Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Sơn La: Vai trò của gia đình trong bảo tồn văn hóa truyền thống

19/09/2023 | 10:24

Văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc đều mang tính lưu truyền qua nhiều thế hệ, với những hình thức truyền miệng, truyền vai, truyền tay. Đó là những di sản văn hóa phi vật thể từ tiếng nói, chữ viết cho đến tín ngưỡng, phong tục tập quán..., mang giá trị lớn lao về văn hóa - lịch sử của mỗi dân tộc mà gia đình chính là những hạt nhân kết nối, lưu truyền những di sản vô giá ấy.

Sơn La: Vai trò của gia đình trong bảo tồn văn hóa truyền thống - Ảnh 1.

Nghệ nhân ưu tú Tòng Văn Hỏa, bản Cóng Nọi, phường Chiềng Cơi, Thành phố truyền dạy nghệ thuật chơi đàn nhị cho cháu.

Đồng bào dân tộc Mông có nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Kỹ thuật tạo hoa văn độc đáo đã được các bà, các mẹ truyền tay dạy lại cho con gái. Bà Tráng Thị Dua, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, nói: Con gái dân tộc Mông 6,7 tuổi theo mẹ học tước sợi lanh, xe lanh; 9-10 tuổi phải biết thêu hoa văn trên váy áo, dệt vải, nhuộm chàm; 15 tuổi phải tự hoàn thiện bộ váy áo cho mình và những người thân trong nhà. Trong mỗi gia đình, bà và mẹ luôn là người sát sao, dạy bảo con cháu từng li từng tí để con cháu càng lớn càng khéo tay và học được đức tính chăm chỉ, chịu khó.

Trong văn hóa truyền thống của dân tộc Dao, cấp sắc là nghi lễ vòng đời quan trọng đánh dấu bước trưởng thành của người con trai trong gia đình. Ông Triệu Văn Hoa, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, chia sẻ: Con trai khi còn bé được ông hoặc bố bế ẵm để xòe Dao trong mỗi dịp tổ chức lễ hoặc ngày tết. Đến khi biết đi vững thì bắt đầu học múa xòe, để khi được 7 tuổi trở lên là tổ chức lễ cấp sắc. Đàn ông dân tộc Dao cũng phải học chữ, học cúng, học hát để sử dụng thường xuyên trong những dịp làng bản cần đến. Thông thường, những gia đình nào có truyền thống làm thầy cúng thì trong nhà sẽ phải có từ 1-2 người con trai được truyền lại.

Với đồng bào Thái cũng vậy, trong kho tàng văn hóa đa dạng của dân tộc thì các loại hình trình diễn nghệ thuật dân gian cũng mang tính truyền đời rõ nét. Nghệ nhân ưu tú Tòng Văn Hỏa, bản Cóng Nọi, phường Chiềng Cơi, Thành phố, kể lại: Tôi bắt đầu học chơi đàn nhị, đàn tính tẩu từ người chú của mình. Vì yêu thích mà theo đi khắp nơi vừa đàn hát, vừa học hỏi kinh nghiệm trình diễn và chế tác đàn. Càng tìm hiểu lại càng đam mê nên đàn nhị, đàn tính đã trở thành một phần trong cuộc sống của tôi suốt hơn 60 năm qua. Cũng vì thế mà tôi muốn dốc tâm huyết để truyền dạy nghệ thuật này cho con cháu và những người có cùng đam mê với mong muốn gìn giữ được nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc.

Em Cầm Chí Kiên, 12 tuổi cũng ở bản Cóng Nọi, là cháu ruột của ông Hỏa, từ bé đã được ông truyền cảm hứng với những âm thanh du dương của cây đàn nhị. Em nói: Em rất thích tiếng đàn nhẹ nhàng, êm tai này. Cứ sau giờ học, rảnh rỗi em lại qua nhà ông nghe đàn và học cách chơi đàn, vừa được nghe ông giảng giải về những nét đẹp của văn hóa truyền thống nên em thêm hiểu và yêu bản sắc dân tộc mình hơn.

Hiện nay, Sơn La đã có 15 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận cấp quốc gia; toàn tỉnh có 2 nghệ nhân nhân dân, 34 nghệ nhân ưu tú, là những nhân tố tích cực trong việc truyền dạy, lưu giữ giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Cùng với đó, những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho tỉnh triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong phát triển văn hóa con người Sơn La, như: Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2022-2025... Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ văn hóa, hạt nhân văn nghệ cơ sở... nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng về bảo tồn văn hóa dân tộc, nhất là phát huy tốt vai trò của gia đình.

Ở thời nào cũng vậy, gia đình luôn là cái nôi gìn giữ và lưu truyền hiệu quả nhất những giá trị truyền thống của dân tộc. Gia đình còn là môi trường để bồi dưỡng nhân cách, giáo dục cho các thế hệ con cháu biết trân trọng giá trị tốt đẹp của văn hóa-lịch sử, cội nguồn dân tộc và tình yêu với quê hương, đất nước.

Theo Báo Sơn La

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×