Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Sau năm 2024, tiếp tục điều chỉnh tăng lương để bù trượt giá

11/10/2023 | 16:42

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa 14 về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa 15 đến hết kỳ họp thứ 4 thuộc lĩnh vực Nội vụ.

Sau năm 2024, tiếp tục điều chỉnh tăng lương để bù trượt giá - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Giảm được 17 Tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục

Về sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở Trung ương và địa phương, thừa ủy quyền của Thủ tướng ký báo cáo gửi Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để chỉ đạo các bộ, ngành chủ động sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm cấp trung gian gắn với việc xây dựng Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, phù hợp với quan điểm, nguyên tắc quy định tại Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 56/2017/QH14.

Đến nay đã giảm được 17 Tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục; giảm 10 cục; giảm 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm cơ bản phòng trong vụ.

Đối với việc sắp xếp, kiện toàn cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, UBND cấp tỉnh, cấp huyện đã và đang chủ động thực hiện, kết quả đến nay đã giảm được 7 sở, 2.159 phòng thuộc sở và thuộc UBND cấp huyện.

Bên cạnh đó là thực hiện thí điểm hợp nhất, sáp nhập các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

Báo cáo nhấn mạnh, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các cơ quan, đơn vị, tổ chức từ Trung ương đến địa phương được rà soát, bổ sung, hoàn thiện hoặc ban hành mới, bảo đảm đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW, các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ... và phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Trong đó, đã khắc phục được cơ bản các vấn đề giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, ngành và tiếp tục rà soát, phân định rõ hơn về thẩm quyền và trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong tổ chức thực hiện.

“Tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống hành chính từng bước được đổi mới, sắp xếp, kiện toàn bước đầu đạt mục tiêu tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giải thể hoặc sắp xếp lại các cơ quan, tổ chức hoạt động không hiệu quả. Số lượng tổ chức và số lượng lãnh đạo, quản lý giảm nhiều, nhất là cấp phòng và tổ, đội. Chất lượng, hiệu quả trong điều hành, quản lý hành chính nhà nước được nâng lên” ” – Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết.

Đề cập số lượng cấp phó của tổ chức hành chính, báo cáo của Chính phủ nêu rõ, căn cứ quy định của Chính phủ về tiêu chí xác định số lượng cấp phó trong tổ chức hành chính, sau khi sắp xếp tổ chức của các bộ, ngành sẽ phải thực hiện giảm theo lộ trình đối với 61 lãnh đạo cấp tổng cục (14 tổng cục trưởng và 47 phó tổng cục trưởng), 17 lãnh đạo cấp cục thuộc bộ, 63 lãnh đạo cấp vụ thuộc bộ, 404 lãnh đạo cấp cục, vụ thuộc tổng cục.

Đối với các tổ chức do sáp nhập, hợp nhất làm tăng số lượng cấp phó sẽ phải sắp xếp theo lộ trình quy định tại Nghị định số 101/2020/NĐ-CP.

Đối với địa phương, căn cứ quy định của Chính phủ về tiêu chí xác định số lượng cấp phó và kết quả sắp xếp tổ chức hành chính, các địa phương đã rà soát, cơ cấu lại nhân sự lãnh đạo quản lý các cấp thuộc phạm vi quản lý. Đối với các tổ chức do sáp nhập, hợp nhất làm tăng số lượng cấp phó sẽ phải sắp xếp theo lộ trình quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP.

Về quy định bổ nhiệm “hàm”, Chính phủ cho biết, xuất phát từ đặc thù công việc tại một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương, vì mục đích bảo đảm chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức khi được điều động về công tác tại các cơ quan ở Trung ương nên đã thực hiện việc bổ nhiệm chức danh “hàm” tại một số cơ quan trong giai đoạn vừa qua. Trong giai đoạn 2009-2019 đã có 689 người được bổ nhiệm giữ các chức vụ hàm thuộc 40 cơ quan, tổ chức (35 cơ quan, đơn vị ở Trung ương và 5 địa phương

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Ban Tổ chức Trung ương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án “Xây dựng tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với đội ngũ chuyên gia; tiêu chuẩn, chế độ trợ lý, thư ký các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo của Đảng, Nhà nước” để khắc phục việc bổ nhiệm chức danh “hàm” trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị và trình Ban Bí thư ban hành Kết luận số 33-KL/TW ngày 01/4/2022 về việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ giữ chức vụ hàm ở các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị kể từ ngày 01/4/2022.

Sau năm 2024, tiếp tục điều chỉnh tăng lương để bù trượt giá

Một trong những nội dung đáng chú ý khác được Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà báo cáo là lĩnh vực tiền lương. Bộ trưởng Nội vụ cho biết, vừa qua Chính phủ đã báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ để báo cáo Ban Chấp hành Trung ương, báo cáo Quốc hội về kết quả và lộ trình cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp theo Nghị quyết số 27, Trung ương khóa 12.

Trong đó, Bộ Nội vụ đã đề xuất lộ trình cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang với 6 nội dung cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27 và dự kiến thực hiện từ ngày 1/7/2024.

Cụ thể là xây dựng 5 bảng lương mới; chế độ phụ cấp; chế độ tiền thưởng; chế độ nâng bậc lương; nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; quản lý tiền lương và thu nhập.

Trong đó, cơ cấu tiền lương mới theo Nghị quyết số 27 gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Sau năm 2024, tiếp tục điều chỉnh tăng lương để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP cho đến khi mức lương thấp nhất đạt bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng I (vùng cao nhất) của khu vực doanh nghiệp như mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 27.

Theo Nghị quyết 27, chế độ tiền lương mới sẽ có 5 bảng lương.

Một là bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã.

Hai là bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo.

Ba là bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm).

Bốn là bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an.

Năm là bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.


Bảo Trân

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×