Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

SEA Games 32: Đoàn Thể thao Việt Nam thành công hơn cả mong đợi

18/05/2023 | 08:04

Để có được những tấm huy chương, đặc biệt là HCV tạo nên thành công tốt đẹp hơn mong đợi của Đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) tại SEA Games 32, không chỉ HLV, VĐV, mà tập thể lãnh đạo, cán bộ Đoàn TTVN đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức.

Sau kỳ SEA Games 31 cán đích ở vị trí nhất toàn đoàn chung cuộc với 446 chương (205 HCV, 125 HCB và 116 HCĐ), Đoàn TTVN hướng tới SEA Games 32 với mục tiêu cao nhất là bảo vệ thành tích đã đạt được ở kỳ Đại hội trước.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trước đó khiến SEA Games phải lùi từ năm 2021 sang năm 2022 dẫn đến khoảng thời gian để Đoàn TTVN chuẩn bị giữa hai kỳ Đại hội 31 và 32 chỉ vỏn vẹn chưa đầy 12 tháng, bằng một nửa so với những kỳ Đại hội trước đây.

Điều này đặt ra một bài toán rất khó cho các bộ môn không chỉ trong việc lên kế hoạch tập huấn, lựa chọn điểm rơi phong độ mà còn cả vấn đề chuẩn bị lực lượng.

SEA Games 32: Đoàn Thể thao Việt Nam thành công hơn cả mong đợi - Ảnh 1.

Việc tính toán điểm rơi phong độ, lên kế hoạch tập luyện là một bài toán khó với các bộ môn trước thềm SEA Games 32

Các kỳ Đại hội SEA Games thường được xem là môi trường thích hợp để các VĐV trẻ cọ sát, trau dồi kinh nghiệm chuẩn bị cho các giải đấu lớn hơn. Tuy nhiên, để những VĐV trẻ có đủ khả năng tích lũy được tối đa kinh nghiệm từ đấu trường này cần phải có một khoảng thời gian nhất định đủ lâu.

Lấy ví dụ ở môn Điền kinh, để một VĐV trẻ đạt được yêu cầu đặt ra cần tối thiểu 2 năm. Trong khoảng thời gian đó, bên cạnh phát triển chuyên môn, các VĐV sẽ cần tham dự các giải đấu quốc nội, quốc tế để tự đắp dày kinh nghiệm thi đấu.

Nhưng đó là điều tương đối "xa xỉ" khi khoảng thời gian giữa hai kỳ SEA Games 31 và 32 không cho phép. Đối với một số bộ môn như Wushu biểu diễn, Taekwondo quyền...vì nhiều lí do khác nhau không có điều kiện tập huấn hay thi đấu cọ xát ngoại trừ Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX hồi cuối năm 2022. Do vậy, việc lựa chọn nhân sự, tính toán điểm rơi phong độ, lên kế hoạch tập luyện... bỗng dưng trở thành một bài toán khó với BHL, thậm chí là "đánh cược" đối với trường hợp sử dụng những VĐV trẻ mới lần đầu tham dự giải.

Trong trường hợp các bộ môn có điều kiện đi tập huấn thì bài toán sẽ được cộng thêm một số vấn đề khó khăn, đặc biệt là về thời tiết.

SEA Games 32: Đoàn Thể thao Việt Nam thành công hơn cả mong đợi - Ảnh 2.

Hình ảnh VĐV Nguyễn Thị Oanh chinh phục liên tiếp 2 tấm HCV trong 20 phút dưới thời tiết khắc nghiệt là biểu tượng cho sự bền bỉ, quyết tâm của VĐV Việt Nam

Thông thường, mùa khô nóng ở Campuchia kéo dài trong 2,5 tháng, từ giữa tháng 3 đến hết tháng 5. Trong năm nay, đỉnh điểm nắng nóng (có thể lên tới 40 độ C) ở Phnom Penh và các tỉnh thành lân cận rơi vào tháng 4, tháng 5 cũng chính là thời điểm diễn ra SEA Games 32 (29/4 - 16/5).

Trong khi đó, khoảng thời gian tập huấn của các đội tuyển Việt Nam rơi vào khoảng tháng 1 đến 3 lại tương đối mát mẻ. Địa điểm có thời tiết gần giống nhất với Campuchia tại Việt Nam là Nghệ An là nơi được chọn tập huấn cho các VĐV môn Điền kinh để thích nghi được phần nào với thời tiết khắc nghiệt của nước bạn.

Việc thi đấu dưới thời tiết nóng và độ ẩm cao sẽ gây ra hai vấn đề lớn với cơ thể là mất nước và tăng nhiệt độ lõi cơ thể. Đối với những môn thi đấu ngoài trời như Điền kinh, Golf, Bóng đá, Đua xe... thì dù có chuẩn bị kĩ càng như thế nào, đội ngũ hậu cần tốt ra sao đi chăng nữa, các VĐV cũng gặp không ít khó khăn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Hình ảnh VĐV trẻ Nguyễn Thị Ninh cán đích trong tình trạng kiệt sức, sốc nhiệt và phải nhờ đến sự chăm sóc của đội ngũ y tế và hai trường hợp VĐV chủ nhà Campuchia phải bỏ cuộc ở nội dung Marathon đã nói lên phần nào thách thức khắc nghiệt đó.

SEA Games 32: Đoàn Thể thao Việt Nam thành công hơn cả mong đợi - Ảnh 3.

Phạm Thanh Bảo (2001) là một trong những VĐV trẻ của thể thao Việt Nam

Nhưng sau cùng, vượt qua tất cả những khó khăn, Đoàn Thể thao Việt Nam đã mang về một kết quả không thể hoàn hảo hơn với vị trí nhất toàn đoàn chung cuộc. Với tổng số 355 huy chương gồm 136 HCV, 105 HCB và 114 HCĐ, Đoàn TTVN bỏ xa Đoàn xếp thứ 2 là Thái Lan với 108 HCV, 95 HCB và 108 HCĐ.

Hình ảnh đội tuyển nữ Việt Nam thi đấu liên tục trong khung giờ 16h00 chiều dưới cái nắng nóng bản địa hay Nguyễn Thị Oanh "ẵm trọn" 2 tấm HCV ở hai nội dung 1.500m và 3.000m chướng ngại vật chỉ trong 20 phút và bà mẹ một con Nguyễn Thị Huyền giành 3 HCV đều là những minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ, đánh đổi mồ hôi, nước mắt để mang về những thành tích cao nhất.

Không những vậy, "ván cược" của ngành thể thao Việt Nam đã giành chiến thắng, chúng ta có những gương mặt trẻ lần đầu tham dự Đại hội đã giành HCV như Nguyễn Thị Thu Hà (Điền kinh); có một Trần Thị Nhi Yến mới 18 tuổi, tập ở tuyển quốc gia hơn 4 tháng đã đạt thành tích 11 giây 75 ở đường chạy 100m... chúng ta cũng có những Nguyễn Quốc Toàn mới 19 tuổi nhưng đã phá kỷ lục cử đẩy và Phạm Thanh Bảo đã phá 2 kỉ lục môn bơi ở nội dung 100m, 200m ếch.

Những VĐV này chắc chắn sẽ được đầu tư trọng điểm để có thể giành huy chương ở cấp châu lục và sẽ giúp TTVN dần vươn xa hơn trên đấu trường quốc tế và châu lục.

Bạch Dương

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×