Sơn La: Đa dạng các hoạt động trải nghiệm không gian văn hóa, lịch sử
20/06/2022 | 16:29Thực hiện Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2018 đến nay, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức các hoạt động giáo dục trải nghiệm, tìm hiểu lịch sử thường niên, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu khoa học, học tập, lan tỏa những thông điệp sâu sắc về bảo tồn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc, truyền cảm hứng yêu thích lịch sử cho học sinh, sinh viên, thu hút đông đảo du khách đến tham quan.
Hoạt động trải nghiệm “Văn hóa dân tộc Mông Sơn La” vừa được Bảo tàng tỉnh tổ chức vào tháng 5/2022, tái hiện lại những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông qua các trò chơi dân gian như rồng ấp trứng, ném pao, làm bánh giày, giới thiệu về ẩm thực, giới thiệu nghệ thuật khèn Mông và nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của người Mông hoa Mộc Châu. Các hoạt động sôi động bởi có cả sự tham gia của những nghệ nhân thêu, nghệ nhân làm khèn Mông đến từ Thành phố, các huyện Mộc Châu, Vân Hồ. Đó là một trong những nét hấp dẫn, thu hút đông đảo học sinh và du khách cùng tham gia.
Nghệ nhân thêu Vàng Thị Ly, bản Tà Số 2, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tự hào: Nghệ thuật thêu hoa văn là một trong những nét văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của đồng bào dân tộc Mông. Nên khi được Bảo tàng tỉnh mời đến trình diễn tại hoạt động trải nghiệm văn hóa dân tộc Mông, tôi rất vui, đây là dịp để giới thiệu nét đặc trưng này đến du khách và người dân Sơn La.
Phấn khởi khi được trải nghiệm văn hóa của dân tộc mình, em Mùa A Thành, học sinh Trường PTDT nội trú tỉnh, hào hứng: Các hoạt động trải nghiệm văn hóa đa dạng, gắn liền với đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc Mông. Em được tìm hiểu và gặp gỡ những nghệ nhân truyền dạy nghệ thuật khèn Mông, nghệ thuật tạo hoa văn trên vải của đồng bào dân tộc Mông, bản Tà Số, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu. Qua đây em hiểu rằng việc bảo tồn và lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc là rất cần thiết.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Tú, Phó trưởng Phòng Giáo dục Truyền thống, Bảo tàng tỉnh, cho biết: Phòng Giáo dục Truyền thống là đơn vị trực tiếp tham mưu cho Bảo tàng tỉnh tổ chức các chương trình giáo dục trải nghiệm văn hóa tại địa phương. Chúng tôi đã trực tiếp tham gia trải nghiệm các lễ hội, văn hóa, tín ngưỡng của từng dân tộc tại địa phương và học tập, tham khảo cách thức tổ chức sự kiện tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam… Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch tổ chức sự kiện chi tiết, độc đáo, bài bản và chuyên nghiệp.
Trong 5 năm qua, Bảo tàng tỉnh đã tham mưu tổ chức 12 chương trình giáo dục trải nghiệm văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Sơn La; tổ chức các chương trình giáo dục lịch sử, tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của các danh nhân, như: Chủ tịch Hồ Chí Minh, liệt sỹ Tô Hiệu, tìm hiểu lịch sử các di tích và sự kiện lịch sử quốc gia… thu hút hàng chục nghìn người dân địa phương và du khách tham gia.
Bà Ngô Thị Hải Yến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: Thời gian tới, ngoài sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương, chúng tôi sẽ tăng cường vận động xã hội hóa, tổ chức thêm các hoạt động giáo dục trải nghiệm thiết thực. Kết hợp với Bảo tàng Trung ương và các địa phương tổ chức các hoạt động trải nghiệm. Gần đây nhất, chúng tôi sẽ phối hợp với Bảo tàng Hà Nội tổ chức trưng bày các mộc bản, giới thiệu về phương thức làm mộc bản qua các triều đại lịch sử.
Với nội dung phong phú, đa dạng, tính giáo dục cao, hoạt động giáo dục lịch sử, trải nghiệm văn hóa các dân tộc đã góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động bảo tàng, đưa bảo tàng trở thành một trong những điểm tham quan hấp dẫn, góp phần truyền bá, bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số, tạo sự hấp dẫn riêng, điểm nhấn về du lịch của địa phương.