Sớm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa để khắc phục khó khăn về thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở
17/01/2024 | 11:09Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm sâu sắc đến xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao của đất nước, trong đó có sự nghiệp xây dựng và phát triển mạng lưới các thiết chế văn hóa, thể thao từ trung ương tới cơ sở, vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo.
Vai trò của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trong việc vận hành chung của nền văn hóa được nâng cao
Theo TS. Trần Minh Chính, nguyên Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo các giá trị văn hóa thể thao của nhân dân trên địa bàn dân cư; đồng thời thực hiện các hoạt động tuyên truyền, cổ động phục vụ các nhiệm vụ chính trị - kinh tế - xã hội của trung ương và địa phương.
Bên cạnh đó, thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở là nơi diễn ra các hoạt động giáo dục ngoài nhà trường và hướng dẫn thực hành văn hóa thể thao góp phần nâng cao dân trí, nâng cao thể chất con người, ươm mầm cho những sáng tạo có chất lượng cao về văn hóa, nghệ thuật và thể thao; định hướng thẩm mỹ và ngăn chặn việc truyền bá văn hóa phản động, đồi trụy, các tệ nạn xã hội trên địa bàn dân cư.
Thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở cũng là nơi giao lưu - tiếp biến và quảng bá những giá trị văn hóa giữa các địa phương, vùng miền của đất nước, của nhân loại, góp phần quan trọng hiện thực hóa chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước về xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm sâu sắc đến xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao của đất nước, trong đó có sự nghiệp xây dựng và phát triển mạng lưới các thiết chế văn hóa, thể thao từ trung ương tới cơ sở, vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo.
Thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 và Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030, trong đó thể hiện khá đầy đủ, toàn diện về phát triển mạng lưới thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trong trung hạn và dài hạn.
Theo TS. Trần Minh Chính, đây là cơ sở pháp lý và định hướng rất quan trọng để các bộ ngành và địa phương, đặc biệt là Bộ VHTTDL triển khai xây dựng và phát triển mạng lưới thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn cả nước nhiều năm qua.
Theo số liệu thống kê - tổng hợp của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) đến nay đã có 42 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy hoạch xong quỹ đất dành cho xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, nhiều thiết chế văn hóa, thể thao đã được xây dựng hoặc sửa chữa nâng cấp to, đẹp khang trang và chuyển đổi phương thức hoạt động có hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường…
Vai trò của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trong việc vận hành chung của nền văn hóa được nâng cao, đồng thời có vị trí ngày càng quan trọng trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và sự nghiệp xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đang triển khai rộng khắp trong cả nước.
Vẫn còn nhiều bất cập
Tuy nhiên, TS. Trần Minh Chính cho rằng, hiện vẫn còn tồn tại trong một thời gian dài cho tới nay việc nhiều cấp ủy đảng và chính quyền các cấp cũng như các cơ quan chức năng liên quan trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư, tài chính, tổ chức bộ máy chính quyền, quản lý đất đai … chưa thật sự coi phát triển văn hóa nói chung và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên và ưu tiên trong chiến lược phát triển bền vững đất nước.
Đặc biệt, tổng mức đầu tư cho văn hóa, thể thao trong nhiều năm qua vẫn ở mức chưa thể “ngang tầm nhiệm vụ” để văn hóa Việt Nam phát triển, bứt phá tương xứng với vai trò, vị thế là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước.
Bên cạnh đó, quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở Chính phủ đã có quy hoạch, Bộ VHTTDL đã có tiêu chí hướng dẫn, nhưng hầu hết các địa phương, nhất là ở các đô thị, khu vực miền núi việc dành ra quỹ đất đúng tiêu chuẩn là vô cùng khó khăn vì nhiều lẽ…Trong những năm qua, ở không ít địa phương nhiều công trình văn hóa, thể thao có vị trí đắc địa để phù hợp với hoạt động công chúng bị hoán đổi “nhường lại” một cách khó hiểu cho các công trình kinh doanh - kinh tế mọc lên mà chưa được xử lý triệt để…
Đặc biệt, kinh phí để xây dựng mới, sửa chữa hoặc nâng cấp, mua sắm trang thiết bị của thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển hệ thống, tình trạng “giật gấu vá vai” còn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương, nhất là các địa phương chưa tự chủ được về tài chính.
Thêm vào đó, nguồn nhân lực cán bộ quản lý và chuyên môn nghiệp vụ trong bộ máy vận hành của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở ở cấp xã, thôn nhìn chung còn ở mức thấp, nhiều nơi, nhất là vùng sâu vùng xa vừa thiếu vừa yếu.
Đây là tình trạng rất nan giải liên quan trực tiếp đến việc duy trì và chất lượng các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ở cơ sở. Cùng với đó là chế độ lương, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ nhân lực này còn ở mức rất thấp.
“Một công chức văn hóa cấp xã có trình độ đại học hiện nay, mức lương ban đầu chỉ gần 4 triệu đồng và phải chịu trách nhiệm tới vài lĩnh vực như văn hóa, giáo dục, y tế… Còn nhân sự cấp thôn hầu như không có chế độ gì, chỉ trông cậy vào một khoản trợ cấp nào đó" - TS. Trần Minh Chính nêu ví dụ.
Cùng với đó, nội dung hoạt động và phương thức quản lý vận hành của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở ở nhiều địa phương trong điều kiện biến đổi nhanh chóng của cơ chế thị trường, sự bùng nổ của khoa học công nghệ và truyền thông đại chúng hiện nay đã không bắt kịp những đòi hỏi cao và luôn thay đổi của công chúng và cộng đồng.
Nhiều thiết chế cấp tỉnh, cấp huyện ngay cả trong trường hợp được đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ có trình độ khá cao cũng gặp nhiều khó khăn, lúng túng và chịu nhiều áp lực trong thực hiện nhiệm vụ hoạt động của một đơn vị có thu theo quy định hiện hành của Nhà nước… Việc thực thi các quy định về quyền tự chủ của các đơn vị sự nghiệp còn nhiều vướng mắc.
Sớm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn mới
Từ những thực tế này, TS. Trần Minh Chính đề xuất, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tiếp tục ủng hộ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn mới, trong đó có mục đầu tư phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở vốn đang rất khó khăn về kinh phí trong điều kiện sau đại dịch.
“Tôi kiến nghị và hy vọng với chức năng và quyền hạn của mình, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội đề nghị Nhà nước nâng tổng đầu tư kinh phí cho ngành văn hóa, thể thao, du lịch lên mức 2% tổng chi ngân sách hằng năm để Ngành có điều kiện thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu chiến lược đã được phê duyệt.”, TS. Trần Minh Chính nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ VHTTDL phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm quy hoạch về quỹ đất cho xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm trong việc hoán đổi hoặc thu hồi đất của các công trình văn hóa, thể thao dành cho việc khác trái pháp luật. Trong trường hợp có lỗ hổng về văn bản pháp luật thì cần sửa đổi bổ sung ngay để ngăn chặn kịp thời tình trạng này.
Đồng thời, Bộ VHTTDL, các bộ ngành liên quan cần đề nghị với Chính phủ rà soát lại cơ chế, chính sách và các quy định của pháp luật để nếu có thể, sửa đổi và bổ sung các quy định mới trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở có sử dụng ngân sách Nhà nước, nhằm nâng cao chất lượng các công trình xây dựng và đồng bộ hóa giữa công tác xây dựng và mua sắm trang thiết bị, đảm bảo công năng khai thác của thiết chế được xây dựng, phòng chống tiêu cực, lãng phí trong quá trình đầu tư.
Đặc biệt, cần đổi mới tư duy đầu tư theo hướng không nhất thiết phải đặt ra mục tiêu là “phủ sóng” 100% việc xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở ở cấp xã, thôn, bởi vì trên thực tế, có những khu vực do đặc thù địa lý và mật độ dân cư thưa thớt, người dân không có điều kiện để sinh hoạt cộng đồng thường xuyên nếu như các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở này được xây dựng.
Theo TS. Trần Minh Chính, đối với các khu vực dân cư đặc thù này, nên tìm một giải pháp thay thế khác để nâng cao đời sống văn hóa cho người dân, chẳng hạn như Nhà nước có thể hỗ trợ mua sắm các thiết bị nghe nhìn, tăng tần suất hoạt động của các đội xung kích tuyên truyền cổ động, văn hóa văn nghệ đến với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…
Trong ba dạng kinh phí đầu tư để hình thành công trình và duy trì hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở là: Đầu tư xây dựng công trình, đầu tư cho nhân lực vận hành và đầu tư cho duy trì hoạt động thường xuyên, thì đối với các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở cấp xã, thôn hai khoản đầu tư cho nhân lực vận hành và duy trì hoạt động thường xuyên này hầu như không có nguồn. Đây là vấn đề không thể không giải quyết nếu muốn các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trực tiếp với người dân hoạt động có hiệu quả. Do vậy, Bộ VHTTDL cần phối hợp với Bộ Tài chính (có thể là với cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư…) trình Chính phủ giao ngân sách các tỉnh thông qua Hội đồng nhân dân lập mục chi chính thức cho các công việc này. Những khoản chi này rất quan trọng với cơ sở, hơn nữa không tốn kém đến mức các địa phương không thể gánh vác vì các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở cấp xã, thôn có quy mô hoạt động không lớn như cấp huyện, cấp tỉnh.
TS. Trần Minh Chính cho rằng, Bộ VHTTDL cần phối hợp với các địa phương có chủ trương, kế hoạch trung hạn và dài hạn mang tính chiến lược để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn nghiệp vụ vận hành các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, đặc biệt là đối với các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở cấp xã, thôn. Các tỉnh cần giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng tập huấn này cho các trường Văn hóa nghệ thuật của tỉnh (đối với các tỉnh có trường) hoặc giao cho các Trung tâm văn hóa thế thao cấp tỉnh, huyện đảm nhiệm (nếu tỉnh không có trường). Các đơn vị này cần được bổ sung kinh phí để xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng, chủ yếu là ngắn hạn có nội dung sát thực với chức năng, nhiệm vụ của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở cấp xã, thôn.
Mặt khác, chế độ tiền lương và đãi ngộ đối với đội ngũ, nhân lực hoạt động ở các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở hiện nay là rất thấp, không đủ duy trì 1/3 mức sống tối thiểu hiện nay. Do vậy, Nhà nước cần khẩn trương nghiên cứu và xây dựng các cơ chế chính sách tiền lương, phụ cấp mang tính đặc thù ngành để ổn định hệ thống bộ máy, động viên và nuôi dưỡng nguồn nhân lực cho việc duy trì hoạt động có chất lượng của thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Đây là một giải pháp mang tính động lực để tạo nên chuyển động thực chất cho sự phát triển năng động của nền văn hóa nói chung và hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở nói riêng.
Ông Trần Minh Chính kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các địa phương tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách khuyến khích các hoạt động xã hội hóa văn hóa trong đầu tư xây dựng các trung tâm, các tụ điểm văn hóa, sớm hình thành và phát triển một hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở mới do dân lập bên cạnh các các hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở quốc lập vốn có làm phong phú, đa dạng hơn đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trên các địa bàn dân cư trong cả nước, đem lại diện mạo tươi trẻ và sức sống bền vững cho nền văn hóa Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.
Tại Quyết định số 2164/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030, mạng lưới thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được chia thành 04 hệ thống, bao gồm: Hệ thống do ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) quản lý; hệ thống do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quản lý; hệ thống do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quản lý; hệ thống do lực lượng vũ trang, các bộ, ngành khác quản lý cùng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở do xã hội hóa xây dựng. Trong đó, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở do ngành VHTTDL trực tiếp quản lý, bao gồm: Nhà văn hóa - khu thể thao thôn (gọi tắt là thôn); Trung tâm văn hóa - thể thao xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cấp xã); Trung tâm văn hóa - thể thao huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (gọi tắt là cấp huyện); Trung tâm văn hóa tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi tắt là cấp tỉnh).