“Sự phản ứng linh hoạt khi có sự cố trong đón khách quốc tế sẽ giúp Việt Nam tạo ra năng lực cạnh tranh điểm đến”
17/03/2022 | 15:23Ngày 15/3, Việt Nam đã chính thức mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng được mong chờ nhất của ngành Du lịch cả nước sau hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19. Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan chức năng, địa phương, doanh nghiệp đã có những bước chuẩn bị dài hơi để sẵn sàng cho ngày trở lại chính thức.
Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Mạnh Quân - Phó tổng giám đốc Thường trực Bamboo Airways cho biết, sau thời gian dài chuẩn bị, doanh nghiệp này sẽ đón đoàn khách quốc tế chính thức "cập bến" vào thời điểm cuối tháng 3/2022.
- Thưa ông, ngày 15/3, Việt Nam đã chính thức mở cửa đón khách du lịch quốc tế sau 2 năm đóng cửa bởi dịch bệnh. Doanh nghiệp của ông đón chờ sự kiện này như thế nào?
Chúng tôi đã mong chờ đến ngày này từ lâu rồi. Không thể nói hết sự mong muốn, chờ đợi, vui mừng của Bamboo Airways nói riêng và các doanh nghiệp hàng không, du lịch nói chung về ngày Việt Nam mở cửa chính thức đón khách quốc tế.
Để chuẩn bị cho ngày đón khách trở lại, không chỉ Bamboo Airways mà đối tác của chúng tôi cũng đã có sự chuẩn bị từ lâu. Chúng tôi đã thường xuyên kết nối và chuẩn bị nguồn lực để chờ đón ngày này. Ngay từ trước Tết Nguyên Đán 2022, chúng tôi đã ký rất nhiều hợp đồng đón khách.
Theo dự kiến, cuối tháng 3 này, các đoàn khách chính thức của chúng tôi sẽ "cập bến" đến cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
- Trong thời điểm chúng ta chưa thống nhất được những quy định chung về kiểm soát dịch bệnh khi đón khách quốc tế, doanh nghiệp đã tiếp cận thị trường bằng cách nào thưa ông?
Với mục tiêu cao nhất là cạnh tranh về điểm đến, trong suốt giai đoạn vừa qua, chúng tôi đã thực hiện theo các kịch bản được đưa ra từ trước đó. Kịch bản của chúng tôi là không còn khái niệm về dịch bệnh.
Đó là xu hướng của quốc tế, và Việt Nam nằm trong xu thế hội nhập chung đó. Đối với từng giai đoạn dịch bệnh, các quốc gia đều áp dụng các kịch bản riêng của mình.
- Thời kỳ hậu COVID-19, doanh nghiệp hướng đến những thị trường nào, có phải chúng ta vẫn tìm kiếm những thị trường như trước kia?
Chúng tôi vẫn hướng đến những thị trường truyền thống của Việt Nam. Thị trường tiềm năng và có thể phát động được ngay là Đông Bắc Á, với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc. Ở những thị trường này, chúng ta không chỉ đón riêng khách du lịch mà còn cả các đối tượng khách kinh doanh, công vụ, đây là thị trường cực kỳ quan trọng đối với Việt Nam chúng ta.
Dài hơi hơn, chúng tôi cũng đang hướng đến thị trường châu Âu. Đây vẫn là những thị trường truyền thống nhưng thị trường này luôn có độ trễ so với thị trường Đông Bắc Á.
- Theo ông, việc tạo ra những sản phẩm du lịch theo chuỗi cung ứng liên hoàn có thế mạnh như thế nào để du lịch Việt Nam nhanh chóng phục hồi trở lại?
Vấn đề quan trọng của chúng ta hiện nay chính là cạnh tranh về điểm đến. Chúng ta muốn nâng cao năng lực điểm đến của Việt Nam thì buộc phải đưa ra thị trường những sản phẩm cạnh tranh.
Cạnh tranh ở thời điểm này có chút khác so với trước đây. Ở thời điểm hiện nay, tiêu chí đầu tiên của các sản phẩm cạnh tranh là phải tạo ra cảm giác an toàn cho khách du lịch quốc tế khi lựa chọn Việt Nam là điểm đến. Sau đó mới đến vấn đề về chất lượng dịch vụ và tiếp đến giá cả cạnh tranh.
Có thể thấy, để nâng cao năng lực cạnh tranh thì chúng ta đã có những tiêu chí theo môi trường và điều kiện mới, dù khó khăn hơn trước đây nhưng tôi tin chúng ta sẽ thích ứng rất kịp thời.
Để tạo ra năng lực cạnh tranh thì không chỉ riêng ngành hàng không, du lịch mà còn cả dịch vụ kinh doanh và nhất là sự phản ứng linh hoạt của chúng ta khi có sự cố xảy ra trong quá trình đón khách du lịch quốc tế. Chính sự phản ứng của chúng ta sẽ tạo ra chất lượng dịch vụ, khẳng định thương hiệu của chúng ta.
- Xin cảm ơn ông!