Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Sơn La: Quảng bá thế mạnh địa phương từ lễ hội ngành nghề

28/08/2023 | 09:47

Lễ hội truyền thống là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của mỗi dân tộc, là điểm nhấn đặc sắc để thu hút du khách thì các lễ hội ngành nghề lại mang những đặc trưng riêng đáp ứng xu thế phát triển hiện đại. Tại Sơn La, những lễ hội về trái cây, mùa hoa ở Sơn La đang trở thành một phần không thể thiếu, là dịp để quảng bá mạnh mẽ về thế mạnh của nông sản và du lịch Sơn La.

Sơn La: Quảng bá thế mạnh địa phương từ lễ hội ngành nghề - Ảnh 1.

Du khách thích thú trải nghiệm các phần thi tại Ngày hội hái quả mận hậu huyện Mộc Châu năm 2023

Sau lần đầu tiên được tổ chức thành công vào năm 2014, Ngày hội hái quả mận hậu huyện Mộc Châu đã trở thành một sự kiện văn hóa – du lịch thường niên của huyện. Ngày hội hái quả là dịp để người nông dân Mộc Châu được thể hiện, giới thiệu thành quả của mình đến bạn bè, du khách. Đây là dịp thu hút du khách về tụ hội, tham quan, trải nghiệm và thưởng thức loại quả ngon đặc trưng của cao nguyên Mộc Châu.

Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, cho biết: Mộc Châu hiện có hơn 3.200 ha mận hậu, là vùng trồng mận lớn nhất cả nước. Sản phẩm mận hậu Mộc Châu đảm bảo tiêu chuẩn quả an toàn, vùng sản xuất mận hậu Mộc Châu nằm trong quy hoạch vùng sản xuất quả an toàn tỉnh Sơn La. Mận hậu Mộc Châu có độ giòn, ngọt, thơm và an toàn cho sức khỏe nên thông qua ngày hội, Mộc Châu mong muốn giới thiệu, quảng bá sản phẩm mận hậu Mộc Châu đến người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Tham gia trải nghiệm Ngày hội hái quả mận hậu huyện Mộc Châu năm 2023, anh Đỗ Quang Long, du khách đến từ Hà Nội hào hứng nói: Tôi thực sự choáng ngợp trước không khí của ngày hội hái quả, có rất đông du khách từ mọi miền đất nước và du khách nước ngoài cũng về đây tham gia ngày hội. Đặc biệt là ai cũng thích thú và ấn tượng khi được tận hưởng không gian thiên nhiên khoáng đạt của vùng thảo nguyên xanh cũng như những sản phẩm nông sản tuyệt vời được sản xuất từ chính mảnh đất này.

Sơn La: Quảng bá thế mạnh địa phương từ lễ hội ngành nghề - Ảnh 2.

Ngày hội xoài Yên Châu năm 2023. Ảnh: Hoàng Long (Thành phố)

Còn tại Yên Châu, vùng đất của chuối ngọt, xoài thơm, cứ đến tháng 6 hằng năm, người người lại nô nức về đây tham dự ngày hội xoài. Ông Nguyễn Quang Hưng, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Yên Châu, chia sẻ: Ngày hội xoài huyện Yên Châu được tổ chức thường niên bắt đầu từ năm 2017 với mục đích xúc tiến, quảng bá thương hiệu xoài Yên Châu và các sản phẩm nông sản tiêu biểu của địa phương. Dần dần, ngày hội được lồng ghép thêm các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham gia, qua đó quảng bá về văn hóa và du lịch Yên Châu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Sơn La: Quảng bá thế mạnh địa phương từ lễ hội ngành nghề - Ảnh 3.

Thi đấu thể thao dân tộc tại Ngày hội hoa sơn tra huyện Mường La năm 2023

Sơn La hiện có trên 84.700 ha cây ăn quả các loại, là vựa trái cây lớn nhất miền Bắc, suốt bốn mùa quanh năm đều có các loại cây ăn quả thơm ngon. Mỗi địa phương hình thành nên các vùng trồng cây ăn quả đặc trưng, tạo nên những sản phẩm thế mạnh của từng nơi, thuận lợi để xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý vùng trồng. Những ngày hội sôi nổi với quy mô lớn quảng bá các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu đã được cấp thương hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý như: Ngày hội hái quả mận, ngày hội trà (Mộc Châu); ngày hội nhãn (Sông Mã); ngày hội xoài (Yên Châu); ngày hội cam (Phù Yên); ngày hội cà phê (Mai Sơn)… Và mới đây là Ngày hội Hoa Sơn tra của UBND huyện Mường La đã được Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Chứng nhận đăng ký quyền tác giả.

Các lễ hội ngành nghề cũng ra đời dựa trên thế mạnh sẵn có, trở thành những sự kiện xuyên suốt trong năm. Những ngày hội được tổ chức với nhiều hoạt động sôi nổi, giới thiệu về thế mạnh nông sản địa phương, văn hóa, con người bản địa. Ngày hội còn tạo không gian để những người làm nông nghiệp được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, tạo cơ hội tốt để xây dựng mối quan hệ hợp tác, kết nối chuỗi cung - cầu giữa các doanh nghiệp, thương nhân phân phối, các hộ sản xuất kinh doanh, các nhà vườn trong và ngoài tỉnh. Lễ hội ngành nghề gắn với những hoạt động văn hóa trở thành dịp để thu hút du khách, dần hình thành nên sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, tạo ấn tượng đặc trưng cho mỗi miền quê ở Sơn La.

Theo Báo Sơn La

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×