Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

SEA Games 31: Vượt khó khăn để làm nên những kỳ tích lịch sử

24/05/2022 | 11:03

SEA Games 31 thành công rực rỡ không chỉ ở mặt chuyên môn, công tác tổ chức, việc quảng bá đậm nét hình ảnh đất nước, con người Việt Nam mà còn là kỳ SEA Games vượt qua những khó khăn, thách thức chưa từng có để làm nên những kỳ tích lịch sử.

Sau 17 ngày tranh tài, Đại hội thể thao Đông Nam Á - SEA Games 31 đã chính thức khép lại với Lễ bế mạc tối 23/5. Không phải một bữa tiệc âm thanh và ánh sánh hoành tráng như đêm khai mạc, nhưng lời chào giã bạn mang đậm bản sắc văn hóa Việt đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người hâm mộ nước nhà và bàn bè quốc tế.

Đó là ấn tượng về một kỳ SEA Games thành công rực rỡ, sâu đậm tình đoàn kết, hữu nghị và tinh thần thể thao cao thượng, vượt lên tất cả khó khăn, thử thách.

SEA Games 31: Vượt khó khăn để làm nên những kỳ tích lịch sử - Ảnh 1.

Một trong những hình ảnh tuyệt vời của SEA Games 31.

Vượt qua thách thức chưa từng có tiền lệ

Còn nhớ gần 1 năm trước, tháng 7/2021, trước diễn biến ngày càng phức tạp của đại dịch COVID-19, Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á cho biết SEA Games 31, ban đầu dự kiến diễn ra tại thủ đô Hà Nội vào tháng 11/2021 sẽ bị hoãn sang năm 2022. Lần đầu tiên một kỳ SEA Games bị hoãn vì lý do dịch bệnh.

Cuối tháng 7 năm đó, thủ đô Hà Nội buộc phải áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng, giãn cách xã hội toàn thành phố, mọi hoạt động bị ngưng trệ, ưu tiên cao nhất được dành cho công tác chống dịch COVID-19. Những người yêu thể thao thấp thỏm, lo lắng không biết SEA Games có thể quay trở lại và người hâm mộ liệu có thể đến sân theo dõi trực tiếp các vận động viên thi đấu.

Trong bối cảnh đó, cả hệ thống chính trị đã dồn sức cho công tác phòng chống dịch bệnh, quyết tâm đưa cuộc sống trở lại bình thường, không để lỡ nhịp phát triển kinh tế. Đồng thời, không bỏ lỡ cơ hội tổ chức các sự kiện quốc tế lớn, cơ hội quý giá để quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam như việc đăng cai tổ chức SEA Games 31.

SEA Games 31: Vượt khó khăn để làm nên những kỳ tích lịch sử - Ảnh 2.

SEA Games 31 đã phải hoãn lại nửa năm vì COVID-19 - Ảnh: HNM

Với những quyết tâm như vậy, bằng chính sách chống dịch đúng đắn, linh hoạt và hiệu quả, COVID-19 đã dần được kiểm soát ở Việt Nam. Đến đầu tháng 11/2021 khi tình hình dịch bệnh ở các nước Đông Nam Á cũng dần ổn định, ngày tổ chức SEA Games 31 được chính thức ấn định.

Kể từ đây, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), đơn vị tổ chức SEA Games 31 gấp rút đẩy nhanh mọi công tác chuẩn bị để hướng tới một kỳ đại hội an toàn, thành công.

Cũng từ lúc này, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức SEA Games 31 Nguyễn Văn Hùng đã liên tục có những cuộc họp về tổ chức SEA Games, ông cũng thường xuyên có những chuyến kiểm tra, thị sát các địa điểm thi đấu bất kể giờ giấc để đôn đốc công tác chuẩn bị cho ngày hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á.

Tại buổi làm việc về công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 (buổi làm việc thứ 3 chỉ trong 2 tuần liên tiếp) diễn ra vài tuần trước ngày khai mạc SEA Games 31, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định không cho phép bất kỳ một đơn vị, cá nhân nào thuộc Bộ VHTT&DL "đứng ngoài cuộc" trong việc tổ chức SEA Games.

SEA Games 31: Vượt khó khăn để làm nên những kỳ tích lịch sử - Ảnh 3.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng liên tục có những chuyến kiểm tra công tác tổ chức SEA Games 31.

Thời điểm này, dù dịch bệnh đã dần được kiểm soát nhưng COVID-19 vẫn là mối đe dọa thường trực, chi phối rất lớn đến công tác chuẩn bị SEA Games 31 của Việt Nam.

Nỗi lo về một kỳ SEA Games không khán giả cũng luôn hiện hữu khi dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào và rất khó dự báo. Bên cạnh đó, trong bối cảnh cả nước phải gồng mình chống dịch, chi phí dành cho việc tổ chức SEA Games cũng phải được tiết kiệm tối đa.

Dẫu vậy, hầu hết các công việc vẫn được triển khai có hiệu quả như công tác vận động tài trợ, bố trí phương án ăn ở, đi lại cho các đoàn thể thao. Ban tổ chức cũng đã cố gắng cân đối, phát huy tính tự chủ của địa phương đăng cai, đồng thời, nhiều nội dung được triển khai bằng hình thức xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước.

Cuối cùng, vượt lên tất cả những khó khăn, thách thức, tối 12/5, hàng nghìn vận động viên, người hâm mộ trên Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình cùng hàng triệu khán giả Đông Nam Á đã được chứng kiến một lễ khai mạc SEA Games hoành tráng, ấn tượng với bản sắc văn hóa Việt Nam đậm đà, hòa quyện cùng tinh thần thể thao cao thượng và hiệu ứng công nghệ tuyệt vời.

SEA Games 31: Vượt khó khăn để làm nên những kỳ tích lịch sử - Ảnh 4.

Bữa tiệc âm thanh và ánh sáng hoành tráng trong lễ khai mạc SEA Games 31.

Lễ khai mạc SEA Games 31 đã toát lên những hình ảnh đẹp nhất về một Việt Nam hấp dẫn, thân thiện, hiếu khách, cùng với các quốc gia ASEAN khác cùng tỏa sáng, mạnh mẽ hơn vượt qua đại dịch COVID-19.

Ấn tượng những khán đài cuồng nhiệt, chật kín khán giả

Lễ khai mạc hoành tráng, rực rỡ sắc màu như báo hiệu cho một kỳ đại hội sôi động, hấp dẫn. Và đúng như vậy, sự cuồng nhiệt của khán giả không chỉ xuất hiện ở đêm khai mạc mà còn kéo dài đến môn thi đấu cuối cùng.

SEA Games 31 được tổ chức ở 12 tỉnh, thành của Việt Nam và gần như ở bất kỳ địa điểm thi đấu nào, ở bất kể môn thi đấu nào, dù có vận động viên nước chủ nhà thi đấu hay không cũng đều nhận được sự ủng hộ rất lớn từ khán giả.

Sự cuồng nhiệt thể hiện rõ nhất ở môn bóng đá, khi ngay cả những trận đấu không có sự góp mặt của các đội tuyển của Việt Nam, khán giả cũng kéo đến chật kín sân vận động để vũ rất nhiệt thành. Truyền thông quốc tế và các huấn luyện viên đặc biệt ấn tượng với không khí cuồng nhiệt, ngập tràn cờ đỏ sao vàng trên Sân vận động Thiên Trường (Nam Định) khi các trận đấu lúc nào cũng đông kín khán giả.

SEA Games 31: Vượt khó khăn để làm nên những kỳ tích lịch sử - Ảnh 5.

Cờ đỏ sao vàng ngập tràn sân vận động Cẩm Phả, Quảng Ninh khi đội tuyển bóng đã nữ thi đấu - Ảnh: Hiệp Hoàng

Hình ảnh cổ động viên đội mưa đứng chật kín sân vận động Phú Thọ theo dõi đội tuyển U23 Việt Nam thi đấu, sắc đỏ ngập tràn của hàng vạn cổ động viên trên sân vận động Cẩm Phả, Quảng Ninh khi các nữ tuyển thủ "ra trận" và đặc biệt, sự bùng nổ của hơn 40.000 cổ động viên có mặt trên sân vận động Mỹ Đình trong trận chung kết môn bóng đá nam là những hình ảnh rất đẹp và vô cùng ấn tượng, không chỉ với người hâm mộ Việt Nam mà còn với bạn bè quốc tế.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn hoành hành ở nhiều nơi trên thế giới, khi Olympic Tokyo 2020 (được tổ chức năm 2021) diễn ra không khán giả, Asiad 2022 tại Trung Quốc bị hoãn vô thời hạn vì dịch bệnh, thì hình ảnh các khán đài chật kín khán giả ở SEA Games 31 là minh chứng rõ ràng cho một Việt Nam an toàn, vượt qua bệnh dịch và cuộc sống bình thường đã trở lại.

SEA Games 31: Vượt khó khăn để làm nên những kỳ tích lịch sử - Ảnh 6.

Hơn 40.000 cổ động viên cổ vũ đội tuyển U23 Việt Nam trong trận tranh Huy chương Vàng tại sân vận động Mỹ Đình.

Những khán đài đầy ắp khán giả cũng là biểu tưởng cho sự nhiệt tình, thân thiện, mến khách của nước chủ nhà, góp phần quảng bá hình ảnh đẹp văn hóa và con người Việt Nam, lan tỏa thông điệp vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn.

Kỳ Đại hội của những kỷ lục

SEA Games 31 kết thúc với rất nhiều những kỷ lục ấn tượng, Đoàn thể thao Việt Nam đứng nhất toàn đoàn với 205 Huy chương Vàng (HCV), phá vỡ kỷ lục 194 HCV mà đoàn Indonesia giành được ở SEA Games 19 tổ chức năm 1997.

Đáng chú ý, Việt Nam đạt được kỷ lục không phải nhờ lợi thế sân nhà, như Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng từng nói trong lễ khai mạc: "Từ chối sự lựa chọn các bộ môn thể thao có lợi thế của nước chủ nhà để thể hiện sự công bằng, ý chí và khát vọng của khu vực Đông Nam Á".

Điều này một lần nữa được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định trong buổi trả lời báo chí hôm 19/5: "Chúng ta giành thành tích cao không phải vì công tác tổ chức, vì chúng ta là nước chủ nhà nên đưa vào thi đấu các môn có thế mạnh. Ở SEA Games lần này, chúng ta đã đặt ra là thi đấu cơ bản dựa trên các môn Olympic và Asiad Games".

SEA Games 31: Vượt khó khăn để làm nên những kỳ tích lịch sử - Ảnh 7.

VĐV Điền kinh Nguyễn Thị Oanh (giành 3 HCV, phá 1 kỷ lục SEA Games) 1 trong 4 gương mặt VĐV xuất sắc nhất SEA Games 31.

Thực tế, các vận động viên thi đấu các môn Olympic, Asiad của Việt Nam đều đạt được thành tích rất cao, nhiều kỷ lục được phá: Điền kinh Việt Nam xếp nhất toàn đoàn với 22 HCV, bỏ xa thành tích 12 HCV của đoàn xếp tiếp theo là Thái Lan; bơi giành 11 HCV, xếp thứ 2 toàn đoàn dù không có siêu kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, các môn võ thuật, bắn súng hay đấu kiếm cũng đạt thành tích rất ấn tượng.

Đặc biệt không chỉ thiết lập cột mốc lịch sử mới, điểm sáng vượt trội của thể thao Việt Nam là chiến thắng của bóng đá sân cỏ khi có hai nhà đương kim vô địch, Đội tuyển U23 quốc gia và Đội tuyển nữ quốc gia đã bảo vệ thành công ngôi vị vô địch bóng đá.

Những thành tích ấn tượng chính là tiền đề mới cho Thể thao Việt Nam phát triển lên mức cao hơn, hướng tới tầm châu lục và thế giới.

SEA Games 31: Vượt khó khăn để làm nên những kỳ tích lịch sử - Ảnh 8.

Lễ bế mạc SEA Games 31 là lời chào giã bạn đậm bản sắc văn hóa Việt.

SEA Games 31 khép lại với lễ bế mạc ấn tượng đêm 23/5, lời tạm biệt nồng ấm và cũng là lời hẹn gặp lại mà nước chủ nhà gửi đến các quốc gia tham dự.

Chúng ta sẽ gặp nhau ở SEA Games 32 tại Campuchia với niềm tin về một kỳ đại hội thành công, khẳng định tầm nhìn và sứ mệnh của ASEAN, đó là đoàn kết - hòa bình - hữu nghị - hợp tác và phát triển, như lời Thủ tướng Phạm Minh Chính trong lễ bế mạc: "Ngọn đuốc của niềm tin chiến thắng; ngọn đuốc của tình hữu nghị, đoàn kết; ngọn đuốc của hòa bình và phát triển khu vực Đông Nam Á sẽ mãi mãi thắp sáng"./.

Xuân Trường

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×