Sân khấu kịch dành cho thiếu nhi, quá hiếm nơi Thủ đô (Bài 1)
04/04/2019 | 10:22Sân chơi văn hóa hấp dẫn dành cho thiếu nhi dịp cuối tuần, hoạt động định kỳ còn quá hiếm ở ngay Thủ đô.
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều loại hình giải trí như trò chơi điện tử, mạng internet với những bộ phim bạo lực, kích động tràn lan, khó kiểm soát. Nhiều bậc cha mẹ đang cố tìm những sân chơi, điểm sinh hoạt văn hóa, nhất là sân khấu dành cho thiếu nhi để đưa các em đi xem dịp cuối tuần. Tuy nhiên, một sân chơi văn hóa hấp dẫn dành cho thiếu nhi dịp cuối tuần, hoạt động định kỳ còn quá hiếm ở ngay Thủ đô.
Sân khấu Idecaf đầu tư rất lớn cho kịch thiếu nhi
Xu hướng phát triển của sân khấu là dành cho thiếu nhi
Bên cạnh những chương trình xiếc, ảo thuật, ca nhạc phục vụ cho thiếu nhi mỗi dịp hè về, thể loại sân khấu kịch cũng được các em nhỏ đặc biệt yêu thích. Sân khấu có tác động toàn diện và tích cực đến các em thiếu nhi. Ngoài nghệ thuật âm thanh, ánh sáng, những nhân vật, câu chuyện mà sân khấu kịch thiếu nhi đem lại sự vui nhộn, hài hước và gửi gắm câu chuyện mang nội dung giáo dục sâu sắc.
Nhận thức điều đó, gần 1 thập kỷ trước những người tâm huyết với sân khấu được sự hỗ trợ của các mạnh thường quân đã thực hiện dự án "Sân khấu học đường". Việc đưa sân khấu đến trường học đã giúp học sinh cảm thụ về giá trị sân khấu truyền thống, tác dụng của nghệ thuật sân khấu đối với đời sống xã hội, bồi đắp cho thế hệ trẻ ý thức trân trọng, gìn giữ và phát huy những giá trị của nghệ thuật sân khấu dân tộc.
Theo GS Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, sân khấu học đường thực sự đã trở thành những người bạn đồng hành trong các nhà trường phổ thông. Mục đích của dự án là tăng cường giáo dục thẩm mỹ và hiểu biết về văn hóa xã hội thông qua việc giới thiệu, giảng dạy những tinh hoa của nghệ thuật dân tộc như tuồng chèo, cải lương, dân ca, kịch... cho các em HS bậc THPT và THCS. Việc làm này nhằm tạo ra một đội ngũ công chúng trẻ có hiểu biết, có nhận thức đúng đắn, thẩm thấu được cái hay, cái đẹp, những tinh hoa của nghệ thuật dân tộc, qua đó giúp các em thêm yêu thích, trân trọng và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó nhờ có dự án này mà các em học sinh có một sân chơi bổ ích lành mạnh, hướng các em đến những giá trị tình thần trong sáng.
Hiệu quả thiết thực và rõ ràng như vậy nhưng hiện nay, sân khấu kịch cho thiếu nhi ở Thủ đô cũng chỉ mang tính mùa vụ. Mỗi năm chỉ rầm rộ một lần vào dịp Quốc tế thiếu nhi (1/6). Ở Hà Nội, hiện nay, trừ Nhà hát Tuổi trẻ với chức năng của mình thực hiện các vở diễn trong các dịp dành cho thiếu, nhi đồng và một số nghệ sĩ tâm huyết với kich thiếu nhi như Xuân Bắc, Tự Long thì sân khấu thiếu nhi quả thực quá hiếm hoi.
NSND Tự Long và NSƯT Xuân Bắc là những nghệ sĩ trong số ít các nghệ sĩ làm chương trình kịch thiếu nhi
Theo ông Nguyễn Thế Vinh, nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, xu hướng phát triển của sân khấu trên thế giới lấy thiếu nhi làm đối tượng phục vụ. Cùng với thiếu nhi, người làm sân khấu hướng tới thu hút thêm các đối tượng như phụ huynh, ông bà. "Thiếu nhi sẽ là đối tượng phục vụ chính trong xu hướng phát triển của sân khấu trong tương lai. Hiện nay, nhiều nhà hát đã xã hội hóa thành công các chương trình cho thiếu nhi và đầu tư rất tốt. Tuy nhiên, sân khấu thiếu nhi chưa thực sự hoạt động nhiều, ổn định"- ông Nguyễn Thế Vinh chia sẻ.
Đầu tư không nhỏ
Làm sân khấu thiếu nhi không đơn giản, thậm chí còn khó hơn sân khấu cho người lớn. Bởi để giữ chân, hấp dẫn khán giả nhí, ngoài câu chuyện kịch thì các yếu tố phụ trợ rất cần được quan tâm đưa vào vở diễn.
Chẳng thế mà dịp Quốc tế thiếu nhi 2018, sân khấu nổi tiếng phía Nam, Idecaf đầu tư 650 triệu đồng cho chương trình Ngày xửa ngày xưa 31; sân khấu Buffalo cũng bỏ ra khoảng 1 tỷ đồng cho vở nhạc kịch Thủy Tinh - Đứa con thứ 10; "Bà bầu" Trịnh Kim Chi cũng chi trên 200 triệu đồng cho vở kịch thiếu nhi Tiên hắc ám.
Sân khấu Lệ Ngọc đang dựng kịch thiếu nhi trước thềm ngày Quốc tế thiếu nhi
Năm nay, sân khấu Lệ Ngọc ở Hà Nội "đón" xu hướng giải trí cho thiếu nhi với vở kịch "Tấm Cám". Đây cũng là vở diễn thứ 3 mà sân khấu này thực hiện cho thiếu nhi. Vở diễn mời đạo diễn người Singapore Chua Soo Pong tham gia với vai trò đạo diễn vài thay đổi nhiều chi tiết cho phù hợp với thời đại hơn.
Theo vị đạo diễn người Singapore chia sẻ: "Đừng nghĩ vở diễn dành cho thiếu nhi thì dễ, mà ngược lại, vở kịch làm cho thiếu nhi không hề đơn giản. Thậm chí còn là vở kịch rất khó xây dựng. Bởi các câu chuyện kể cho thiếu nhi phải dí dỏm và hài hước. Với những tình tiết không thật phải làm thế nào để kể cho các em tin là thật. Làm sao tạo được sự hài hước, nhưng thuyết phục được trẻ em tin tưởng là điều không dễ"./.
Bài 2: Tác giả kịch bản sân khấu thiếu nhi: Viết kịch thiếu nhi cực kì khó nếu không có sự am hiểu và tình yêu