Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Sống lại nhà vườn Huế

30/09/2021 | 11:15

Nhiều nhà vườn đặc trưng của xứ Huế trải qua thời gian bị xuống cấp đã được hỗ trợ trùng tu, tôn tạo nhờ đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng”. Được HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua năm 2015, đến nay đề án đã góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống nói chung và giá trị văn Huế nói riêng, gắn liền với phát triển kinh tế hộ gia đình.

Sống lại nhà vườn Huế - Ảnh 1.

Nhà vườn - phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn, đường Nguyễn Chí Thanh, TP Huế, sau khi được hỗ trợ trùng tu

Giữ nguyên kiến trúc nhà vườn

Nằm ở phía thượng nguồn sông Hương, nổi tiếng với xứ thanh trà, phường Phường Đúc và phường Thủy Biều (TP. Huế) có nhiều nhà vườn với lối kiến trúc đặc trưng xứ Huế. Trải qua biến thiên của thời gian cũng như sự khắc nghiệt thời tiết, những ngôi nhà vườn bị xuống cấp nghiêm trọng, trong khi chủ nhân lại gặp khó khăn, không đủ kinh phí để sửa chữa.

Ngôi nhà vườn gần 160 năm tuổi của gia đình ông Nguyễn Hữu Thông ở phường Phường Đúc là một trong số đó. Ngôi nhà rường 3 gian 2 chái nằm trên diện tích hơn 2.000m2 của ông Thông được xếp vào nhà vườn loại 1 có giá trị lịch sử, văn hóa. Thông qua đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng”, gia đình ông Thông được hỗ trợ kinh phí gần 700 triệu đồng cho các hạng mục như thay thế cấu kiện gỗ và mái ngói hư hỏng, xuống cấp; tu bổ bờ nóc, bờ quyết, bờ mái; chống mối mọt và chống ẩm… Việc trùng tu kéo dài trong 150 ngày và đã hoàn thành vào cuối năm 2019.

Cách đó không xa, nhà vườn của ông Hồ Xuân Doanh ở phường Thủy Biều cũng nằm trong diện đề án hỗ trợ. Với kinh phí hơn 800 triệu đồng, ông Doanh đã sửa sang nhà rường, khuôn viên. “Ngoài ra, tôi đầu tư 500 triệu đồng xây dựng thêm nhà rường, mở rộng kinh doanh dịch vụ du lịch, đón khách tham quan, thư giãn. Qua đó vừa phát triển kinh tế, vừa giữ được văn hóa truyền thống mà cha ông đã để lại”.

Ở phía đối diện bên kia sông Hương, Kim Long nổi tiếng với những ngôi nhà vườn đặc sắc xứ Huế. Thế nhưng, cũng vì nhiều lý do mà nhiều nhà vườn xuống cấp theo thời gian. Và nhờ có đề án, những ngôi nhà ấy cũng được hỗ trợ để tôn tạo, trùng tu, làm sống lại một không gian văn hóa. Được hỗ trợ 500 triệu đồng trùng tu, nâng cấp nhà vườn, với gia đình ông Hồ Văn Bình (26 Phạm Thị Liên, phường Kim Long) đó là sự may mắn. Thay cho khung cảnh hư hỏng, xuống cấp, giờ đây nhà vườn của ông Bình đã lấy lại vẻ khang trang nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc nhà vườn Huế. Dù không tham gia kinh doanh dịch vụ nhưng khi có các đoàn khách du lịch đến tham quan, gia đình ông Bình sẵn sàng mở cửa phục vụ, qua đó quảng bá thêm hình ảnh đặc sắc về Huế.

Vừa bảo tồn vừa khai thác

Theo đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng”, các nhà vườn được chọn tùy theo quy mô, vị trí, giá trị kiến trúc, văn hóa, lịch sử, hiện trạng… được hỗ trợ hơn 700 triệu đồng/nhà (loại 1), không quá 500 triệu đồng/nhà (loại 2) và không quá 400 triệu đồng/nhà (loại 3) để trùng tu bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị. Các nhà vườn trong diện bảo tồn bảo đảm các yếu tố như diện tích vườn phải lớn hơn 600m2, có kiến trúc, mỹ thuật của nhà đặc trưng Huế (như nhà rường một gian hai chái, ba gian hai chái, các cấu kiện gỗ chạm trổ công phu). Để tham gia, chủ nhà vườn làm đơn đăng ký với các thông tin pháp lý, diện tích, nguyện vọng và cam kết sau khi được hỗ trợ. Từ đó, cơ quan chức năng sẽ khảo sát, thẩm định trước khi đưa ra phương án hỗ trợ.

Số liệu từ UBND TP. Huế cho thấy, hiện có khoảng 100 nhà vườn trên địa bàn, trong đó 25 nhà vườn đã được đề án hỗ trợ. Đến thời điểm này, 11 nhà vườn đã triển khai trùng tu, sửa chữa với kinh phí hỗ trợ trên 9,3 tỷ đồng. Bà Phạm Thị Quỳnh Dao, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP. Huế thông tin, ngoài hỗ trợ tài chính, UBND TP. Huế còn phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị lữ hành, du lịch để giúp bà con liên kết, có cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh sản phẩm du lịch nhà vườn Huế. Nhiều nhà vườn sau khi trùng tu, cải tạo đã mở dịch vụ tham quan, homestay, ẩm thực đặc sản… đem lại thu nhập cao.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Huế Trần Song, để đề án thành công như thế, chính quyền đã làm việc, thảo luận với từng chủ hộ nhà vườn để nắm được tâm tư, nguyện vọng, cũng như giải đáp từng thắc mắc cho người dân về các quy định, chính sách của đề án, hình thành ý thức tự nguyện tham gia. Để tránh trường hợp chủ nhà vườn tham gia đề án vi phạm cam kết thực hiện nghĩa vụ bảo vệ nhà vườn, thành phố thường xuyên tuyên truyền, ngăn chặn tách thửa, xây dựng công trình trái phép, phá vỡ cảnh quan nhà vườn.

“Các nhà vườn tham gia đề án sau khi được hỗ trợ tu bổ, chống xuống cấp đã góp phần bảo tồn và khai thác các giá trị nhà vườn truyền thống Huế. Không chỉ cấu thành hệ sinh thái đô thị - nhà vườn, những ngôi nhà vườn hồi sinh đã làm sống lại nét riêng biệt, ngoài các vẻ đẹp khác, đặc sắc của mảnh đất cố đô...”, ông Trần Song nhấn mạnh.

Theo daibieunhandan.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×