Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Sơn La: Bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc

25/04/2023 | 09:40

Cộng đồng 12 dân tộc ở Sơn La vốn có nền văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú, trong đó, có nhiều trò chơi dân gian vẫn được gìn giữ, tái hiện và thi đấu sôi nổi trong những dịp lễ tết hằng năm. Không ít trò chơi đã được phát triển thành bộ môn thể thao nằm trong danh sách các môn thi ở những giải đấu các cấp, góp phần không nhỏ để bảo tồn và phát triển nét đẹp văn hóa của dân tộc, khuyến khích phong trào luyện tập và thi đấu thể dục thể thao trong nhân dân.

Sơn La: Bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc - Ảnh 1.

Thi đấu môn ném còn tại Lễ hội hoa ban xã Chiềng Khoa, Vân Hồ

Từ những trò chơi dân gian….

Cùng với văn hóa truyền thống đặc sắc thì mỗi dân tộc ở Sơn La lại có những trò chơi, môn thể thao riêng: Dân tộc Thái có ném còn, tó mák lẹ, đi cà kheo...; dân tộc Mông có đánh tu lu, đánh cầu lông gà, ném pao... Hay đẩy gậy, bắn nỏ lại là trò chơi tiêu biểu cho tinh thần thượng võ, gắn liền với đời sống sinh hoạt thường ngày trước đây của đồng bào các dân tộc miền núi. Thi đấu các trò chơi dân gian là hình ảnh thường thấy trong mỗi dịp tết, lễ hội hay sinh hoạt cộng đồng. Sau phần lễ trang trọng thì phần hội sẽ không thể thiếu các phần thi đấu sôi nổi, thu hút đông đảo người dân tham gia, không phân biệt giới tính, lứa tuổi.

Ông Vàng A Chớ, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Tà Phềnh, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, nói: Trong dịp lễ, tết, bà con trong bản thường diện những bộ trang phục đẹp nhất, tập trung tại nhà văn hóa bản hay sân bóng để xem biểu diễn văn nghệ và nhất là tham gia các trò chơi dân tộc như: Ném pao, đánh tu lu, bắn nỏ, đẩy gậy… Những hoạt động này giúp bà con trong bản gắn chặt tình đoàn kết, tạo không khí vui tươi, sôi nổi, thi đua lao động, sản xuất hiệu quả.

Sơn La: Bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc - Ảnh 2.

Trò chơi dân gian tó mák lẹ của dân tộc Thái.

Nếu đến với mỗi bản làng dân tộc Thái ở Sơn La dịp lễ, không khó để bắt gặp hình ảnh những nhóm người tụ tập chơi tó mák lẹ đông vui trên sân nhà, ngoài ngõ xóm hay tập trung cổ vũ trò chơi ném còn với cây nêu được dựng ngay giữa bãi đất trống của bản. Những quả còn gắn tua chỉ xanh đỏ bay phấp phới theo tay người ném trước sự tiếng reo hò và ánh mắt cùng hướng về “vòng còn” trên cao tít. Thế mới thấy được những trò chơi dân gian ấy có sức sống mãnh liệt và sự gắn kết cộng đồng lớn lao đến độ nào. Bà Lò Thị Thương, bản Cọ, phường Chiềng An, Thành phố, chia sẻ: Với đồng bào Thái, tó mák lẹ là trò chơi ai cũng yêu thích và thường xuyên tổ chức chơi mỗi dịp nghỉ lễ, tết hay khi rảnh rỗi. Trò này dễ chơi, dễ tạo tiếng cười vui vẻ cho tất cả mọi người.

... đến môn thể thao tại các giải thi đấu

Từ các trò chơi dân gian đã được phát triển thành những môn thể thao dân tộc dùng để thi đấu trong các hoạt động văn hóa, thể thao của các cấp. Đặc biệt là tại các dịp phục dựng lễ hội truyền thống thì thi đấu thể thao dân tộc trở thành một phần không thể thiếu. Các vận động viên được tuyển chọn từ bản làng, có kỹ năng thi đấu và sự tự tin thể hiện ở mỗi phần thi, không chỉ cống hiến những màn tranh tài gay cấn mà còn mang đến tiếng cười vui vẻ cho khán giả, bà con nhân dân đến xem và cổ vũ.

Sơn La: Bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc - Ảnh 3.

Thi đi cà kheo tại Lễ hội hoa ban của Thành phố

Ông Lò Văn Yên, phường Chiềng Cơi, Thành phố, một người có kinh nghiệm nhiều năm tham gia thi đấu tó mák lẹ tại các mùa lễ hội hoa ban của Thành phố, hào hứng chia sẻ: Tó mák lẹ là trò chơi rất quen thuộc với đồng bào dân tộc Thái. Tham gia trò chơi này thường xuyên sẽ giúp người chơi hình thành được kỹ năng và kinh nghiệm để khi thi đấu, đạt kết quả cao.

Các trò chơi dân gian cũng trở thành môn thể thao chính tại những giải thi đấu thể thao các cấp, các kỳ đại hội thể dục thể thao cấp tỉnh, thậm chí xuất hiện cả ở giải thi đấu cấp quốc gia. Những môn thi như bắn nỏ, đẩy gậy, tung còn, tu lu là môn thi khá quen thuộc tại các giải đấu hằng năm của các địa phương, các cấp, ngành trong tỉnh. Đây cũng là 4/12 môn thi đấu chính thức tại Đại hội thể dục thể thao tỉnh năm 2022 với việc tuyển chọn vận động viên từ cơ sở và đưa vào luyện tập bài bản ở các địa phương. Vốn dĩ là những trò chơi dân gian quen thuộc với đồng bào dân tộc, kỹ năng chơi được hình thành từ chính đời sống thường ngày và cũng trở thành lợi thế của các vận động viên quần chúng khi tham gia thi đấu.

Sơn La: Bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc - Ảnh 4.

Bắn nỏ là môn thể thao dân tộc tại những giải thi đấu thể thao các cấp

Ông Nguyễn Trí Việt, Trưởng Phòng Tổ chức thi đấu, Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh cho biết: Hằng năm, Trung tâm đều có những đợt huấn luyện vận động viên quần chúng theo kế hoạch của tỉnh tham gia các giải thi đấu thể thao dân tộc cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc. Các vận động viên được tuyển chọn từ cơ sở, có tố chất sẽ tham gia luyện tập trong khoảng thời gian ít nhất 10 ngày với huấn luyện viên trước khi đi thi đấu.

Sơn La: Bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc - Ảnh 5.

Thi đấu môn đẩy gậy tại giải thể thao của tỉnh

Tại Đại hội thể dục thể thao toàn quốc 2022, đẩy gậy cũng được đưa vào danh sách bộ môn thi đấu chính thức, thu hút gần 200 vận động viên đến từ 21 tỉnh, thành trong cả nước tham gia, trong đó có Sơn La. Mới đây nhất, tại Giải vô địch đẩy gậy toàn quốc lần thứ 17 và giải Vô địch Kéo co toàn quốc lần thứ 11 - năm 2023 diễn ra tại Cửa Lò, Nghệ An, Đoàn thể thao Sơn La có 38 vận động viên tham gia 2 bộ môn thi đấu, kết quả đoạt 2 huy chương vàng đẩy gậy và 3 huy chương vàng môn kéo co. Việc tổ chức các giải đấu lớn về thể thao dân tộc cũng như thành tích mà đoàn thể thao của tỉnh đạt được đã giúp cổ vũ tinh thần và khuyến khích phát triển phong trào thể thao quần chúng trong đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Các trò chơi dân gian vốn dĩ là những hoạt động vui chơi giải trí xuất phát từ lịch sử, lao động và văn hóa đời sống, do nhân dân sáng tạo ra và được lưu truyền tự nhiên qua nhiều thế hệ. Phát triển trò chơi dân gian thành môn thể thao dân tộc, đưa vào danh sách các bộ môn thi đấu tại những giải thể thao các cấp đã và đang giúp khuyến khích việc rèn luyện tăng cường sức khỏe từ chính nếp sinh hoạt quen thuộc của đồng bào, vừa góp phần bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, giúp tôn vinh văn hóa, gắn kết cộng đồng dân tộc.

Theo Báo Sơn La

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×