Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Sân khấu giữa đại dịch đối mặt với nỗi lo "kép"

26/05/2021 | 17:02

Trong bối cảnh khó khăn chung giữa đại dịch COVID-19, cùng với nỗi lo không được biểu diễn, không có khán giả thì ngành sân khấu cũng lo lắng thiếu hụt lực lượng diễn viên.

Nghệ sĩ bỏ nghề

Chưa bao giờ thị trường nghệ thuật biểu diễn lại ảm đạm và khó khăn đến thế. Hàng loạt chương trình đã lên khung đều phải hủy, thậm chí có chương trình đã phát hành vé phải xin lỗi và trả lại tiền cho khách.

Sân khấu giữa đại dịch: Lo lắng diễn viên bỏ nghề - Ảnh 1.

Sân khấu biểu diễn đóng băng bởi đại dịch

Nhà hát Chèo Việt Nam đã phải hủy toàn bộ các suất diễn phục vụ chính trị và hợp đồng tại Nhà hát cũng như lưu diễn ở các tỉnh; chương trình làm theo đơn đặt hàng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến diễn vào tháng 5 cũng dừng lại.

Kế hoạch phục vụ khán giả vùng sâu, vùng xa của Nhà hát Tuồng Việt Nam hai lần lên lịch đều đúng thời điểm tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn lo lắng: "Nhà hát không biểu diễn, không có nguồn thu. Nghệ sĩ cũng không tập luyện được vì không có tiền trả cho nghệ sĩ".

Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, NSND Triệu Trung Kiên cũng ngậm ngùi: "Chúng tôi không khỏi xót xa khi phải hủy các đêm diễn ít ỏi mà khó khăn lắm mới ký được hợp đồng. Hiện Nhà hát chưa biết sẽ phải trả lương các nhạc công chủ chốt, diễn viên trẻ bằng cách nào…".

Các đơn vị tự chủ về kinh phí hoặc một phần kinh phí như Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ… thì lại càng khó khăn hơn. Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam Nguyễn Hải Linh cho biết: "Hiện tất cả các đơn vị nghệ thuật đều trong tình trạng án binh bất động. Ban giám đốc chúng tôi đang rất đau đầu với việc giữ người để họ không bỏ đơn vị đi tìm việc khác và cân đối nguồn tài chính để duy trì mức lương cơ bản cho người lao động. Có thể nói từ năm ngoái đến nay, nghệ thuật biểu diễn chưa có được một lối thoát nào thực sự thuyết phục…".

NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt chia sẻ: "Sân khấu múa rối không hoạt động, khó khăn nhiều thứ. Chúng tôi xác định rõ tư tưởng chống dịch còn lâu dài, nhưng cũng lo lắng cho phát triển của sân khấu múa rối. Lo lắng diễn viên bỏ nghề. Năm ngoái mấy solist bỏ nghề rồi. Nếu năm nay các bạn ấy vẫn làm thì sẽ được Nhà hát lập hồ sơ đề nghị phong danh hiệu NSƯT nhưng các bạn vẫn bỏ. Có bạn năm nay đủ điều kiện để Nhà hát xét vào biên chế nhưng cũng bỏ".

NSND Nguyễn Tiến Dũng cho biết thêm: "Chúng tôi hiểu dịch bệnh thì khó khăn chung nhưng với chúng tôi thì sợ nhất là các nghệ sĩ sẽ bỏ nghề. Đào tạo 1 nghệ sĩ rất khó đặc biệt là nghệ sĩ múa rối, nhưng giờ không có nghệ sĩ. Lực lượng nghệ sĩ biểu diễn rất mỏng, trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, các bạn phải mưu sinh nên dù rất tiếc cũng bỏ nghề. Bởi với các nghệ sĩ trẻ, chỉ là nhân viên hợp đồng, lương không được chi từ ngân sách, hiện giờ không biểu diễn nên không có tiền lương".

Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng chung hoàn cảnh. Ông Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết: "Chúng tôi hiện không có kinh phí để nuôi con người. Nghệ sĩ bỏ đi là chuyện rất bình thường. Nhà hát Tuồng có trường hợp NSƯT cũng bỏ hẳn ra ngoài kiếm sống. Nếu cứ áp dụng chung Nghị định 161 đối với ngành nghệ thuật thì không thể tồn tại được. Lương không có thì ai gắn bó với nghề. Chúng tôi xác định con người là quan trọng. Có tác phẩm hay mà không có nghệ sĩ giỏi thì không thể thành tác phẩm sân khấu hay được".

Cần đồng bộ nhiều giải pháp

Câu chuyện cần cơ chế đặc thù trong việc trả lương ở các đơn vị nghệ thuật, không thể áp dụng rập khuôn theo NĐ 161 đã được nhắc đến nhiều. Tuy nhiên, cho đến nay, vấn đề này vẫn chưa có giải pháp rốt ráo.

Sân khấu giữa đại dịch: Lo lắng diễn viên bỏ nghề - Ảnh 2.

Các nghệ sĩ đã lâu không tập luyện, biểu diễn

Lãnh đạo các nhà hát, đơn vị nghệ thuật cho rằng, để sửa đổi cơ chế cần thời gian dài. Trước mắt, các đơn vị nghệ thuật vẫn phải chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp vượt qua khó khăn bởi tác động của dịch bệnh COVID-19.

NSND Thanh Ngoan- Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết: "Chúng tôi hiểu những bất cập trong cơ chế chính sách không thể sửa đổi ngay được. Trong bối cảnh khó khăn này, chúng tôi mong muốn và đề nghị Cục NTBD, Bộ VHTTDL có chính sách hỗ trợ, tháo gỡ. Năm 2020, Bộ đã hỗ trợ mỗi nhà hát 1 đêm diễn ngay khi dịch bệnh được kiểm soát. Tôi đề nghị năm nay, Cục NTBD tiếp tục kiến nghị Lãnh đạo Bộ VHTTDL hỗ trợ như vậy. Để khích lệ tinh thần các nghệ sĩ, ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, chúng tôi sẽ lại biểu diễn, đem những tác phẩm chất lượng đến với khán giả".

NSND Thanh Ngoan cũng cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, các nhà hát cần chủ động xây dựng, biểu diễn các chương trình, phát online phục vụ khán giả, không thể để sân khấu "đóng băng" trong thời kỳ dịch bệnh.

Đồng quan điểm, NSND Triệu Trung Kiên- Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết: "Thay vì ngân sách cấp cho các nhà hát 1 năm dựng 2 vở như hiện nay thì chỉ đầu tư có trọng tâm trọng điểm. Dựng 2 năm 1 vở thôi. Nhưng phải thật hay, thật sự đỉnh cao. Có nguồn cung là ngân sách đó, còn nguồn cầu là đưa tác phẩm đến các khu công nghiệp, các trường học. Bên cạnh đó, các nhà hát nếu chủ động được kinh phí thì vẫn thực hiện các vở diễn khác, còn ngân sách nhà nước thì chỉ điều phối như thế. Ví dụ: Năm nay dựng chèo cho thiếu nhi thì tập trung cho sân khấu Chèo, năm sau thì Tuồng…".

NSND Triệu Trung Kiên nhấn mạnh: "Phải có đầu tư trọng tâm trọng điểm. Có điều phối, có kế hoạch. Sân khấu đang không có chỗ dứng, kinh phí đầu tư eo hẹp thì làm sao ra được sản phẩm lớn. Nếu cứ đầu tư nhỏ, manh mún, tạm bợ thì khán giả sẽ càng chán chúng ta".

NSƯT Xuân Bắc- Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, sân khấu kịch cũng rất khó khăn. Trước đây, những diễn viên hợp đồng vẫn đi biểu diễn thì có thu nhập, giờ không đi diễn nên không có. Ban Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam đang chuẩn bị thông qua việc hỗ trợ những diễn viên hợp đồng, không tập luyện, không có tiền đi diễn. Theo đó, Nhà hát sẽ trích 1 khoản nhất định để hỗ trợ diễn viên, giữ chân họ với sân khấu Nhà hát.

Chia sẻ và lắng nghe những ý kiến của các nhà hát, ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, Lãnh đạo Cục và Lãnh đạo Bộ rất quan tâm đến các nhà hát, các loại hình nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh khó khăn bởi tác động của dịch bệnh. Được biết, trong tuần tới, Lãnh đạo Bộ sẽ gặp mặt các nhà hát để lắng nghe những kiến nghị, giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đưa sân khấu vượt qua ảnh hưởng của đại dịch ./.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ

Hà An

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×