Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Sửa Luật Quảng cáo: Bắt kịp sự vận động và chuyển biến của xã hội, khắc phục những vấn đề còn vướng mắc

10/11/2024 | 08:25

Xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo là yêu cầu cần thiết để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước, bắt kịp sự vận động và chuyển biến của xã hội, khắc phục những vấn đề còn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quảng cáo phát triển.

Sửa đổi để phù hợp và phát triển

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo có bố cục gồm 3 điều, quy định về hoạt động quảng cáo; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo; quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo. 

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý nội dung và điều kiện quảng cáo; quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới và quảng cáo trên phương tiện báo chí; hoạt động quảng cáo ngoài trời.

Đối tượng áp dụng của dự án Luật gồm: Tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam khi thực hiện hoạt động quảng cáo môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại thị trường Việt Nam; các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo.

Nội dung cơ bản của dự án Luật đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa nội dung 3 Chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được thông qua bằng việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Quảng cáo năm 2012.

Sửa Luật Quảng cáo: Bắt kịp sự vận động và chuyển biến của xã hội, khắc phục những vấn đề còn vướng mắc - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân

Tại phiên thảo luận tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, các đại biểu Quốc hội cho rằng, để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước, bắt kịp sự vận động và chuyển biến của xã hội, khắc phục những vấn đề còn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quảng cáo phát triển thì việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo là yêu cầu cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh, quảng cáo là một trong 12 lĩnh vực trọng tâm của Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, thời gian qua đã có nhiều thành tựu và đóng góp rất lớn cho nền kinh tế. 

Do vậy, việc sửa đổi các quy định về quảng cáo để hoàn thiện, bổ sung các quy định nhằm tạo điều kiện cho hoạt động quảng cáo tiếp tục phát triển, đồng thời phù hợp với bối cảnh công nghệ 4.0 và bao quát, kiểm soát được các hành vi quảng cáo sai sự thật, đảm bảo hoạt động quảng cáo đi vào nề nếp, văn minh, trung thực là rất cần thiết.

Quy định rõ hơn về trách nhiệm

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo, các đại biểu nhất trí với việc phân định, làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan, địa phương đối với hoạt động quảng cáo.

Liên quan tới nội dung trách nhiệm của Bộ VHTTDL trong sửa đổi khoản 2, Điều 5, đại biểu Hà Phước Thắng - Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh đề nghị bổ sung quy định chi tiết trong Quyết định 1755 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó quy định Bộ VHTTDL phê duyệt chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030.

Sửa Luật Quảng cáo: Bắt kịp sự vận động và chuyển biến của xã hội, khắc phục những vấn đề còn vướng mắc - Ảnh 2.

Đại biểu Hà Phước Thắng

Ngoài quy định về trách nhiệm của Bộ VHTTDL trong hoạt động quảng cáo, đại biểu Hà Phước Thắng cũng đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan, cụ thể: Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường có trách nhiệm đối với quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động quảng cáo; Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm trong việc đăng ký doanh nghiệp liên quan đến hoạt động quảng cáo; và Bộ Xây dựng có trách nhiệm trong cấp phép xây dựng bảng quảng cáo và là cơ quan ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng, lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời.

Cùng với đó, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cũng cần xem xét những nội dung về một số sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bị cấm quảng cáo để bổ sung, điều chỉnh Điều 7 của Luật Quảng cáo 2012 trong lần sửa đổi, bổ sung này, đảm bảo phù hợp với các quy định mới về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và hóa chất.

Cần có chế tài mạnh hơn để xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm 

Bên cạnh quy định về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, dự thảo Luật lần này cũng đã quy định cụ thể về vai trò, quyền và trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo - những người tham gia vào hoạt động quảng cáo. Các đại biểu cho rằng, đây là một điểm mới tiến bộ so với Luật Quảng cáo 2012.

Tuy nhiên, theo đại biểu Phan Thị Thanh Phương - Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh, cơ quan chủ trì soạn thảo cần quy định rõ hơn trách nhiệm giữa các chủ thể liên quan trong hoạt động quảng cáo, đặc biệt là trách nhiệm của doanh nghiệp về chất lượng sản phẩm, thông tin cung cấp về sản phẩm để người chuyển tải sản phẩm quảng cáo thực hiện hoạt động quảng cáo.

Đại biểu cũng đánh giá cao việc dự thảo Luật có quy định yêu cầu báo chí phải có dấu hiệu phân biệt giữa nội dung thông thường và nội dung được tài trợ để quảng cáo. Tuy nhiên, dự thảo Luật mới chỉ quy định áp dụng cho loại hình báo in mà chưa bao quát các hình thức báo khác như báo hình, báo nói. Do vậy, Cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần cân nhắc, bổ sung để đảm bảo tính minh bạch.

Sửa Luật Quảng cáo: Bắt kịp sự vận động và chuyển biến của xã hội, khắc phục những vấn đề còn vướng mắc - Ảnh 3.

Đại biểu Phan Thị Thanh Phương

Liên quan đến việc xử lý các hành vi quảng cáo sai sự thật, thổi phồng, sử dụng hình ảnh của người có ảnh hưởng trong hoạt động quảng cáo, đại biểu Phan Thị Thanh Phương cho rằng, mặc dù các quy định về xử phạt đối với các hành vi này đã được bổ sung vào dự thảo Luật, tuy nhiên việc áp dụng các biện pháp này trong thực tế vẫn chưa nhiều và chưa đủ tính răn đe. 

"Nhiều trường hợp quảng cáo sai sự thật khi bị phát giác cũng chỉ lên tiếng xin lỗi là xong", đại biểu nêu ví dụ.

Do vậy, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần phải có chế tài mạnh hơn để xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm để làm gương, tạo tác động răn đe.

Các đại biểu cho biết, hiện nay còn xuất hiện thêm các hình thức quảng cáo mới như sử dụng trái phép hình ảnh người có ảnh hưởng, clip ngắn trên mạng xã hội, dự thảo Luật lần này cũng cần có quy định cụ thể để quản lý và xử lý các hình thức quảng cáo này.

Ngoài ra, đối với nội dung quy định khi đơn vị chuẩn bị triển khai các nội dung quảng cáo ngoài trời sẽ gửi hồ sơ về cho cơ quan có thẩm quyền xem xét nội dung và sau đó tiến hành thực hiện các nội dung quảng cáo theo nội dung đã thông báo, các đại biểu chỉ ra, dự thảo Luật chưa có quy định cụ thể về thời gian là gửi trước bao nhiêu ngày. Do vậy, các đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần quy định rõ thời gian thông báo trước ít nhất 5 ngày làm việc, để cơ quan có thẩm quyền kịp thời xem xét, sau đó đơn vị mới được triển khai./.

Xuân Trường - Thế Công

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×