Sân khấu thiếu nhi: Nỗ lực đổi mới để thu hút khán giả
24/05/2024 | 11:10Ngay từ đầu hè, sân khấu thiếu nhi đã bùng nổ với hàng loạt vở diễn mới được các Nhà hát dàn dựng cho ra mắt với khán giả.
Giao lưu hợp tác quốc tế
Theo Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam NSƯT Kiều Minh Hiếu cho biết: "Sân khấu dành cho thiếu nhi là vấn đề mà các nhà hát rất trăn trở, nhưng lâu nay vẫn chưa có những hành động nhất định. Tuy nhiên, đến năm 2024, các nhà hát nói chung, Nhà hát Kịch Việt Nam nói riêng rất quyết liệt, xác định rõ mục tiêu đối tượng, tìm đọc kịch bản rất kỹ để làm sao có được những chương trình nghệ thuật hấp dẫn, ý nghĩa, thu hút được đối tượng khán giả nhỏ tuổi đến với sân khấu truyền thống.
Bởi, các nhà hát đều thấu hiểu được một điều, thiếu nhi chính là đối tượng khán giả cho tương lai, nếu ngay từ khi còn nhỏ, các em được tiếp xúc với những cái lấp lánh, lung linh của nghệ thuật sân khấu truyền thống, các em sẽ thấy hay, thấy đẹp và dần dần việc thưởng thức nghệ thuật sân khấu sẽ trở thành nhu cầu trong đời sống của các em. Và chính cái đó sẽ giúp cho sân khấu tồn tại và phát triển".
Hàng loạt vở diễn dành cho thiếu nhi được các nhà hát giới thiệu trong dịp này. Các vở diễn được đầu tư từ kịch bản đến hình ảnh, kỹ xảo. Nhà hát Kịch Việt Nam đã tung ra nhiều vở diễn mới như Bộ quần áo mới của hoàng đế, Rồng thần trở lại, Biệt đội siêu anh hùng nhằm phục vụ khán giả trẻ.
Trong đó, Bộ quần áo mới của hoàng đế được chuyển thể dựa trên truyện Andersen cùng tên do đạo diễn người Nhật Hiroyuki Muneshige dàn dựng là một tác phẩm trọng điểm trong mùa hè năm nay. Tác phẩm xoay quanh hoàng đế chỉ chú trọng chưng diện, không quan tâm tới đời sống cơ cực của người dân khi nơi hạn hán, chỗ lũ lụt.
NSƯT Kiều Minh Hiếu chia sẻ: "Nội dung tác phẩm đã quen thuộc với khán giả, nên để hấp dẫn, Nhà hát Kịch Việt Nam đã mời đạo diễn người Nhật Bản Hiroyuki Muneshige dàn dựng. Ông đã thổi "luồng gió" đầy mới lạ trong cách kể câu chuyện này. Thay vì diễn theo cách truyền thống đã hiện hữu nhiều năm nay, thì trong vở kịch này, đạo diễn Hiroyuki Muneshige đã tạo dấu ấn mới khi thể hiện tác phẩm bằng nhiều ngôn ngữ mang tính giải trí cao, như kịch nói, kịch câm, vũ đạo, âm nhạc, ánh sáng… chủ yếu sử dụng ngôn ngữ hình thể của các nghệ sĩ. Chính điều mới mẻ đó đã giúp cho vở diễn ngay khi vừa ra mắt đã được giới chuyên môn đánh giá cao và mỗi đêm diễn đều bán hết vé, thu hút được đông đảo khán giả đến xem. Đó là điều rất vui mừng và tự hào của anh chị em nghệ sĩ trong Nhà hát".
Cũng trong dịp này, Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam đã cho ra mắt chuỗi chương trình Mùa hè yêu thương, gồm bốn vở diễn: Bữa tiệc của Elsa, Vị vua không ngai, Giải cứu bà nội, Zorba - chú mèo thám tử. Hai vở diễn Giải cứu bà nội, Zorba - chú mèo thám tử đánh dấu sự kết hợp giữa Nhà hát Tuổi trẻ và các nhà hát quốc tế.
Theo Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam NSƯT Sĩ Tiến cho biết: "Trong định hướng phát triển trung và dài hạn, Nhà hát Tuổi trẻ quyết tâm trở thành điểm đến văn hóa có tầm cỡ, là trung tâm sân khấu lớn dành cho thanh thiếu nhi tại Việt Nam và vươn tầm khu vực. Bên cạnh đó, Nhà hát cũng đặt sứ mệnh trở thành cầu nối, góp phần nâng bước thế hệ trẻ hội nhập với thế giới. Vậy nên, năm 2024, Nhà hát cho ra mắt rất nhiều vở diễn kết hợp với các nhà hát quốc tế nhằm giúp các em thiếu nhi có cơ hội được tiếp cận với nền văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới. Đồng thời, khi làm việc với nước ngoài, chúng ta sẽ đánh giá được xu hướng sân khấu thế giới dành cho thiếu nhi đang như thế nào để tiếp tục học hỏi, sáng tạo ra các tác phẩm hay và hấp dẫn dành cho các em thiếu nhi".
Tăng cường sự tương tác với khán giả
Bên cạnh khâu kịch bản, đội ngũ sáng tạo như biên kịch, đạo diễn, nhạc sĩ, biên đạo, thiết kế mỹ thuật, âm thanh ánh sáng cũng được các Nhà hát chú trọng không ngừng cập nhật các các xu hướng, yếu tố giải trí mới và hài hòa với văn hóa Việt Nam để tăng tính hấp dẫn cho sân khấu.
Theo NSƯT Sĩ Tiến, để có một tác phẩm sân khấu dành cho thiếu nhi chất lượng, Nhà hát đã luôn củng cố xây dựng đội ngũ nghệ sĩ và cán bộ trước hết phải có tâm huyết với sự nghiệp định hướng thẩm mỹ nghệ thuật cho trẻ em, năng động và sáng tạo trong phương pháp tiếp cận với trẻ em.
Bên cạnh đó, không chỉ chú trọng xây dựng các tác phẩm phục vụ thiếu nhi vào mùa hè, Nhà hát cũng thường xuyên lập kế hoạch biểu diễn cho cả năm và sớm thiết kế các poster với đầy đủ kịch mục, tên chương trình theo mùa, theo các ngày lễ kỷ niệm… Đẩy mạnh truyền thông tổng lực trước đợt diễn hoặc các vở diễn, chương trình sắp diễn ra một cách toàn diện trên các nền tảng công nghệ.
Đặc biệt, trong những năm qua, Nhà hát còn xây dựng mô hình "Sân khấu hóa các tác phẩm văn học" dành riêng cho thanh thiếu nhi nhằm giúp các con được giao lưu trao đổi trực tiếp với các nhà chuyên môn, nghệ sĩ yêu thích và vận dụng các kiến thức văn học vào thực tế, đưa văn học tới gần hơn với đời sống. Đan xen trong các buổi thưởng thức nghệ thuật là chương trình talk show thú vị trao đổi với các chuyên gia khách mời về phương pháp phân tích nhân vật, liên hệ nội dung vở diễn với thực tiễn và các bài giảng trong nhà trường. Qua đó, đã giúp cho các em thiếu nhi gần gũi với nghệ thuật sân khấu nhiều hơn.
Cũng giống như Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam, trong năm nay, phần tương tác với khán giả trong các vở diễn cũng được Nhà hát Kịch Việt Nam chú trọng. Theo NSƯT Kiều Minh Hiếu: "Trong năm nay, Nhà hát đã có sự đổi mới khi trong các buổi biểu diễn, chúng tôi đã tăng cường sự tương tác của khán giả với nghệ sĩ, với câu chuyện của vở diễn. Bởi đây là yếu tố quan trọng giúp giữ chân khán giả đến với Nhà hát. Hơn nữa, không chỉ khán giả có nhu cầu tương tác với nghệ sĩ mà chính nghệ sĩ chúng tôi cũng có nhu cầu tương tác với khán giả. Chúng tôi mong muốn lôi kéo được khán giả nhí tham gia, hòa mình vào câu chuyện của vở diễn, để nêu ra những ý kiến, cảm nhận của riêng mình. Và chính nhờ tinh thần giao lưu, tương tác của các nghệ sĩ, diễn viên, và khán giả, vở diễn đã trở nên thú vị hơn rất nhiều".
"Cùng với đó, với sự phát triển của công nghệ hiện nay, nhu cầu giải trí của các em nhỏ ngày càng được nâng cao thì việc đổi mới, đầu tư nhằm phục vụ khán giả nhí không chỉ nằm ở khâu kịch bản, còn sự đổi mới kỹ thuật, công nghệ biểu diễn. Chính vì thế, trong các vở diễn gần đây, Nhà hát cũng đã áp dụng các kỹ thuật công nghệ của sân khấu tiên tiến trên thế giới vào nhằm tạo ra một sân khấu sống động và đẹp đẽ để lôi cuốn được các em thiếu nhi cũng như các bậc phụ huynh đến với Nhà hát nhiều hơn nữa" - NSƯT Kiều Minh Hiếu cho biết thêm./.