Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Sửa Luật Di sản văn hóa: Đề nghị bổ sung quy định cấm các hành vi lấn chiếm, hủy hoại đất di tích hỗn hợp

06/11/2024 | 14:50

Đồng tình và đánh giá cao quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội cũng cho rằng cần bổ sung quy định về cấm các hành vi lấn chiếm, hủy hoại đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Nghiêm cấm xây dựng trái phép trong các khu vực bảo vệ di tích

Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), nêu ý kiến phát biểu, đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được giải trình, tiếp thu và chỉnh lý nhiều nội dung so với luật, dự thảo trước. Tuy nhiên, theo đại biểu hiện vẫn còn những nội dung cần tiếp tục được quan tâm cụ thể.

Đối với các hành vi bị nghiêm cấm đã được rà soát, bổ sung nhưng để đầy đủ hơn, bảo đảm cho việc triển khai tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa thuận lợi hơn, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra xem xét bổ sung tại Điều 9 đối với hành vi bị nghiêm cấm xây dựng trái phép trong các khu vực bảo vệ di tích.

Song song với đó cũng cần bổ sung vào Điều 98 sửa đổi, bổ sung một số điều các luật có liên quan tại khoản 1 về các nội dung thuộc lĩnh vực xây dựng mà có tác động đến Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Việc làm này nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn khi thực hiện các quy định hiện hành đối với quản lý Nhà nước về di sản văn hóa tại địa phương mà dự thảo Luật chưa quy định nội dung này và để làm cơ sở cho cơ quan thẩm quyền thực hiện công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hành vi xây dựng trái phép trong khu vực bảo vệ di tích.

Sửa Luật Di sản văn hóa: Đề nghị bổ sung quy định cấm các hành vi lấn chiếm, hủy hoại đất di tích hỗn hợp - Ảnh 1.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Về các nội dung liên quan đến Điều 27 đối với khu vực bảo vệ di tích, nguyên tắc xác định và cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích, điều chỉnh khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới đã được Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp thu gần như toàn bộ các ý kiến của các đại biểu đã tham gia thảo luận ở các phiên thảo luận trước.

Liên quan đến Điều 27 và các Điều 28, 29 và 30 về sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích, dự án đầu tư xây dựng công trình, sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới đã có những điểm mới liên quan đến khu vực bảo vệ 2.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị xem xét, bổ sung làm rõ quy định về chức năng sử dụng, khoanh vùng bảo vệ và phát huy giá trị di tích nhà ở riêng lẻ, công trình kinh tế - xã hội khu vực bảo vệ 2 để không chỉ đảm bảo yêu cầu về tính chặt chẽ của luật mà phải phù hợp với điều kiện thực tiễn các loại hình di sản Việt Nam, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của các đối tượng, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Bổ sung quy định cấm các hành vi lấn chiếm, hủy hoại đất di tích hỗn hợp

Đồng tình cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cho biết, khoản 8 Điều 9 quy định cấm các hành vi lấn chiếm, hủy hoại đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Theo đại biểu, quy định này cần bổ sung cụm từ "di tích hỗn hợp" để đảm bảo phù hợp với Điều 21 quy định về loại hình di tích hỗn hợp.

Sửa Luật Di sản văn hóa: Đề nghị bổ sung quy định cấm các hành vi lấn chiếm, hủy hoại đất di tích hỗn hợp - Ảnh 2.

Đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh

Bên cạnh đó, đại biểu quan tâm về thẩm quyền, trình tự thủ tục, hồ sơ xếp hạng, xếp hạng bổ sung, hủy bỏ quyết định xếp hạng và bổ sung chỉnh sửa hồ sơ khoa học của di tích. Để đảm bảo đúng quy trình và phù hợp với thực tiễn, sau khi xây dựng hồ sơ khoa học, Hội đồng xếp hạng di tích cấp tỉnh họp thẩm định hồ sơ, có kết luận của Chủ tịch Hội đồng, cơ quan chuyên môn sẽ tổng hợp các ý kiến bằng biên bản trình UBND tỉnh. Trên cơ sở đề xuất của cơ quan chuyên môn và ý kiến thẩm định của Hội đồng khoa học, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ xem xét, quyết định việc xếp hạng, xếp hạng bổ sung, hủy bỏ quyết định xếp hạng di tích hoặc bổ sung, chỉnh sửa hồ sơ khoa học của di tích cấp tỉnh.

Đại biểu đề nghị sửa điểm b khoản 2 Điều 25 thành: "Đối với di tích cấp tỉnh theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 của Luật này, cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh gửi văn bản, biên bản cuộc họp Hội đồng xếp hạng di tích do Chủ tịch UBND tỉnh thành lập kèm theo hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng, xếp hạng bổ sung di tích, hồ sơ đề nghị hủy bỏ quyết định xếp hạng di tích, hồ sơ bổ sung, chỉnh sửa hồ sơ khoa học di tích trên địa bàn tới Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét quyết định xếp hạng, xếp hạng bổ sung, hủy bỏ quyết định xếp hạng di tích hoặc bổ sung, chỉnh sửa hồ sơ khoa học di tích cấp tỉnh sau khi có ý kiến bằng văn bản của Hội đồng thẩm định do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập." Đại biểu cũng đề nghị quy định rõ hơn số lượng, thành phần, trình độ chuyên môn đối với Hội đồng thẩm định di tích.

Đăng Nguyên - Bảo Trân

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×