Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc đã đạt được nhiều thành tựu

26/06/2024 | 10:48

Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh khi điều hành phiên thảo luận hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào sáng 26/6.

Sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc đã đạt được nhiều thành tựu

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh khẳng định, Luật Di sản văn hóa được Quốc hội ban hành năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2009, sau hơn 20 năm thực hiện, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc đã đạt được nhiều thành tựu.

Sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc đã đạt được nhiều thành tựu - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên thảo luận

Tuy nhiên trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn và những bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đó là: Quan tâm hơn nữa đến việc tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể ở các vùng miền của đồng bào dân tộc, tiếp thu văn hóa thời đại, phát triển sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh quốc gia trong thời kỳ mới.

Để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho phát triển mới của hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Ngày 18/6, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở Tổ về dự án Luật. Đây là nội dung được nhiều cử tri quan tâm và được các đại biểu Quốc hội phát biểu với 96 lượt ý kiến về dự án Luật này. Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp đầy đủ ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội.

Bên cạnh 7 vấn đề chung, 9 vấn đề cụ thể, 8 nội dung gợi ý thảo luận tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị các vị ĐBQH tập trung thảo luận kỹ một số nội dung như: (1) quyền sở hữu và các quyền liên quan tới di sản văn hóa; (2) về các chính sách phát triển di sản văn hóa; (3) về khu vực bảo vệ của di tích; (4) phân cấp, phân quyền trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản; (5) Qũy bảo tồn di sản văn hóa.

Sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc đã đạt được nhiều thành tựu - Ảnh 2.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng nêu ý kiến thảo luận

Là vị đại biểu Quốc hội đầu tiên nêu ý kiến thảo luận, nữ đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông góp ý vào các chính sách của nhà nước về di sản văn hoá. Theo đó, Điều 7 dự thảo Luật đề cập đến hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, huy động các nguồn lực, nhân lực, ngân sách để đạt hiệu quả cao nhất cho hoạt động này.

Đại biểu đề nghị bổ sung một số chính sách liên quan đến nhân tố thụ hưởng như chế độ miễn phí với các chủ thể đặc biệt khi tham quan các công trình được công nhận là di tích lịch sử quốc gia như người có công với cách mạng, học sinh, sinh viên, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, phái đoàn ngoại giao, người cao tuổi...

Quy định cụ thể hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho tư nhân mở bảo tàng

Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội bày tỏ sự thống nhất cao với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa hiện hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thời gian qua và tạo hành lang pháp lý kịp thời bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc đã đạt được nhiều thành tựu - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nêu ý kiến góp ý

Để hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa góp ý một số nội dung. Thứ nhất, về tên gọi và phạm vi điều chỉnh của Luật, đại biểu bày tỏ băn khoăn về phạm vi điều chỉnh và một số khái niệm liên quan đến di sản văn hóa nhưng chưa được giải thích, làm rõ trong dự thảo Luật như: “di sản hỗn hợp”, “di sản thiên nhiên, “di sản địa chất”,…

Thứ hai, về hoạt động của bảo tàng và chính sách đối với bảo tàng tư nhân được quy định tại Chương 5 của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, đây là Chương mới, các nội dung có kế thừa, điều chỉnh, bổ sung cụ thể hơn nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của bảo tàng.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, hiện nay, chính sách cho bảo tàng ngoài công lập của nước ta đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và xu hướng phát triển, hành lang pháp lý đã có nhưng chưa rõ, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến điều kiện, tiêu chí xếp hạng những bảo tàng ngoài công lập. Đồng thời, các bảo tàng tư nhân gặp khó khăn về chuyên môn, nghiệp vụ và thiếu đội ngũ làm công tác bảo tàng chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, việc cấp giấy phép hoạt động của bảo tàng ngoài công lập tại khoản 2 Điều 64 vẫn còn chung chung.

Nữ đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu quy định cụ thể, rõ ràng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho tư nhân mở bảo tàng đồng thời tạo sự thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong việc quản lý.

Cần quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm quản lý, bảo quản, trưng bày di vật, cổ vật, bảo vật

Góp ý tại phiên họp, đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, Điều 88 của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định về xã hội hóa trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm khuyến khích mở rộng việc tổ chức, cá nhân được tham gia và không hạn chế nguồn lực xã hội trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc đã đạt được nhiều thành tựu - Ảnh 4.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc -Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện công việc liên quan đến lĩnh vực lịch sử cùng với các tổ chức, cá nhân như các hội trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật, khoa học công nghệ như dự thảo đã quy định tại khoản 1, Điều 88.

"Ngoài Hội Khoa học và công nghệ thì Hội Khoa học lịch sử từ Trung ương đến địa phương đã và đang tham gia tích cực các hoạt động nghiên cứu, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cũng như khi tiến hành các công việc giám định di vật, cổ vật" - đại biểu dẫn chứng và cho rằng, tại Điều 39 dự thảo có quy định yêu cầu chuyên môn khi giám định có liên quan đến lịch sử niên đại của di vật, cổ vật, cho nên cần xem xét bổ sung nội dung này.

Về công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, theo đại biểu, không chỉ là những nhóm nhiệm vụ tu bổ, phục hồi, chống nguy cơ xuống cấp di sản mà còn phải quan tâm đến nhiệm vụ, giải pháp phát huy tốt nhất giá trị di sản, đồng thời thực hiện đầy đủ và trách nhiệm các biện pháp được cam kết về bảo vệ di sản văn hóa.

Qua nghiên cứu dự thảo Điều 63 về nhiệm vụ của bảo tàng, Điều 41, 44, 48 về quản lý, bảo vệ, bảo quản, trưng bày di vật, cổ vật và thực trạng nhiều hiện vật sau khi được khai quật, thu thập chưa thực sự được bảo vệ; bảo quản, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật trong môi trường, phù hợp với các yêu cầu về quản lý, trưng bày hiện vật, đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho rằng, cần quy định chặt chẽ, cụ thể hơn về điều kiện, trách nhiệm quản lý, bảo vệ, bảo quản, trưng bày di vật, cổ vật, bảo vật./.

Thế Công

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×