Sứ mệnh ngành Du lịch
12/02/2024 | 10:28Giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch được xem là sứ mệnh, thông điệp mạnh mẽ, kêu gọi sự nỗ lực, chung tay góp sức của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng và du khách hướng đến mục tiêu phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững trong năm 2024.
NÓI KHÔNG VỚI RÁC THẢI NHỰA TRONG DU LỊCH
Theo Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP, 2018), Việt Nam đứng thứ 4 trong 20 quốc gia có nguồn phát sinh rác thải nhựa (RTN) xả ra môi trường biển nhiều nhất trên thế giới, với khối lượng khoảng 0,28-0,73 triệu tấn rác thải nhựa xả ra biển một năm (chỉ sau Trung Quốc, Indonesia và Philipines).
Một Báo cáo điều tra khác của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch thuộc Tổng cục Du lịch (nay là Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) thống kê: lượng phát sinh rác thải nhựa từ hoạt động du lịch là khoảng 0,72 kg/ngày khách lưu trú và khoảng 0,3 kg/ngày khách không lưu trú. Ước tính lượng rác thải nhựa do khách du lịch thải ra trong năm 2019 là khoảng 230.110 tấn.
Tuy nhiên, trên thực tế, lượng rác thải nhựa xả ra môi trường, nhất là biển, tại các điểm đến du lịch ở Việt Nam chiếm tỉ lệ rất lớn và có xu hướng ngày càng tăng lên. Trong đó, lượng chất thải nhựa và túi nilon chiếm khoảng 10-12% chất thải rắn sinh hoạt, tập trung chủ yếu ở những thành phố có hoạt động du lịch phát triển. Trung bình mỗi khách du lịch thải ra môi trường từ 5 - 10 túi nilon/ngày, 2-4 vỏ chai nhựa, hộp sữa/ngày chưa kể đến các sản phẩm, vật dụng cá nhân làm bằng nhựa dùng 1 lần.
Tại Báo cáo này, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cũng cảnh báo những tác động xấu hay hệ lụy của rác thải nhựa đến các hoạt động du lịch, gây ô nhiễm môi trường: Nếu năm 2019, lượng phát sinh rác thải nhựa từ khách du lịch khoảng 116.144 tấn/năm; thì với đà này, nếu không có các biện pháp giảm thiểu, lượng phát sinh rác thải nhựa từ hoạt động du lịch dự báo đến năm 2030 sẽ cao gấp khoảng 3 lần so với năm 2019, tương đương là 336.400 tấn/năm. Những thông tin trên là áp lực lớn đến môi trường, đặc biệt tại các khu du lịch biển, đảo, sông nước.
Tại Việt Nam, hiện nhiều khu du lịch đã, đang và sẽ tiếp tục phải đối mặt với thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa. Cụ thể: Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) là trung bình 4 tấn rác thải/ngày đêm, chủ yếu là rác thải nhựa trôi nổi trên biển; TP.Đà Nẵng là 1.100 tấn rác thải/ngày đêm, trong đó rác thải nhựa chiếm 17%; TP. Tuy Hòa (Phú Yên) là 524 tấn rác thải/ngày đêm, rác thải nhựa chiếm 18,31%; TP.Rạch Giá (Kiên Giang) là 250 tấn rác thải/ngày đêm, trong đó 4,48 tấn rác thải rắn/ngày thải ra môi trường;...
Theo ông Vũ Quốc Trí, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam, khi lượng khách du lịch tăng lên, lượng rác thải nhựa phát sinh từ khách du lịch và các hoạt động du lịch cũng sẽ gia tăng. Nếu không có các giải pháp hữu hiệu và hành động quyết liệt của các bên liên quan thì vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa tại các điểm du lịch ở Việt Nam sẽ ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Viễn cảnh này sẽ có tác động tiêu cực đến môi trường, cảnh quan du lịch, làm giảm sức hấp dẫn của điểm đến và năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
HÀNH ĐỘNG VÌ MÔI TRƯỜNG DU LỊCH BỀN VỮNG
Câu chuyện rác thải nhựa trong du lịch đang trở thành thách thức lớn đối với các quốc gia trên thế giới. Đó là tình trạng lượng rác thải nhựa tăng nhanh nhưng không được xử lý đúng cách, phát thải ra môi trường bừa bãi, không kiểm soát đang để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng tới hệ sinh thái và sức khỏe con người ở quy mô toàn cầu.
Ông Nguyễn Ngọc Toản, Nhà sáng lập Cộng đồng du lịch có trách nhiệm đầu tiên tại Việt Nam (WAFORT) cho biết: "Trước tình trạng quản lý rác thải rất bừa bãi như hiện nay, chúng ta không thể chỉ chờ đợi các "phong trào" hay "tấm lòng" của các bên liên quan. Những động thái quyết liệt của nhà nước và chính phủ về vấn đề rác thải nhựa là rất cần thiết trong lúc này. Luật pháp, chế tài về vi phạm rác thải cũng như hành lang pháp lý thuận lợi để phát triển công nghệ xử lý rác thải phải được triển khai."
Từ thực tế đó, ngay từ năm 2012, Tổ chức Du lịch thế giới (UN-WTO) và Chương trình Môi trường LHQ (UNEF) đã công bố báo cáo về phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, nêu rõ một trong 6 thách thức lớn mà du lịch thế giới phải đối mặt là "Quản trị rác và chất lượng nước". Tại Chương trình Nghị sự 2030 vào tháng 9/2015 của Liên hợp quốc tiếp tục cảnh báo thực trạng rác thải nhựa trong du lịch, nếu không được ngăn chặn, chắc chắn sẽ đe dọa việc đạt được nhiều mục tiêu phát triển bền vững là chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo sự thịnh vượng của con người.
Tại Việt Nam, những chương trình hành động nói không với rác thải nhựa trong du lịch đã được sự quan tâm và cộng hưởng của Chính phủ, Bộ, ban ngành, tổ chức, doanh nghiệp và du khách. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP rồi Quyết định số 1316/QĐ-TTg quy định về quản lý rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch; cùng với đó Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng có Quyết định số 4216/QĐ-BVHTTDL ban hành quy tắc ứng xử bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Theo đó, đến năm 2025, Việt Nam không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi nilon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch. 100% các khu du lịch, cơ sở lưu trú không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy. Sau năm 2030, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi nylon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.
Trên những cam kết của Chính phủ, Dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam" đã được Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường Toàn cầu, Chương trình Phát triển LHQ (UNDP/GEF-SGP) phê duyệt thực hiện trong năm 2023-2024, với mục tiêu thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của ngành du lịch. Trong đó, Dự án này sẽ tập trung vào các hoạt động nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân, du khách về tác hại của rác thải nhựa và ý thức trách nhiệm trong việc giảm thiểu rác thải nhựa; đồng thời sẽ triển khai thí điểm các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa tại một số khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, doanh nghiệp lữ hành và điểm du lịch tại Quảng Nam và Ninh Bình; từ đó xây dựng và áp dụng thí điểm bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa.
Bà Vũ Mỹ Hạnh, Nhóm Dự án Quản lí Rác thải nguồn tại Hội An cho rằng, "Không rác thải nhựa" đã trở thành tiêu chí kinh doanh của cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ tại Hội An. Ngoài ra, tiêu chí "không rác thải nhựa" còn tạo ra sản phẩm du lịch từ tái chế rác thải. Với mô hình 8T "Hướng dẫn quản lí rác thải tại nguồn trong quy trình vận hành tại các cơ sở kinh doanh du lịch" gồm: Tổ chức thực hiện; từ chối; tiết giảm; tái sử dụng, làm đầy; thay thế; phân loại để tái chế; truyền thông tham gia mạng lưới; tạo sản phẩm dịch vụ bền vững" đang triển khai, hầu hết các doanh nghiệp du lịch tại Hội An đã tự nguyện tham gia mô hình kinh doanh giảm thiểu rác thải nhựa, tái sử dụng làm đầy các sản phẩm tẩy rửa (nước rửa chén, nước lau sàn, giấm tẩy rửa…) và tái sử dụng nhiều chai lọ, giảm bớt tiêu thụ mới; hướng đến một hệ sinh thái tái chế đang dần hình thành, từng bước xây dựng thương hiệu "Hội An - Điểm đến Xanh".
Những nỗ lực này có thể bắt đầu từ sự lựa chọn điểm đến nói "không với rác thải nhựa" của du khách hay lối sống "không rác thải nhựa" trong cộng đồng. Câu chuyện La Siesta Hội An Resort & Spa đã thay thế túi nilon bọc thùng rác bằng giấy báo, sau một năm đã cắt giảm hoàn toàn khoảng 3,5 tấn nhựa; Silk Sense Hoi An River Resort từ chối chai nước nhựa, thay thế bằng chai thủy tinh và bình lọc để khách tự làm đầy, sau 1,5 năm đã giảm được việc sử dụng 20.000 chai nhựa dùng một lần; hay Cù Lao Chàm, Cô Tô, Lý Sơn, Cát Bà và nhiều địa phương/doanh nghiệp khác chung tay nói không với rác thải nhựa, túi nilon là minh chứng.