tâm của khán giả ở nhiều độ tuổi khác nhau.
Dấu ấn đẹp từ những tác phẩm chính luận
Minh chứng rõ nét là tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII (nhiệm kỳ 2022-2027), gần 1.000 đại biểu đại diện cho 22 triệu đoàn viên, thanh niên trong và ngoài nước đã được thưởng thức vở kịch Sống mãi tuổi 17 của Nhà hát Tuổi Trẻ. Nhiều người đã xúc động rơi nước mắt trước tấm gương quả cảm của Anh hùng Lý Tự Trọng. Dù đây là đề tài tuyên truyền lý tưởng cách mạng, nhưng dưới bàn tay tài hoa của tác giả Lưu Quang Vũ và đạo diễn NSƯT Sĩ Tiến, vở kịch không còn khô cứng mà đã trở nên cuốn hút lạ thường. Điểm nhấn của tác phẩm là dàn diễn viên tài năng như Quang Trọng, Thanh Sơn, Chí Huy, Lệ Quyên, Thùy Trang, Đức Khuê, Nguyệt Hằng... đã khắc họa thành công các nhân vật, tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt đối với khán giả trẻ.
Tương tự, những chia sẻ thẳng thắn trên Fanpage của Nhà hát Kịch Việt Nam sau khi xem vở kịch Đêm trắng đã phần nào chứng minh sức lan tỏa mạnh mẽ của tác phẩm chính kịch này đối với công chúng. Tái hiện vụ án tham nhũng đầu tiên trong lịch sử Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Đêm trắng khắc họa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những đêm trăn trở trước khi đưa ra án tử cho kẻ phản bội lý tưởng cách mạng. Dưới bàn tay tài ba của đạo diễn NSND Nguyễn Xuân Bắc, Đêm trắng không chỉ là một tác phẩm chính kịch mạnh mẽ, mà còn khéo léo lồng ghép những chi tiết hài hước, giúp khán giả dễ dàng đồng cảm và theo sát các nhân vật trong suốt vở diễn.
Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng đã thành công trong việc kết hợp nghệ thuật xiếc với chủ đề chính trị thông qua các chương trình nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đảng. Mặc dù ban đầu nhiều người có thể ngạc nhiên khi xiếc khai thác đề tài này, nhưng sự ủng hộ nồng nhiệt từ khán giả thuộc mọi tầng lớp đã minh chứng cho thành công vượt trội của chương trình. Không chỉ trong dịp 3.2, các chương trình như Đi cùng năm tháng vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7), với những vở như Sống mãi với Điện Biên, Ký ức Trường Sơn, Biển đảo là quê hương, cùng các chương trình Đi cùng năm tháng 2023 và 2024, luôn nhận được sự chờ đón đầy háo hức từ công chúng.
Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSND Tống Toàn Thắng, trong cuộc trao đổi với PV đã chia sẻ quan điểm về việc xây dựng các chương trình nghệ thuật mang tính chính luận: “Chúng tôi không đặt nặng vấn đề doanh thu, mà muốn tạo ra một sân chơi mở rộng đối tượng khán giả và hướng tới các hoạt động xã hội, cộng đồng. Liên đoàn Xiếc Việt Nam không chỉ nâng tầm nghệ thuật xiếc, khai thác những đề tài mới, thời sự mà còn mong muốn thay đổi cách nhìn nhận của công chúng về nghệ thuật xiếc. Chúng tôi cũng thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp và đơn vị xã hội hóa để tạo ra những phần quà tri ân các cựu chiến binh và gia đình có công với cách mạng”.
Hiện Liên đoàn Xiếc đang hoàn thành chương trình nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân, dự kiến bán vé từ mùng 3 - 6 Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Đặc biệt, vào đúng ngày kỷ niệm thành lập Đảng 3.2, Liên đoàn sẽ tổ chức một buổi diễn chiêu đãi với sự tham gia của các vị khách mời đặc biệt, bao gồm Đảng ủy Bộ VHTTDL, các chi bộ trực thuộc Đảng ủy Bộ VHTTDL, cùng các cựu chiến binh tại phường sở tại…
Nâng tầm nghệ thuật, nâng tầm khán giả
Năm 2024 vừa qua, Nhà hát Kịch Việt Nam có lý do để tự hào khi số lượng khán giả đến xem các vở chính kịch như Đêm trắng, Bão tố Trường Sơn, Người tốt nhà số 5, Người trong cõi nhớ ngày càng đông và vô cùng hào hứng. Phó Giám đốc điều hành Nhà hát Kịch Việt Nam, NSƯT Kiều Minh Hiếu chia sẻ: “Dù đề tài có khô khan đến đâu, sân khấu vẫn có thể tìm ra cách tiếp cận khác biệt, hấp dẫn. Quan trọng là phải đầu tư dàn dựng một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng và đổi mới trong cách làm. Chúng tôi rất vui khi các tác phẩm chính kịch về chiến tranh, cách mạng nhận được sự đón nhận nhiệt tình từ khán giả ở nhiều độ tuổi. Để thu hút sự quan tâm của công chúng, công tác truyền thông và quảng bá là yếu tố quan trọng không thể thiếu. Nhà hát Kịch Việt Nam đã xây dựng được một đội ngũ truyền thông chuyên nghiệp, giúp tác phẩm lan tỏa rộng rãi”.
Bên cạnh đó, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, NSƯT Sĩ Tiến cũng thông tin về việc đưa khán giả đến với các vở kịch chính luận như Sống mãi tuổi 17 hay Bến nước thời gian. “Mặc dù thời gian đầu họ có thể chưa quen với các vở diễn chính luận, nhưng một khi đã đến và xem, họ sẽ cảm thấy thú vị. Dòng kịch chính luận vẫn có chỗ đứng, nhưng thực tế là khán giả ưa chuộng các chương trình giải trí hơn, nên nhà hát chúng tôi cũng gặp khó khăn trong việc bán vé thông thường”, ông nói.
Dù không thể phủ nhận sức hấp dẫn của các chương trình giải trí như hài kịch hay live show ca múa nhạc tạp kỹ, nhưng nỗ lực xây dựng tác phẩm chính luận của các đơn vị như Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam và nhiều đơn vị nghệ thuật biểu diễn khác đã thể hiện rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của người nghệ sĩ đối với đất nước, cũng như vai trò giáo dục và nâng cao nhận thức cho công chúng, đặc biệt là đối với lớp trẻ.
Câu chuyện của những đơn vị đã thành công và chinh phục được nhiều tầng lớp khán giả, thậm chí đạt doanh thu cao từ các tác phẩm chính luận, chính kịch, là minh chứng rõ ràng cho thấy con đường này không phải là không khả thi. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển và hỗ trợ các nhà hát, đơn vị nghệ thuật, ngoài việc nhà nước đặt hàng, sự tham gia của các nhà tài trợ và doanh nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng, khi không chỉ hỗ trợ tài chính mà còn có thể giúp tác phẩm lan tỏa rộng rãi đến công chúng thông qua tài trợ suất diễn, tổ chức các đợt lưu diễn tuyên truyền...
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để sân khấu không chỉ phục vụ mục đích chính trị hay chỉ chờ đợi các liên hoan, hội diễn, mà còn có thể kết hợp hài hòa giữa giá trị nghệ thuật và nhu cầu giải trí của khán giả? Để giải quyết vấn đề này, cần phải có những giải pháp cụ thể nhằm thu hút và đào tạo các nhà viết kịch mới, những người có khả năng sáng tạo các tác phẩm sân khấu độc đáo, vừa đáp ứng yêu cầu về nội dung sâu sắc, vừa mang lại trải nghiệm hấp dẫn cho công chúng.