Sống chung với Covid-19: Đông Nam Á "dè dặt" đón du khách quốc tế
30/09/2021 | 08:57Đông Nam Á vẫn đang là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhất là khi xuất hiện biến thể Delta. Tuy vậy, các nước này đang từng bước bỏ lại chính sách "Không Covid-19" và vạch ra con đường sống chung với đại dịch nhằm phục hồi kinh tế.
Thái Lan
Ngành du lịch Thái Lan đóng góp khoảng 18% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đang chuẩn bị gỡ bỏ dần các yêu cầu kiểm dịch Covid-19 để mở cửa hoạt động du lịch. Hôm 27/9, Trung tâm quản lý tình huống Covid-19 Thái Lan (CCSA) cho biết, bắt đầu từ ngày 1/10, du khách quốc tế đã tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine ít nhất 14 ngày chỉ phải trải qua 7 ngày cách ly khi đến Thái Lan. Tuy vậy, yêu cầu cách ly không cần áp dụng ở một số tỉnh mở cửa cho du khách quốc tế.
Cụ thể, chính phủ Thái Lan công bố Kế hoạch mở cửa trở lại hoạt động du lịch quốc tế theo 4 giai đoạn: Giai đoạn một từ ngày 1/10 - 31/10, áp dụng cho các tỉnh Phuket, Krabi, Phang Nga và Surat Thani; Giai đoạn hai từ ngày 1/11 - 30/11, mở cửa trở lại các tỉnh thành mà du khách quốc tế đóng góp tới 15% doanh thu hoạt động du lịch như Bangkok, Chiang Mai; Giai đoạn ba từ ngày 1/12 - 31/12 và giai đoạn cuối có hiệu lực từ tháng 1/2022 trở đi.
Trước đó, đầu tháng 7, Thái Lan là nước Đông Nam Á đi tiên phong trong việc mở cửa du lịch trở lại với kế hoạch "hộp cát" du lịch. Theo đó, những du khách đã tiêm phòng hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 có thể vào Phuket mà không cần kiểm dịch. Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch Thái Lan, kế hoạch trên bước đầu đã thu được thành công nhất định, khi hòn đảo này chào đón hơn 26.000 du khách, tạo ra doanh thu trên 48 triệu USD trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua.
Singapore
Đến nay Singapore đã tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho trên 80% người dân và tiêm chủng vẫn là trụ cột trong kế hoạch mở cửa trở lại. Song chính phủ nước này vẫn đang mở cửa chậm rãi, dù áp lực duy trì tăng trưởng kinh tế ngày càng lớn. Mới đây chính phủ Singapore đang thay đổi chiến lược, chuyển mô hình chống dịch từ "Không Covid-19" sang "Sống chung với Covid-19", coi đây là bệnh đặc hữu.
Tuy vậy, điều này không có nghĩa là Singapore vội vã trong việc đưa nhịp sống trở lại bình thường, mà sẽ chọn cách tiếp cận chậm và chắc. Chính quyền xác định không thể tự nhiên có ngay mở cửa thành công, nên từng bước nỗ lực chứng minh khả năng mở cửa bền vững để tìm kiếm lời giải và cũng là bài học, kinh nghiệm cho các nước đi sau tham khảo.
Hiện Singapore đang thực hiện kế hoạch Làn đường Du lịch được tiêm chủng. Hôm 8/9, Singapore đã chào đón chuyên bay chở khách du lịch nước ngoài nhập cảnh không phải cách ly đầu tiên sau 20 tháng, nhưng quy định này chỉ áp dụng với hai nước có tỉ lệ lây nhiễm Covid-19 thấp là Brunei và Đức. Nếu chương trình hoạt động tốt, Singapore đã có kế hoạch mở các làn đường đi lại sang các nước khác.
Ngoài ra, du khách từ một số khu vực của châu Á cũng có thể nhập cảnh vào Singapore bất kể tình trạng tiêm chủng như thế nào nếu họ đăng ký Thẻ thông hành đi máy bay. Hiện tại, chương trình này được mở cho du khách từ Hong Kong, Macau, Đài Loan và Trung Quốc đại lục.
Indonesia
Quốc gia lớn nhất và đông dân nhất Đông Nam Á đang thực hiện các bước để sớm chào đón du khách quốc tế. Các đảo Bali, Bintan và Batam là một phần của kế hoạch thử nghiệm mở cửa trở lại của Indonesia. Đến nay, tỷ lệ tiêm chủng, quy trình an toàn và cơ sở hạ tầng y tế đã được đảm bảo.
Theo người phát ngôn Bộ Du lịch Indonesia, không phải ai cũng có thể tới thăm các khu du lịch sau khi mở cửa trở lại, mà chỉ những du khách đến từ các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng vaccine cao hoặc đã kiểm soát được đại dịch Covid-19, như các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… Danh sách các nước đủ tiêu chuẩn để công dân của họ có thể viếng thăm sẽ được Bộ Du lịch Indonesia cập nhật thường xuyên.
Tuy nhiên, việc hạn chế trong tiếp cận vaccine và dịch vụ y tế, đặc biệt trong việc vận chuyển và phân phối vaccine đến các tỉnh thành, khiến kế hoạch tiêm chủng cộng đồng bị chậm trễ. Giới chức Indonesia đặt mục tiêu đến tháng 11 tới hoàn thành việc tiêm chủng mũi thứ nhất cho 70% dân số, coi đây là điều kiện cần thiết để mở cửa trở lại, nhưng đến nay mới đạt 43% mục tiêu. Do đó, chính phủ Indonesia mới dự kiến mở cửa trở lại vào tháng 10, song chưa công bố cụ thể khu vực và ngày mở cửa./.